EU đăng công báo điều tra phòng vệ thương mại với sản phẩm hợp kim mangan và silicon

0
12
Ủy ban châu Âu vừa đăng công báo thông báo số C/2024/7541 về việc khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại với các sản phẩm hợp kim mangan và silicon. (Nguồn: EC)

Thương vụ Việt Nam tại Bỉ, Luxembourg và EU thông tin: Ủy ban châu Âu vừa đăng công báo thông báo số C/2024/7541 về việc khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại với các sản phẩm hợp kim mangan và silicon.

Phân tích thông tin được cung cấp trong yêu cầu cho thấy tổng lượng nhập khẩu sản phẩm liên quan đã tăng từ 1,3 triệu tấn vào năm 2020 lên 1,6 triệu tấn vào giữa năm 2024.

Ngoài ra, tổng lượng nhập khẩu sản phẩm liên quan cũng tăng đáng kể theo giá trị tương đối, tức là từ 126% lên 298% về sản lượng và từ 71% lên 83% về tiêu thụ.

Sự gia tăng lượng nhập khẩu là kết quả của những diễn biến không lường trước được như năng lực sản xuất tăng ở các nước thứ ba và sức hấp dẫn của thị trường Liên minh châu Âu.

Với công suất dự phòng hiện có là hơn 21 triệu tấn và công suất dự kiến tăng hơn 13 triệu tấn trên toàn thế giới, tình trạng dư thừa công suất đối với sản phẩm liên quan sẽ đạt đến mức chưa từng có, không thể hấp thụ được, đặc biệt là trong bối cảnh tiêu thụ đang giảm tại Liên minh châu Âu.

Để có được thông tin mà Ủy ban châu Âu cho là cần thiết cho cuộc điều tra của mình, Ủy ban châu Âu sẽ công bố các bảng câu hỏi tại: https://tron.trade.ec.europa.eu/investigations/case-view?caseId=2770. Theo đó, các bảng câu hỏi đã hoàn thành phải được gửi đến Ủy ban châu Âu trong vòng 21 ngày kể từ ngày công bố thông báo.

Tất cả các bên quan tâm bao gồm nhà sản xuất xuất khẩu, nhà nhập khẩu và người sử dụng sản phẩm liên quan và hiệp hội được mời nêu quan điểm bằng văn bản, gửi thông tin và cung cấp bằng chứng hỗ trợ.

Các ý kiến trình bày theo định dạng sẵn phải được gửi trong vòng 21 ngày kể từ ngày công bố thông báo này trên Công báo Chính thức của Liên minh châu Âu. Thông tin chi tiết tham khảo tại: https://eur-lex.europa.eu/legal-content/EN/TXT/?uri=CELEX%3A52024XC07541&qid=1734680667292

Vì vậy, Thương vụ Việt Nam tại Bỉ, Luxembourg và EU đề nghị Hiệp hội và doanh nghiệp Việt Nam liên quan liên hệ với các cơ quan chức năng của Bộ Công Thương và/hoặc trực tiếp trả lời câu hỏi đã được công bố của EU.

Liên minh Châu Âu (EU) là một liên minh kinh tế – chính trị bao gồm 27 quốc gia thành viên, chủ yếu nằm ở châu Âu. Tổng dân số ước tính của các quốc gia thành viên vào khoảng 447 triệu người. Liên minh châu Âu đã xây dựng được thị trường nội khối đơn nhất thông qua một hệ thống luật lệ được tiêu chuẩn hóa, áp dụng tại tất cả các quốc gia thành viên trong và chỉ trong những vấn đề mà các thành viên nhất trí sẽ hành động như một thực thể đơn nhất.

Theo Vụ Chính sách thương mại và đa biên, Bộ Công Thương, các chính sách của Liên minh châu Âu nhằm mục tiêu bảo đảm dòng lưu chuyển tự do của người dân, hàng hóa, dịch vụ và vốn trong thị trường nội khối; ban hành luật tư pháp và các vấn đề nội bộ; và duy trì chính sách chung về thương mại, nông nghiệp, ngư nghiệp và phát triển khu vực.

Trong đó, về chính sách phòng vệ thương mại, hiện Liên minh châu Âu sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại dựa trên các quy tắc của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và có thể áp dụng thêm một số điều kiện bổ sung cho các quy tắc này để tái thiết lập môi trường cạnh tranh công bằng cho ngành công nghiệp EU khi bị tổn hại từ hàng nhập khẩu bán phá giá hoặc trợ cấp.

