Đồng tiền chung BRICS có khả năng tác động thế nào đến đồng USD?

0
12
Đồng tiền BRICS tiềm năng sẽ cho phép những quốc gia này khẳng định sự độc lập về kinh tế trong khi cạnh tranh với hệ thống tài chính quốc tế hiện có. (Nguồn: goldavenue.com)

Các quốc gia thuộc Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) quan tâm đến việc tạo ra một loại tiền tệ mới để cạnh tranh với đồng USD và gần đây đã công bố kế hoạch cho một hệ thống thanh toán dựa trên công nghệ chuỗi khối (blockchain).

Nỗ lực của BRICS, diễn biến và những tiến triển về vấn đề này cho đến nay đã được trang investingnews.com phân tích khá rõ. Theo đó, các quốc gia BRICS, ban đầu bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, đang tìm cách thiết lập một loại tiền tệ dự trữ mới được hỗ trợ bởi một rổ các loại tiền tệ tương ứng của họ.

Mọi sự chú ý gần đây đều đổ dồn vào Hội nghị thượng đỉnh BRICS năm 2024 diễn ra từ ngày 22-24/10 tại Kazan, Nga. Các quốc gia BRICS được kỳ vọng sẽ tiếp tục thảo luận về việc tạo ra một loại tiền tệ có khả năng được đảm bảo bằng vàng, được gọi là “Đơn vị” (Unit), như một giải pháp thay thế cho đồng USD.

Đồng tiền BRICS tiềm năng sẽ cho phép những quốc gia này khẳng định sự độc lập về kinh tế trong khi cạnh tranh với hệ thống tài chính quốc tế hiện có. Hệ thống hiện tại do đồng USD chi phối, chiếm khoảng 90% tổng số giao dịch tiền tệ. Cho đến gần đây, gần 100% giao dịch dầu mỏ được thực hiện bằng đồng USD. Tuy nhiên, có tin 1/5 số giao dịch dầu mỏ trong năm 2023 được thực hiện bằng các loại tiền tệ không phải đồng USD.

Tâm điểm của vấn đề này là cuộc chiến thương mại của Mỹ với Trung Quốc, cũng như các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Trung Quốc và Nga. Nếu các quốc gia BRICS thiết lập một loại tiền tệ dự trữ mới, thì đồng tiền này có khả năng sẽ tác động đáng kể đến đồng USD, dẫn đến sự sụt giảm nhu cầu hoặc tiến trình được gọi là “phi đô la hóa”. Đổi lại, điều này sẽ có tác động đến Mỹ và các nền kinh tế toàn cầu.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã không ngần ngại gia tăng chủ nghĩa bảo hộ của Mỹ với kế hoạch áp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu. Trong cuộc tranh luận tổng thống Mỹ đầu tiên giữa ông với Phó Tổng thống Kamala Harris vào ngày 10/9, Trump đã nhấn mạnh cam kết áp dụng chính sách thuế quan nghiêm ngặt đối với các quốc gia muốn tránh xa đồng USD như một loại tiền tệ toàn cầu. Ông đang thể hiện lập trường đặc biệt cứng rắn đối với Trung Quốc, đe dọa sẽ áp dụng mức thuế từ 60%-100% đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc, mặc dù những mức thuế cắt cổ này sẽ do các công ty và người tiêu dùng Mỹ mua sản phẩm của Trung Quốc – chứ không phải chính Trung Quốc – chi trả.

Đầu tháng 12, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã đăng lời đe dọa trực tiếp hơn đối với các quốc gia BRICS trên nền tảng truyền thông xã hội Truth Social. Ông viết: “Chúng tôi yêu cầu các quốc gia này cam kết rằng họ sẽ không tạo ra đồng tiền chung BRICS hay hỗ trợ bất kỳ loại tiền tệ nào khác để thay thế đồng USD vững mạnh. Nếu không, họ sẽ phải đối mặt với mức thuế quan 100% và sẽ phải nói lời tạm biệt với việc bán hàng cho nền kinh tế tuyệt vời của Mỹ”.

