Thời gian qua, Nam Định đã có nhưng công trình chiến lược, giúp thay đổi hoàn toàn diện mạo của tỉnh, đưa địa phương trở thành điểm sáng trên bản đồ kinh tế Việt Nam.
Cụ thể, tỉnh đã hoàn thành, đưa vào khai thác hàng loạt công trình quan trọng, đặc biệt là hạ tầng giao thông kết nối, liên kết vùng, các trục giao thông hướng tâm, các cầu lớn vượt sông đóng vai trò động lực,
Trong đó, một số dự án đã cơ bản hoàn thành trong năm 2024 gồm: Tuyến đường bộ ven biển, cầu Bến Mới nối Nam Định – Ninh Bình, cầu vượt sông Đáy trên tuyến cao tốc Ninh Bình – Hải Phòng, không chỉ rút ngắn khoảng cách giữa các tỉnh mà còn tạo nên mạng lưới giao thông kết nối liên vùng và giúp Nam Định khai thác tiềm năng kinh tế biển và kết nối các khu vực kinh tế trọng điểm.
Một số công trình đang được gấp rút hoàn thành thi công để chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI gồm: Tuyến đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh với đường cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình; tuyến đường Nam Định – Lạc Quần – Đường ven biển; cầu qua sông Đào và đường trục phía nam thành phố Nam Định.
Hiện tại, địa phương đang thúc đẩy đầu tư các tuyến cao tốc như Nam Định – Hải Phòng (CT.08), Nam Định – Hà Nam (CT.11), cầu Ninh Cường… với vai trò hình thành “huyết mạch kinh tế”, khẳng định tính chiến lược trong phát triển kinh tế – xã hội liên vùng, đưa Nam Định trở thành là một trung tâm kết nối logistics quan trọng của khu vực đồng bằng sông Hồng.
Hệ thống các khu công nghiệp (KCN) như Rạng Đông, Mỹ Thuận, Bảo Minh và các cụm công nghiệp (CCN) Thịnh Lâm, Yên Dương đã cơ bản hoàn thiện hạ tầng, không chỉ giúp thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mà còn đặt Nam Định vào bản đồ các trung tâm sản xuất công nghiệp hiện đại của miền Bắc.
Nhiều khu, CCN đang triển khai thực hiện với tổng diện tích 438ha như KCN Trung Thành và 6 CCN Hải Vân, Đồng Côi, Thanh Côi, Yên Bằng, Tân Thịnh, Giao Thiện; 9 KCN đang triển khai thủ tục đầu tư với tổng diện tích khoảng 3.000ha gồm: Hồng Tiến, Xuân Kiên, Hải Long, Nam Hồng, Minh Châu…
Trong đầu tư hạ tầng các khu, CCN của tỉnh thể hiện tầm nhìn dài hạn: không chỉ tập trung vào gia tăng số lượng dự án mà còn chú trọng vào chất lượng, lựa chọn những nhà đầu tư có năng lực, công nghệ cao và thân thiện với môi trường.
Một trong ba đột phá chiến lược mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đã xác định là việc huy động nguồn lực của Nam Định không chỉ dừng lại ở những mục tiêu phát triển đơn thuần mà đã đặt mục tiêu ưu tiên nguồn lực đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tạo chuyển biến rõ nét trong phát triển hạ tầng các lĩnh vực trọng yếu, thực sự có tính đột phá, có tác dụng lan tỏa rộng, có tính chất kết nối vùng, liên vùng để kích hoạt động lực tăng trưởng.
Tổng vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của tỉnh đạt 44.263 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần giai đoạn trước. Bên cạnh đó, với gần 10 nghìn tỷ đồng vốn của các nhà đầu tư tư nhân để xây dựng, phát triển các KCN, CCN, Nam Định đang thực sự tạo ra “cú huých” để có bước nhảy vọt về kinh tế.
Tương lai, Nam Định tiếp tục hoàn thiện hệ thống, cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, đặc biệt trong đầu tư xây dựng và giải phóng mặt bằng; tăng cường xúc tiến, thu hút đầu tư và đẩy mạnh đào tạo lao động chất lượng cao, phát triển nguồn nhân lực một cách bài bản, bền vững.
Những dự án mới sẽ mở ra cơ hội lớn để Nam Định vượt qua mọi rào cản, tiếp tục khẳng định vị thế của mình trong khu vực đồng bằng sông Hồng.
Việt An