Theo đó, Uỷ ban châu Âu (EC) chịu trách nhiệm điều tra các cáo buộc bán phá giá đối với các nhà sản xuất hàng xuất khẩu tại các nước ngoài EU. Cơ quan này thường mở một cuộc điều tra sau khi nhận được đơn khiếu nại từ các nhà sản xuất EU có liên quan, hoặc cũng có thẩm quyền tự khởi động các cuộc điều tra.

Bất kỳ cá nhân hoặc pháp nhân, hoặc bất kỳ hiệp hội nào không có tư cách pháp nhân, đại diện cho ngành công nghiệp Liên minh đều có thể yêu cầu Ủy ban châu Âu hoặc Tổng cục Thương mại bắt đầu một cuộc điều tra về phòng vệ thương mại (Quy định (EU) 2015/478). Một cuộc điều tra thường phải được hoàn thành trong 9 tháng, nhưng trong một số trường hợp nhất định, có thể được kéo dài đến 11 tháng. Quyết định về các biện pháp tạm thời được Ủy ban đưa ra sau khi tham khảo ý kiến ​​với các quốc gia thành viên EU.

Thời gian qua, các biện pháp phòng vệ thương mại được EU sử dụng, gồm: Chống bán phá giá, biện pháp này xảy ra khi các nhà sản xuất từ một quốc gia ngoài EU bán hàng hóa tại EU dưới mức giá bán tại thị trường nội địa của họ hoặc thấp hơn chi phí sản xuất. Ủy ban châu Âu thực hiện cuộc điều tra đối với trường hợp nghi vấn, nếu kết luận có hiện tượng bán phá giá đang diễn ra, EC có thể khắc phục mọi thiệt hại cho các công ty EU bằng cách áp dụng các biện pháp chống bán phá giá. Thông thường EU sẽ áp thuế đối với hàng nhập khẩu của sản phẩm cụ thể từ quốc gia bị điều tra. Thuế này có thể cố định, thay đổi hoặc theo tỷ lệ phần trăm của tổng giá trị. Thuế chống bán phá giá có thể kéo dài trong 6 tháng (biện pháp tạm thời) hoặc dài hạn tới 5 năm.

Về trợ cấp, biện pháp này được triển khai khi một chính phủ hoặc một tổ chức công ngoài EU hỗ trợ tài chính cho các công ty để họ sản xuất hoặc xuất khẩu hàng hóa, làm ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm nhập khẩu vào EU. Ủy ban châu Âu sẽ mở cuộc điều tra đối với các khoản trợ cấp này để làm rõ có tạo ra sự bất công và làm tổn thương các doanh nghiệp EU hay không. EC được phép chống lại mọi tác động bóp méo thương mại của các khoản trợ cấp này đối với thị trường EU.

EU có thể áp một số loại thuế để hạn chế các lợi ích từ việc được trợ cấp đối với các hàng hoá nhập khẩu khi khoản trợ cấp này ảnh hưởng đến một ngành hoặc một nhóm ngành công nghiệp cụ thể. Các biện pháp trả đũa dưới hình thức áp thuế đối với hàng nhập khẩu của các sản phẩm được trợ cấp (cố định, thay đổi hoặc theo tỷ lệ). Các biện pháp này có thể kéo dài trong 4 tháng (biện pháp tạm thời) hoặc dài hạn tới 5 năm.

Đối với biện pháp tự vệ, được sử dụng trong trường hợp một ngành công nghiệp của EU bị ảnh hưởng bởi sự tăng mạnh, không dự đoán trước và đột ngột của hàng nhập khẩu. Mục đích của biện pháp này là để cho phép ngành công nghiệp EU một khoảng thời gian tạm thời để thực hiện những điều chỉnh cần thiết.

Tự vệ là biện pháp ngắn hạn để điều tiết nhập khẩu, giúp các doanh nghiệp của EU có thời gian thích ứng với sự tăng đột biến, không lường trước của hàng nhập khẩu và luôn đi kèm với yêu cầu bắt buộc tái cấu trúc ngành công nghiệp liên quan. Các biện pháp tự vệ tạm thời có thể kéo dài tới 200 ngày và các biện pháp dứt khoát lên tới 4 năm. Nếu áp dụng vượt quá 3 năm, các biện pháp áp dụng phải được xem xét giữa kỳ và có thể được gia hạn cho đến tổng cộng 8 năm.

Chu Văn

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here