Các chính sách ưu tiên “Nước Mỹ trước tiên” của Trump dự kiến sẽ đẩy giá trị của đồng USD lên cao so với các đối tác toàn cầu của nó, như đã được thể hiện sau chiến thắng bầu cử lịch sử hôm 5/11 khi đồng nhân dân tệ của Trung Quốc, đồng ruble của Nga, đồng real của Brazil, đồng rupee của Ấn Độ và đồng rand của Nam Phi đều giảm. Điều này có thể thúc đẩy các quốc gia thành viên BRICS tìm kiếm những con đường mới để thoát khỏi đồng USD.

Tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS năm nay, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã xuất hiện trên sân khấu, cầm trên tay thứ có vẻ là bản mẫu của tờ tiền BRICS tiềm năng. Tuy nhiên, ông dường như đã lùi bước trước những lời kêu gọi mạnh mẽ trước đó về việc phi đô la hóa, nêu rõ mục tiêu của các quốc gia thành viên BRICS không phải là rời xa nền tảng Hiệp hội viễn thông tài chính liên ngân hàng toàn cầu (SWIFT) do đồng USD thống trị, mà là ngăn chặn “vũ khí hóa” đồng USD bằng cách phát triển các hệ thống thay thế để sử dụng tiền tệ địa phương trong các giao dịch tài chính giữa các quốc gia BRICS và với các đối tác thương mại. Ông tuyên bố: “Chúng tôi không từ chối, không chống lại đồng USD, nhưng nếu họ không cho chúng tôi làm việc với đồng USD, thì chúng tôi có thể làm gì? Khi đó, chúng tôi phải tìm kiếm các giải pháp thay thế khác, và điều đó đang diễn ra”.

Trước việc Trump yêu cầu các quốc gia BRICS cam kết không thách thức sự thống trị của đồng USD, người phát ngôn của Điện Kremlin Dmitry Peskov không tỏ vẻ lo sợ. Phát biểu với báo giới, ông cho biết: “Ngày càng có nhiều nước chuyển sang sử dụng đồng tiền quốc gia trong các hoạt động thương mại và kinh tế đối ngoại. Nếu Mỹ sử dụng vũ lực, mà họ nói là vũ lực kinh tế, để buộc các quốc gia sử dụng đồng USD, thì điều đó sẽ càng làm gia tăng xu hướng chuyển sang sử dụng đồng tiền quốc gia trong thương mại quốc tế”.

Vẫn còn quá khó để dự đoán liệu đồng tiền chung BRICS có được phát hành hay không và nếu có thì khi nào, nhưng đây là thời điểm thích hợp để xem xét tiềm năng của đồng tiền chung BRICS và tác động tiềm tàng của nó đối với các nhà đầu tư.

Vì sao các quốc gia BRICS muốn tạo ra một loại tiền tệ mới?

Các quốc gia BRICS có rất nhiều lý do để mong muốn tạo ra một loại tiền tệ mới. Những thách thức tài chính toàn cầu gần đây và các chính sách đối ngoại quyết liệt của Mỹ đã thúc đẩy các quốc gia BRICS thăm dò khả năng này. Họ muốn phục vụ tốt hơn cho lợi ích kinh tế của riêng mình trong khi giảm bớt sự phụ thuộc toàn cầu vào đồng USD và đồng euro.
Khi nào đồng tiền chung BRICS sẽ được phát hành? Hiện vẫn chưa có ngày ra mắt chính thức, nhưng lãnh đạo các nước đã thảo luận rất nhiều về khả năng này. Tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 14, được tổ chức giữa năm 2022, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết các quốc gia BRICS có kế hoạch phát hành một loại tiền tệ dự trữ toàn cầu mới và sẵn sàng hợp tác công khai với tất cả các đối tác thương mại công bằng.

Tháng 4/2023, Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva đã thể hiện sự ủng hộ đối với đồng tiền chung BRICS với bình luận rằng: “Tại sao một tổ chức như ngân hàng BRICS lại không thể có một loại tiền tệ để tài trợ cho quan hệ thương mại giữa Brazil với Trung Quốc, giữa Brazil với tất cả các nước BRICS khác? Ai đã quyết định rằng đồng USD là loại tiền tệ thương mại sau khi chế độ ngang giá vàng kết thúc?”

