Mô hình Khu thương mại tự do (Free Trade Zones – FTZ) có khả năng sẽ là trọng tâm phát triển của Việt Nam trong giai đoạn tới.
Báo cáo Logistics Việt Nam năm 2024 được Bộ Công Thương phát hành mới đây, với chủ đề trọng tâm là “Khu thương mại tự do” cho rằng, Việt Nam chỉ đang trong giai đoạn đầu triển khai FTZ, tập trung chủ yếu tại các khu vực kinh tế trọng điểm, như Đà Nẵng – nơi có kế hoạch phát triển FTZ gắn với cảng Liên Chiểu.
Tuy nhiên, nhìn vào kết quả phát triển FTZ của Singapore, UAE và Trung Quốc – tạo đòn bẩy cho ngành logistics và kinh tế quốc gia, mô hình này có khả năng sẽ là trọng tâm phát triển của Việt Nam trong giai đoạn tới.
Về cơ bản, FTZ là các khu vực được ưu đãi về thuế, thủ tục hải quan đơn giản, cơ sở hạ tầng được đầu tư cao. FTZ cũng có thể cho phép các doanh nghiệp nhập nguyên liệu, sản xuất hoặc tạm nhập tái xuất hàng hóa.
Đây cũng là công cụ chiến lược để thúc đẩy xuất khẩu và thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài, giảm phụ thuộc vào các hình thức sản xuất truyền thống, khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất, thương mại và logistics quốc tế sử dụng FTZ như một trung tâm phân phối chiến lược, khi mà các nhà đầu tư nước ngoài cũng thường ưu tiên chọn FTZ để tận dụng chính sách ưu đãi và vị trí địa lý.
Đáng lưu ý, Việt Nam hiện có vị thế quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu nhờ việc tham gia các hiệp định thương mại tự do lớn trong những năm qua như CPTPP, RCEP, EVFTA, cũng như có cơ hội đón nhận dòng vốn đầu tư quốc tế và sự chuyển dịch cơ sở sản xuất, do tác động của bất ổn địa chính trị và chiến tranh thương mại giữa các nền kinh tế lớn trong những năm gần đây. Điều này càng tạo điều kiện cho FTZ đóng vai trò trung tâm kết nối thương mại.
Ngoài ra, mô hình này cũng sẽ là điểm nhấn chiến lược trong cạnh tranh quốc tế của Việt Nam, giúp Việt Nam trở thành trung tâm logistics và thương mại quan trọng trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, đồng thời góp phần hỗ trợ ngành logistics trong nước phát triển, tạo điều kiện cho hàng hóa lưu thông nhanh chóng, giảm chi phí vận chuyển và lưu kho.
Hiện một số khu thương mại tự do trong nước đã được quy hoạch, ngoài Đà Nẵng có thể kể đến Bà Rịa – Vũng Tàu với cảng Cái Mép – Thị Vải, hay thành phố Hải Phòng cũng có định hướng thành lập khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng, trong đó có khu thương mại tự do. Nhưng cũng phải thừa nhận rằng cơ sở hạ tầng và khung pháp lý cho mô hình này còn hạn chế, dẫn đến khó khăn trong việc thu hút các doanh nghiệp quốc tế.
Vì vậy, trước mắt cần sớm xây dựng luật riêng cho FTZ, tạo điều kiện thuận lợi hơn về thuế, thủ tục hải quan và quyền tiếp cận thị trường, học hỏi kinh nghiệm từ FTZ quốc tế để áp dụng các chính sách linh hoạt và hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, cũng cần triển khai các gói ưu đãi tài chính và phi tài chính hấp dẫn cho các doanh nghiệp tham gia FTZ.
Trước xu hướng ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số trong quản lý logistics; phát triển logistics xanh và bền vững, giảm phát thải carbon; tăng nhu cầu về dịch vụ giao hàng chặng cuối (last-mile delivery) nhờ sự bùng nổ của thương mại điện tử, nhu cầu phát triển ngành logistics nói chung cũng như hình thành FTZ nói riêng đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Hiện chi phí logistics của Việt Nam còn khá cao, chiếm khoảng 20% GDP, cao hơn mức trung bình của thế giới, nên các cơ quan quản lý đang đặt mục tiêu giảm xuống dưới 15% GDP vào năm 2030, thông qua việc đẩy mạnh chuyển đổi số và tự động hóa trong quản lý logistics. Song song đó, tập trung đầu tư vào các cảng biển, sân bay và hệ thống đường sắt kết nối FTZ với các trung tâm kinh tế lớn, đồng thời phát triển các trung tâm logistics hiện đại trong FTZ để hỗ trợ lưu trữ và phân phối hàng hóa.
Cũng cần biết rằng FTZ không chỉ thúc đẩy ngành logistics mà còn tạo điều kiện cho các ngành kinh tế khác như sản xuất, thương mại quốc tế và dịch vụ tài chính phát triển. Đầu tiên, như đã nói, FTZ sẽ thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu, tăng lưu lượng hàng hóa qua cảng và nhu cầu dịch vụ logistics, theo đó ngành cảng biển và logistics sẽ là nhóm hưởng lợi trực tiếp lớn nhất.
Kế tiếp, FTZ cũng sẽ giúp thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt là từ các tập đoàn quốc tế với công nghệ hiện đại, giúp tăng cường năng lực sản xuất và giá trị gia tăng nội địa. Khi đó, nhu cầu thuê đất và hạ tầng khu công nghiệp cũng sẽ tăng lên. Vì vậy, ngành bất động sản khu công nghiệp có triển vọng phát triển tích cực hơn từ chính sách phát triển mô hình này.
Các ngành sản xuất và xuất khẩu cũng sẽ được hưởng lợi khi mô hình FTZ phát triển, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trong khu vực FTZ. Ngoài khả năng có thể hưởng các ưu đãi về thuế quan, tiết kiệm chi phí logistics và nâng cao khả năng tiếp cận thị trường quốc tế, các doanh nghiệp này còn có cơ hội tiếp cận các công nghệ hiện đại để nâng cao năng lực sản xuất, tăng tỷ lệ nội địa hóa trong sản phẩm và tăng khả năng huy động vốn và hỗ trợ đầu tư từ các tập đoàn quốc tế.
Lĩnh vực xây dựng cũng có nhiều cơ hội phát triển, khi FTZ sẽ thúc đẩy hoạt động xây dựng các cơ sở hạ tầng hiện đại, như cảng biển, sân bay, hệ thống giao thông nội địa, nhà xưởng, kho bãi… Khi đó, nhu cầu vật liệu xây dựng cũng sẽ tăng lên, vì vậy nhóm doanh nghiệp sản xuất thép, xi măng, cát, đá, bê tông… cũng hưởng lợi gián tiếp. Đặc biệt, các vật liệu xây dựng sản xuất trong nước và cung ứng cho FTZ có thể được hưởng ưu đãi thuế, giúp tăng sức cạnh tranh so với vật liệu nhập khẩu.
Hồng Châu