Những năm gần đây, Hà Nội luôn giữ vững vị trí dẫn đầu, khẳng định vai trò tiên phong trong thu hút FDI của cả nước.
Theo Cục Thống kê Hà Nội, thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) năm 2024 của thành phố dự kiến đạt trên 2 tỷ USD, tăng 78% so với năm 2023.
Nhận định nguồn vốn FDI là động lực quan trọng cho phát triển, Hà Nội đã tích cực cải thiện môi trường đầu tư, tạo nhiều điều kiện thuận lợi để có thể thu hút được các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trên thế giới.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), top 10 địa phương thu hút FDI cao nhất cả nước trong năm 2024 lần lượt là: Bắc Ninh, Quảng Ninh, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Hà Nội, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Nghệ An, Bắc Giang, với 79,6% số dự án mới và 69,4% số vốn đầu tư của cả nước trong 11 tháng.
Theo đánh giá từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dòng vốn FDI năm 2024 chủ yếu đổ vào các tỉnh, thành phố có lợi thế về hạ tầng, nguồn nhân lực ổn định, cùng với nỗ lực mạnh mẽ trong cải cách thủ tục hành chính và năng động trong xúc tiến đầu tư. Nổi bật trong số đó, Hà Nội luôn giữ vững vị trí dẫn đầu, khẳng định vai trò tiên phong trong thu hút FDI của cả nước. Theo các chuyên gia, sở dĩ Hà Nội luôn giữ vững vị trí dẫn đầu trong thu hút FDI không chỉ nhờ lợi thế sẵn có mà còn nhờ chiến lược đổi mới liên tục trong công tác xúc tiến đầu tư và nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính.
TS Lê Quốc Phương, nguyên Phó giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, Hà Nội đóng vai trò quan trọng trong các chỉ số kinh tế của cả nước. Dù chỉ chiếm 1% diện tích và 8,5% dân số, nhưng Hà Nội đóng góp đến 16% GDP quốc gia, thu ngân sách đạt 18,5% và 20% thu nội địa. Điều này khẳng định vị trí của Hà Nội là trung tâm kinh tế, giao dịch quốc tế và động lực phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng cũng như cả nước.
“Hà Nội có vai trò trọng yếu quốc gia, không chỉ là Thủ đô chính trị – hành chính, mà còn là trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục và giao dịch quốc tế”, ông Phương nhấn mạnh.
Theo đánh giá của Sở KH&ĐT Hà Nội, vốn FDI là nguồn lực vô cùng quan trọng để thực hiện thành công mục tiêu tăng trưởng kinh tế, thực hiện khâu đột phá phát triển đồng bộ, hiện đại hóa Thủ đô. Điều đó có được nhờ hàng loạt hoạt động cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành, đối thoại với cộng đồng nhà đầu tư của thành phố, qua đó nhận diện khó khăn, vướng mắc để chủ động hỗ trợ, tháo gỡ.
Mới đây, Luật Thủ đô 2024 được Quốc hội khóa XV thông qua với nhiều cơ chế đặc thù mở thêm nhiều hướng phát triển cho thành phố, giúp Hà Nội tăng thêm sức hút đối với các nhà đầu tư lớn.
Công ty TNHH điện Stanley đã đầu tư và phát triển tại Hà Nội hơn 20 năm trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh các loại đèn, thiết bị chiếu sáng, sản phẩm linh kiện điện tử. Hiện doanh nghiệp đang duy trì công ăn việc làm ổn định cho hơn 2.300 cán bộ, công nhân viên. Đại diện doanh nghiệp khẳng định sẽ tiếp tục phát triển loại đèn đường thông minh, giá rẻ phù hợp với nhu cầu của thị trường Việt và đặt mục tiêu lợi nhuận hàng năm tăng trưởng từ 20~30%.
Ông Konaka Masaki – Tổng giám đốc Công ty TNHH điện Stanley, cho biết: “Đối với các nhà đầu tư nước ngoài như chúng tôi, chúng tôi nhận được rất nhiều chế độ ưu đãi, hỗ trợ từ Chính phủ Việt Nam cũng như huyện Gia Lâm – địa phương nơi công ty chúng tôi đặt nhà máy, cụ thể là các chế độ miễn giảm thuế đất, thuế giá trị gia tăng. Tôi cho rằng đây là thị trường tiềm năng, hấp dẫn, trong tương lai sẽ tiếp tục thu hút nhiều đầu tư nước ngoài hơn nữa. Số người trong độ tuổi lao động từ 15 – 60 tuổi chiếm khoảng 64% dân số, vì vậy, tôi đánh giá Việt Nam có tiềm lực rất lớn về nguồn lao động”.
Nguyễn Đức Kiên – nguyên Tổ trưởng tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, cho hay: “Trong bối cảnh kinh tế hiện nay, Hà Nội là nơi có nhiều điều kiện thu hút FDI công nghệ mới bởi chúng ta có sẵn hạ tầng cả về cơ sở vật chất và nguồn nhân lực. Và chúng ta là một trong hai trung tâm đào tạo nhân lực lớn nhất cả nước”.
Sự tin tưởng của các nhà đầu tư quốc tế vào môi trường đầu tư của Hà Nội là minh chứng cho những cải cách mạnh mẽ trong công tác quản lý, cũng như môi trường đầu tư của thành phố.
Năm 2024, tổng vốn đầu tư thu hút vào các khu công nghiệp tại Hà Nội đạt 768 triệu USD quy đổi (trong đó, vốn FDI đạt 380,65 triệu USD), tăng 28% so với năm 2023. Chia sẻ về kế hoạch năm 2025, Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội cho hay, bên cạnh đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án hạ tầng khu công nghiệp mới, Ban sẽ xây dựng các chương trình xúc tiến đầu tư để thu hút các dự án công nghệ cao, thân thiện với môi trường và có giá trị gia tăng cao.
Thanh Hà