Thu hút và huy động vốn đầu tư mạo hiểm vào lĩnh vực công nghệ tại Đông Nam Á

0
16
Nhà máy Samsung tại Bắc Ninh. (Nguồn: Samsung C&T)
̣(Minh họa)

Đầu tư mạo hiểm (Venture Capital – VC) đã trở thành động lực quan trọng cho sự phát triển của các ngành công nghiệp sáng tạo, đặc biệt là công nghệ. Từ năm 2018 đến 2023, giá trị đầu tư mạo hiểm trên toàn cầu vào các lĩnh vực như AI, blockchain, công nghệ tài chính, công nghệ sinh học và công nghệ y tế đã tăng mạnh, ước đạt 445 tỷ USD năm 2023 theo CB Insights. Các quỹ đầu tư lớn như Sequoia Capital, SoftBank Vision Fund và Andreessen Horowitz đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ nhiều công ty khởi nghiệp phát triển thành các công ty có tầm ảnh hưởng toàn cầu.

Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0, các nền kinh tế phát triển và đang phát triển đều chú trọng xây dựng các trung tâm đổi mới sáng tạo và các chương trình công nghệ để thu hút vốn đầu tư mạo hiểm. Mỹ hiện dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực đầu tư mạo hiểm với Thung lũng Silicon là trung tâm đầu tư và công nghệ. Các nước châu Á, đặc biệt Trung Quốc và Ấn Độ, cũng đang gia tăng thu hút đầu tư mạo hiểm vào các ngành công nghệ xanh, năng lượng tái tạo và logistics thông minh.

Kinh nghiệm thu hút và huy động đầu tư mạo hiểm tại Đông Nam Á

Singapore

Singapore là quốc gia đi đầu khu vực về thu hút, huy động vốn đầu tư mạo hiểm và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp nhờ chính sách hỗ trợ toàn diện và chiến lược dài hạn. Chính phủ Singapore đã thực hiện các chương trình như Startup SG, cung cấp hỗ trợ tài chính, tư vấn pháp lý và kết nối các công ty khởi nghiệp với các quỹ đầu tư lớn. Startup SG là nền tảng chính để khuyến khích các doanh nghiệp khởi nghiệp tại Singapore phát triển, với cơ chế ưu đãi thuế, hỗ trợ vốn ban đầu và tài trợ nghiên cứu. Bên cạnh đó, dự án Tech.Pass tạo điều kiện cho các chuyên gia công nghệ quốc tế làm việc tại Singapore, giúp quốc gia này thu hút nhân tài toàn cầu, từ đó thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Theo báo cáo của Cơ quan phát triển doanh nghiệp Singapore và hãng nghiên cứu Pitchbook, giá trị vốn đầu tư mạo hiểm huy động tại Singapore trong 9 tháng năm 2024 đạt 4,05 tỷ USD thông qua 369 dự án đầu tư, so với 4,3 tỷ USD cùng kỳ năm 2023. Singapore tiếp tục là nước đi đầu về giá trị thu hút, huy động vốn đầu tư mao hiểm, chiếm 58% số dự án và 68% số vốn tại khu vực.

Chính phủ Singapore gần đây đã thông qua dự án đầu tư trị giá 332,6 triệu USD nhằm hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ và tăng cường thu hút các quỹ đầu tư mạo hiệm toàn cầu đầu tư vào Singapore. Dự án này là một phần trong chương trình Nghiên cứu, Đổi mới sáng tạo và phát triển doanh nghiệp (RIE) trị giá hơn 21 tỷ USD của Singapore sẽ được triển khai năm 2025.

Dự án sẽ thiết lập cơ chế một cửa (one stop platform) và quỹ đầu tư nhằm tạo điều kiện cho các hoạt động tương tác và kết nối giữa các doanh nghiệp khởi ngiệp Singapore với các nhà đầu tư và đối tác đổi mới sáng tạo. Nguồn vốn của quỹ đầu tư sẽ được sử dụng nhằm khuyến khích các doanh nghiệp công nghệ toàn cầu thiết lập cơ sở hoạt động tại Singapore, hỗ trợ các hoạt động tiếp cận thị trường nội địa và quốc tế hóa và thâm nhập vào hệ sinh thái khởi nghiệp của Singapore.