Trước thềm Hội nghị thượng đỉnh BRICS tháng 8/2023, đã có suy đoán rằng thông báo về một loại tiền tệ như vậy có thể được đưa ra thảo luận. Tuy nhiên, điều này đã chứng tỏ là suy nghĩ viển vông. Leslie Maasdorp, Giám đốc tài chính của Ngân hàng Phát triển mới (ngân hàng đại diện cho khối BRICS), cho biết: “Việc phát triển bất kỳ loại tiền tệ thay thế nào đều là tham vọng từ trung hạn đến dài hạn. Hiện tại không có gợi ý nào về việc tạo ra đồng tiền chung BRICS”.

Đại sứ Nam Phi tại BRICS, Anil Sooklal, cho biết có tới 40 quốc gia đã bày tỏ sự quan tâm đến việc gia nhập BRICS. Tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS năm 2023, 6 quốc gia đã được mời trở thành thành viên BRICS gồm Argentina, Ai Cập, Ethiopia, Iran, Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE). Tất cả trừ Argentina đã chính thức gia nhập liên minh vào tháng 1 năm nay. Tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS năm 2024, 13 quốc gia đã ký kết trở thành đối tác BRICS (chứ chưa phải thành viên chính thức) gồm Algeria, Belarus, Bolivia, Cuba, Kazakhstan, Malaysia, Nigeria, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Uganda, Việt Nam và Uzbekistan.

Trong những năm gần đây, Mỹ đã áp đặt nhiều lệnh trừng phạt đối với Nga và Iran. Phát biểu trong một cuộc họp báo tại Diễn đàn Nga-Hồi giáo hồi tháng 5, Đại sứ Iran tại Nga, Kazem Jalal, cho biết hai nước đang hợp tác để tạo ra đồng tiền chung BRICS có thể vô hiệu hóa tác động kinh tế của những biện pháp hạn chế như vậy.

Một số chuyên gia cho rằng một loại tiền tệ BRICS là ý tưởng sai lầm vì nó sẽ thống nhất các quốc gia có nền kinh tế rất khác nhau. Cũng có người lo ngại rằng một số thành viên ngoài Trung Quốc có thể phụ thuộc nhiều hơn vào đồng nhân dân tệ của nước này. Tuy nhiên, khi Nga yêu cầu Ấn Độ thanh toán dầu mỏ bằng đồng nhân dân tệ hồi tháng 10/2023 vì Nga đang phải chật vật tìm cách sử dụng nguồn cung rupee dư thừa của mình, Ấn Độ lại từ chối sử dụng bất kỳ loại tiền nào khác ngoài USD hoặc rupee để thanh toán.

Đồng tiền chung BRICS sẽ có những lợi thế gì?

Đồng tiền chung BRICS có thể mang lại một số lợi ích cho các nước trong khối như gia tăng hiệu quả giao dịch xuyên biên giới và tăng cường hòa nhập tài chính. Bằng cách tận dụng công nghệ chuỗi khối, tiền kỹ thuật số và hợp đồng thông minh, loại tiền tệ này có thể cách mạng hóa hệ thống tài chính toàn cầu. Nhờ thanh toán xuyên biên giới liền mạch, đồng tiền chung BRICS cũng có thể thúc đẩy thương mại và hội nhập kinh tế giữa các quốc gia trong và ngoài khối.

Đồng tiền chung BRICS cũng sẽ tăng cường hội nhập kinh tế giữa các nước trong khối, làm giảm ảnh hưởng của Mỹ trên trường quốc tế, làm suy yếu vị thế của đồng USD như một loại tiền tệ dự trữ toàn cầu, khuyến khích các nước khác thành lập liên minh để phát triển các loại tiền tệ khu vực, làm giảm rủi ro liên quan đến biến động toàn cầu do các biện pháp đơn phương và việc bớt phụ thuộc vào đồng USD.

Đồng tiền chung BRICS sẽ ảnh hưởng đến đồng USD như thế nào?

Trong nhiều thập kỷ qua, đồng USD đã giữ vai trò thống trị với tư cách đồng tiền dự trữ hàng đầu thế giới. Theo Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), trong giai đoạn 1999-2019, đồng USD đã được sử dụng trong 96% số giao dịch thương mại quốc tế ở châu Mỹ, 74% ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và 79% ở các nơi khác trên thế giới.

