Cánh cửa đưa thực phẩm Halal của Việt Nam đến thị trường toàn cầu đang rộng mở

0
13
Malaysia là một trong số những thị trường mà Việt Nam có thể tích cực khai thác, tiếp cận để xuất khẩu sản phẩm thực phẩm Halal. (Nguồn: Vneconomy)

Giá trị thị trường thực phẩm Halal toàn cầu dự kiến đạt gần 2.548,5 tỷ USD trong năm 2024 và sẽ tăng lên 4.934,73 tỷ USD vào năm 2031.

Từ ngày 20-22/12, Lễ hội Halal Melaka 2024 (MIHF’24) đã diễn ra tại Trung tâm thương mại quốc tế Melaka (MITC), Malaysia. Lễ hội đã thu hút được khoảng 25.000 khách tham quan.

Tại lễ hội, Văn phòng Thương vụ Việt Nam tại Malaysia đã tham gia trưng bày sản phẩm với thế mạnh là các sản phẩm thực phẩm và đồ uống, trong đó mặt hàng cà phê đã gây ấn tượng với bạn bè quốc tế.

Ông Ngô Quang Hưng, Bí thư thứ Nhất, Văn phòng Thương mại Việt Nam tại Malaysia nhấn mạnh: “Thương vụ rất chú trọng tham dự MIHF’24 bởi đây là cơ hội lớn cho các sản phẩm đã có chứng chỉ Halal của Việt Nam”.

Ông nêu rõ, hiện có khoảng 1.000 doanh nghiệp Việt Nam đã được cấp chứng chỉ Halal với hơn 3.000 sản phẩm. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như gạo, chè, hạt điều, cà phê, hồ tiêu và hải sản… đều là những sản phẩm phù hợp với nhu cầu của người Hồi giáo và hiện đang được cộng đồng các quốc gia Hồi giáo tin dùng, đặc biệt là mặt hàng cà phê.

“Người dân Malaysia ưa chuộng cà phê Việt Nam do hàm lượng cafein cao, giúp họ tỉnh táo và tập trung làm việc, cùng mùi thơm đặc trưng gây ấn tượng mạnh”, ông Hưng nói.

Malaysia là một trong số những thị trường mà Việt Nam có thể tích cực khai thác, tiếp cận để xuất khẩu sản phẩm thực phẩm Halal.

Theo báo cáo Thị trường Thực phẩm Halal Toàn cầu năm 2024 của hãng nghiên cứu thị trường Cognitive Market Research cho thấy, giá trị thị trường thực phẩm Halal toàn cầu dự kiến đạt gần 2.548,5 tỷ USD trong năm 2024 và sẽ tăng lên 4.934,73 tỷ USD vào năm 2031, với tốc độ tăng trưởng hằng năm 9,9% trong giai đoạn 2024-2031.

Các chuyên gia cho rằng, thị trường Halal được tăng trưởng bởi sự phát triển dân số Hồi giáo toàn cầu cũng như nhu cầu về các sản phẩm đạt chứng nhận Halal. Việc này đã mang đến những cơ hội lớn cho nhiều quốc gia bao gồm Việt Nam có thể tiếp cận một cách chủ động đến thị trường Halal.

Trong khi đó, theo Lãnh đạo Bộ Công thương, Việt Nam được đánh giá có tiềm năng xuất khẩu thực phẩm Halal. Tiềm năng mở rộng xuất khẩu sản phẩm thực phẩm Halal của Việt Nam ngày càng được thể hiện rõ.

Cụ thể, Việt Nam đã nằm trong top 20 nước xuất khẩu thực phẩm hàng đầu thế giới và là một trong 15 nước xuất khẩu nông sản lớn nhất thế giới; đồng thời là mắt xích quan trọng trong các chuỗi cung ứng toàn cầu, với 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết, trong đó có nhiều FTA thế hệ mới, khu vực và liên khu vực đã được ký kết…”.

Do đó, với số lượng 2,2 tỷ người tiêu dùng từ thị trường này, các ngành hàng nông sản Việt Nam như được rộng cửa giao thương thế giới. Năng lực sản xuất và xuất khẩu hiện nay của ngành nông nghiệp Việt Nam, việc đáp ứng các tiêu chí của nhà nhập khẩu đều được doanh nghiệp thực hiện tốt và mang lại nhiều kết quả khả quan.

Nhận thức được cơ nội đó, thời gian qua, Việt Nam đã nỗ lực, tập trung phát triển ngành Halal: Xây dựng định hướng chiến lược về phát triển ngành Halal đến năm 2030; trong đó, có Đề án về “Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030”; Thành lập Trung tâm Chứng nhận Halal Quốc gia, hoàn thiện các quy định pháp lý và tiêu chuẩn về Halal quốc gia; Ký một số thỏa thuận hợp tác về Halal với các đối tác Hồi giáo và phi Hồi giáo.

Bên cạnh đó, các cơ quan từ trung ương đến địa phương, các doanh nghiệp, hiệp hội ngày càng quan tâm đầu tư, sản xuất và mở rộng xuất khẩu sang thị trường Halal toàn cầu.

Trong tương lai, doanh nghiệp Việt Nam cũng cần xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với các đối tác bản địa tại thị trường xuất khẩu. Đây yếu tố có vai trò quan trọng để doanh nghiệp thực phẩm và các lĩnh vực khác tiếp cận hiệu quả thị trường thị trường Halal toàn cầu nói riêng.

Khánh Ly

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here