Đến nay, Singapore đã huy động số vốn đầu tư hơn 2 tỷ USD vào 330 doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ trong khuôn khổ chương trình Startup SG, trong đó khoảng 1,9 tỷ USD là từ nguồn đầu tư của các quỹ tư nhân. Gần đây, Chính phủ Singapore cũng đã quyết định nâng hạn mức đầu tư tối đa từ nguồn ngân sách lên mức 9 triệu USD cho mỗi doanh nghiệp khởi nghiệp, tăng khoảng 30% so với hạn mức trước đây.

Một trong những lợi thế lớn nhất của Singapore trong huy động vốn đầu tư mạo hiểm là cơ sở hạ tầng hiện đại, môi trường kinh doanh thuận lợi và tính minh bạch cao trong hệ thống pháp lý. Các trung tâm đổi mới sáng tạo như Block71 không chỉ là không gian làm việc mà còn cung cấp cơ hội kết nối với các nhà đầu tư, cố vấn, và mạng lưới toàn cầu. Block71 được coi như bệ phóng giúp nhiều startup tại Singapore vươn ra thị trường quốc tế, chẳng hạn như Grab – hiện đã trở thành siêu ứng dụng hàng đầu Đông Nam Á.

Ngoài ra, Singapore rất chú trọng tổ chức các sự kiện công nghệ toàn cầu như Singapore FinTech Festival và Singapore Week of Innovation and Technology (SWITCH). Đây không chỉ là nơi kết nối các startup với nhà đầu tư mà còn là diễn đàn quảng bá hình ảnh Singapore như trung tâm đổi mới sáng tạo của khu vực. Các sự kiện này giúp Singapore nâng cao khả năng thu hút dòng vốn đầu tư lớn, đặc biệt trong các lĩnh vực fintech, blockchain, trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ xanh.

Chính phủ Singapore cũng hình thành các quỹ đầu tư công như SGInnovate để đầu tư trực tiếp vào các startup giai đoạn đầu. Bên cạnh đó, các sáng kiến hợp tác công – tư được triển khai khá hiệu quả, giúp các doanh nghiệp công nghệ nhận được sự hỗ trợ từ cả khu vực công và tư nhân. Tuy nhiên, Singapore cũng đang đối mặt các thách thức trong huy động vốn đầu tư mạo hiểm do hạn chế về quy mô thị trường nội địa và xu hướng giảm sút nguồn vốn đầu tư mạo hiểm vào lĩnh vực công nghệ tại châu Á từ cuối năm 2023 trở lại đây.

Malaysia

Malaysia là một trong những nền kinh tế tích cực xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp tập trung vào các ngành công nghệ mũi nhọn. Chính phủ Malaysia đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ tài chính và phát triển năng lực, nổi bật là Cradle Fund, quỹ đầu tư cho Chính phủ tài trợ nhằm cung cấp vốn giai đoạn đầu cho các startup. Ngoài hỗ trợ tài chính, Cradle Fund cũng cung cấp các dịch vụ tư vấn, đào tạo các kỹ năng cần thiết về quản lý, kinh doanh và đổi mới sáng tạo cho doanh nghiệp khởi nghiệp.

Tổ chức Malaysia Digital Economy Corporation (MDEC) cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển nền kinh tế số của Malaysia. Thông qua các sáng kiến như Malaysia Tech Entrepreneur Program (MTEP), Malaysia đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp công nghệ toàn cầu phát triển ý tưởng kinh doanh. Điều này không chỉ giúp Malaysia tăng cường kết nối quốc tế mà còn thúc đẩy sự đa dạng hóa trong hệ sinh thái khởi nghiệp.