Theo Hội đồng Đại Tây Dương, đồng USD được sử dụng trên khoảng 88% số sàn giao dịch tiền tệ và chiếm 59% tổng dự trữ ngoại tệ do các ngân hàng trung ương nắm giữ. Do đồng USD được sử dụng rộng rãi nhất trong chuyển đổi tiền tệ và được sử dụng làm tiêu chuẩn trên thị trường ngoại hối, nên hầu như tất cả các ngân hàng trung ương trên toàn cầu đều nắm giữ đồng tiền này. Ngoài ra, đồng USD được sử dụng trong phần lớn các giao dịch dầu mỏ. Mặc dù tỷ trọng tiền tệ dự trữ của đồng USD đã giảm khi đồng euro và đồng yen trở nên phổ biến hơn, nhưng đồng USD vẫn là đồng tiền dự trữ được sử dụng rộng rãi nhất, tiếp theo là đồng euro, đồng yen, đồng bảng Anh và đồng nhân dân tệ.

Tác động tiềm tàng của đồng tiền chung BRICS đối với đồng USD vẫn là điều chưa chắc chắn, bởi các chuyên gia vẫn đang tranh luận về khả năng của nó trong việc thách thức sự thống trị của đồng USD. Tuy nhiên, nếu đồng tiền chung BRICS ổn định so với đồng USD, thì nó có thể làm suy yếu sức mạnh của các lệnh trừng phạt của Mỹ, dẫn đến giá trị đồng USD tiếp tục giảm. Nó cũng có thể gây ra một cuộc khủng hoảng kinh tế ảnh hưởng đến các hộ gia đình Mỹ. Bên cạnh đó, loại tiền tệ mới này có thể đẩy nhanh xu hướng phi đô la hóa.

Các quốc gia trên toàn thế giới đang tìm kiếm các lựa chọn thay thế cho đồng USD. Chẳng hạn, Trung Quốc và Nga đang giao dịch bằng đồng nội tệ. Các quốc gia như Ấn Độ, Kenya và Malaysia ủng hộ phi đô la hóa hoặc ký kết các thỏa thuận với các quốc gia khác để giao dịch bằng các loại tiền tệ địa phương hoặc các chuẩn mực thay thế.
Mặc dù vẫn chưa rõ liệu đồng tiền chung BRICS có truyền cảm hứng cho việc tạo ra các loại tiền tệ khác thay thế đồng USD hay không, nhưng khả năng thách thức sự thống trị của đồng USD như một loại tiền tệ dự trữ vẫn còn. Và khi các quốc gia tiếp tục đa dạng hóa dự trữ của mình, đồng USD có thể phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng tăng từ các loại tiền tệ mới nổi, và điều này có khả năng làm thay đổi cán cân quyền lực trên thị trường toàn cầu.

Tuy nhiên, nghiên cứu gần đây của Trung tâm địa kinh tế thuộc Hội đồng Đại Tây Dương được công bố hồi tháng 6 cho thấy đồng USD còn lâu mới bị soán ngôi đồng tiền dự trữ chính của thế giới. Nhóm giám sát sự thống trị của đồng USD cho biết đồng tiền này tiếp tục thống trị dự trữ ngoại hối, hóa đơn thương mại và giao dịch tiền tệ trên toàn cầu, và vai trò của nó là đồng tiền dự trữ chính toàn cầu vẫn được đảm bảo trong ngắn hạn và trung hạn.

Cuối cùng, tác động của đồng tiền chung BRICS đối với đồng USD sẽ phụ thuộc vào việc áp dụng, mức độ ổn định nhận thức được và khả năng cung cấp giải pháp thay thế khả thi cho sự bá quyền lâu năm của đồng USD.

Liệu BRICS có đồng tiền kỹ thuật số hay không?

Các quốc gia BRICS hiện vẫn chưa có đồng tiền kỹ thuật số riêng, nhưng theo lời trợ lý Điện Kremlin Yury Ushakov hồi tháng 3, một hệ thống thanh toán dựa trên công nghệ chuỗi khối BRICS đang được triển khai. Được gọi là nền tảng thanh toán đa phương Cầu BRICS (BRICS Bridge), nền tảng này sẽ kết nối hệ thống tài chính của các quốc gia thành viên bằng cách sử dụng các cổng thanh toán bằng tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương.
Hệ thống được lên kế hoạch sẽ đóng vai trò là giải pháp thay thế cho nền tảng thanh toán quốc tế SWIFT, vốn do đồng USD thống trị.