Malaysia cũng chú trọng đầu tư vào các lĩnh vực nhiều tiềm năng như công nghệ tài chính (fintech) và công nghệ giáo dục (edtech). Các doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ như MyMy (fintech) và Pandai (edtech) đã nhận được sự chú ý lớn từ các quỹ đầu tư quốc tế nhờ tiềm năng phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, một thách thức lớn của Malaysia là hệ sinh thái khởi nghiệp chưa có sự kết nối chặt chẽ với các quỹ đầu tư mạo hiểm lớn trên thế giới. Điều này làm giảm khả năng mở rộng quy mô của các doanh nghiệp khởi nghiệp Malaysia so với các nước láng giềng như Singapore hay Indonesia.

Chính phủ Malaysia cũng đẩy mạnh tổ chức các sự kiện như Malaysia Tech Week để tạo cơ hội kết nối giữa nhà đầu tư và doanh nghiệp mặc dù mức độ ảnh hưởng của các sự kiện này chưa thể so sánh với các sự kiện quốc tế lớn của Singapore. Để cạnh tranh hiệu quả hơn, Malaysia đang nỗ lực cải thiện hệ thống pháp lý và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghệ, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.

Indonesia

Indonesia là một trong những thị trường lớn nhất và tiềm năng nhất trong khu vực Đông Nam Á cho đầu tư mạo hiểm, đặc biệt trong các lĩnh vực thương mại điện tử, công nghệ tài chính và logistics. Với dân số đông, thị trường rộng lớn và sự phát triển nhanh chóng của tầng lớp trung lưu, Indonesia đã thu hút được sự chú ý của nhiều quỹ đầu tư quốc tế như SoftBank Vision Fund, Sequoia Capital và East Ventures. Các quỹ này đã góp phần đáng kể vào sự phát triển của các doanh nghiệp kỳ lân như Gojek, Tokopedia, và sau này là siêu ứng dụng GoTo Group.

Chính phủ Indonesia cũng có nhiều chính sách khuyến khích đầu tư và phát triển công nghệ, điển hình là chương trình 100 Smart Cities, tập trung phát triển hạ tầng công nghệ và thành phố thông minh trên toàn quốc. Ngoài ra, Indonesia thường xuyên tổ chức các sự kiện công nghệ như Indonesia Fintech Summit, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp địa phương có cơ hội gặp gỡ và kết nối với các nhà đầu tư quốc tế.

Indonesia vẫn đối mặt với những thách thức như cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ và môi trường pháp lý chưa hoàn thiện. Điều này khiến việc khởi nghiệp và huy động vốn đầu tư mạo hiểm tại Indonesia được đánh giá gặp khó khăn hơn so với Singapore hay Malaysia. Tuy nhiên, Indonesia nhìn chung đã tận dụng lợi thế quy mô thị trường để thúc đẩy sự phát triển của các ngành kinh tế số, trong đó ngành fintech tại Indonesia đã phát triển mạnh nhờ nhu cầu cao về các dịch vụ tài chính trực tuyến tại các vùng miền trên lãnh thổ Indonesia.

        Triển vọng thu hút và huy động vốn đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam

Hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể trong những năm qua với sự xuất hiện của nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp nổi bật trong các lĩnh vực như công nghệ tài chính, thương mại điện tử và công nghệ giáo dục. Theo báo cáo của Topica Founder Institute, tổng số vốn đầu tư mạo hiểm vào các doanh nghiệp khởi ngiệp Việt Nam đạt hơn 1,4 tỷ USD năm 2021, tăng 3 lần so với năm 2020. Một số doanh nghiệp khởi nghiệp như MoMo, Tiki và VNG đã thu hút sự chú ý của các quỹ đầu tư lớn như Warburg Pincus và Sequoia Capital.

Việc phát triển hệ sinh thái đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam đang đứng trước yêu cầu hoàn thiện các khuôn khổ chính sách, kỹ năng công nghệ và quản lý dự án của một bộ phận người lao động chưa đáp ứng được nhu cầu của các startup công nghệ cao. Hiện mức độ tham gia của các quỹ đầu tư mạo hiểm toàn cầu vào thị trường Việt Nam vẫn ở mức thấp so với các nước trong khu vực như Singapore và Indonesia.

Tuy nhiên, Việt Nam được nhận định có nhiều cơ hội thu hút vốn đầu tư mạo hiểm vào lĩnh vực công nghệ nhờ tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định, tầng lớp trung lưu ngày càng phát triển, và sự hỗ trợ từ Chính phủ. Các sáng kiến như Chương trình Đổi mới Sáng tạo Quốc gia (NIC) và Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia là những bước đi cụ thể nhằm thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam. Theo báo cáo của Tổ chức Sở hữu trí tuệ, số thương vụ đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam năm 2024 tăng 27 bậc, xếp thứ 50/133 quốc gia; số thương vụ nhận được vốn đầu tư mạo hiểm tăng 10 bậc, lên vị trí 44/133 quốc gia. Điều đó phản ánh môi trường đầu tư và chất lượng của các doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam đang được cải thiện.

Từ thực tiễn của các nước trong khu vực, có thể rút ra một số kinh nghiệm về thu hút và huy động vốn đầu tư mạo hiểm vào lĩnh vực công nghệ như sau:

Thứ nhất, hoàn thiện chính sách pháp lý, bao gồm các chính sách khuyến khích và quản lý hoạt động của các quỹ đầu tư mạo hiểm và doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ. Kinh nghiệm của Singapore cho thấy việc quy định rõ các trách nhiệm, quyền hạn của nhà đầu tư giúp tạo niềm tin cho các quỹ đầu tư mạo hiểm triển khai hoạt động kinh doanh tại thị trường Singapore.

Thứ hai, tạo lập hệ sinh thái hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp bao gồm các cơ chế hỗ trợ đầu tư, xem xét hình thành các quỹ đầu tư có sự hỗ trợ của Chính phủ, thành lập tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp và các chương trình đào tạo kỹ năng quản lý nhằm giúp tăng khả năng kết nối giữa doanh nghiệp khởi nghiệp và các quỹ đầu tư lớn. Các sáng kiến như thành lập trung tâm đổi mới sáng tạo tại các trung tâm kinh tế có thể giúp thu hút sự chú ý lớn hơn từ các quỹ đầu tư mạo hiểm.

Việc kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia với các đối tác, quỹ đầu tư mạo hiểm quốc tế và tại các nước trong khu vực như Singapore, Malaysia và Indonesia sẽ tạo cơ hội thu hút nguồn vốn đầu tư và nâng cao khả năng nắm bắt những thông lệ tốt trên toàn cầu về khởi nghiệp và thu hút vốn đầu tư vào lĩnh vực công nghệ. Việc tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và các chương trình hợp tác khu vực như ASEAN Startup Week cũng là cơ hội cho việc thu hút đầu tư, chia sẻ kinh nghiệm và kết nối giữa các đối tác trong nước và quốc tế trong lĩnh vực khởi ngiệp.

Thứ ba, đẩy mạnh các hoạt động quảng bá môi trường đầu tư và khởi nghiệp thông qua các sự kiện tầm cỡ khu vực và quốc tế. Singapore và Indonesia đã đăng cai các sự kiện khởi nghiệp mang tầm quốc tế như Singapore FinTech Festival hay Indonesia Fintech Summit, tạo điều kiện kết nối các doanh nghiệp khởi nghiệp trong nước với các nhà đầu tư toàn cầu. Các hoạt động quảng bá, diễn đàn kết nối được tổ chức hiệu quả có thể giúp quảng bá môi trường đầu tư khởi nghiệp và thu hút sự chú ý của các quỹ đầu tư quốc tế. Kinh nghiệm của các nước trong khu vực cho thấy để bảo đảm hiệu quả của các sự kiện, cần có sự kết nối với các chuyên gia, nhà đầu tư lớn và tổ chức quốc tế, đồng thời kết hợp với các triển lãm, hội thảo chuyên đề để giới thiệu các giải pháp đổi mới sáng tạo và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp.

(ĐSQVN tại Brunei)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here