Trong một cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn TASS của Nga, Ushakov cho biết: “Chúng tôi tin rằng việc tạo ra một hệ thống thanh toán BRICS độc lập là mục tiêu quan trọng vì tương lai, dựa trên các công cụ tiên tiến như công nghệ kỹ thuật số và công nghệ chuỗi khối. Điều quan trọng nhất là phải đảm bảo hệ thống này thuận tiện cho chính phủ, người dân và doanh nghiệp, cũng như tiết kiệm chi phí và không bị ảnh hưởng bởi chính trị”.

Một hệ thống thanh toán xuyên biên giới bằng tiền kỹ thuật số khác thay thế đồng USD đang được triển khai là Dự án mBridge, được phát triển thông qua sự hợp tác giữa Trung tâm đổi mới Hong Kong BIS, Cơ quan quản lý tiền tệ Hong Kong, Ngân hàng Thái Lan, Viện tiền tệ kỹ thuật số của Ngân hàng nhân dân Trung Quốc và Ngân hàng trung ương UAE. Saudi Arabia gần đây cũng đã quyết định tham gia dự án. Các loại tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương được giao dịch trên nền tảng này sẽ được đảm bảo bằng vàng, và các loại tiền tệ địa phương sẽ được đúc tại các quốc gia thành viên.

Tháng 6 vừa qua, Forbes đưa tin rằng nền tảng mBridge đã đạt được một cột mốc quan trọng khi hoàn thành giai đoạn sản phẩm khả thi tối thiểu (MVP). Nền tảng MVP có thể thực hiện các giao dịch có giá trị thực (tùy thuộc vào mức độ sẵn sàng về pháp lý) và tương thích với Máy ảo hỗ trợ Ethereum (EVM), một nền tảng điện toán phi tập trung thực hiện các hợp đồng thông minh trên chuỗi khối Ethereum. Do đó, MVP phù hợp làm nền tảng thử nghiệm cho các trường hợp sử dụng mới và khả năng tương tác với các nền tảng khác.

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với Investing News Network, Andy Schectman, Chủ tịch của Miles Franklin, đã giải thích mối liên quan giữa Dự án mBridge và Đơn vị BRICS. Ông nói: “Chủ tịch Ngân hàng phát triển mới Dilma Rousseff tuyên bố rằng về nguyên tắc, đã có sự thống nhất về việc sử dụng một loại tiền tệ thanh toán mới được gọi là ‘Đơn vị’, được hỗ trợ 40% bằng vàng và 60% bằng các loại tiền tệ địa phương trong liên minh BRICS – các nước BRICS+.

Số vàng đó sẽ ở dạng thanh kilo và có thể được chuyển giao hay bán lại cho các thực thể đó. Rổ vàng và rổ tiền tệ sẽ được đúc tại các quốc gia thành viên, được đưa vào một tài khoản ký quỹ – có thể nói là được lấy ra khỏi sổ cái hay bảng cân đối kế toán của họ và được đưa vào sổ cái mBridge, được giữ trong một tài khoản ký quỹ tại biên giới của họ và không cần phải được gửi đến một cơ quan trung ương”.

Đồng tiền chung BRICS sẽ tác động thế nào đến nền kinh tế?
Việc chuyển sang sử dụng đồng tiền chung BRICS có thể tác động đáng kể đến nền kinh tế Bắc Mỹ và các nhà đầu tư đang hoạt động trong đó. Những ngành và lĩnh vực bị ảnh hưởng nhiều nhất bao gồm dầu khí, ngân hàng và tài chính, hàng hóa, thương mại quốc tế, công nghệ, du lịch và lữ hành, và thị trường ngoại hối. Đồng tiền chung BRICS cũng sẽ tạo ra các cặp giao dịch mới, làm thay đổi mối tương quan tiền tệ và ảnh hưởng đến tình hình thị trường, đồng thời đòi hỏi các nhà đầu tư phải điều chỉnh chiến lược cho phù hợp.

Các nhà đầu tư có thể chuẩn bị như thế nào cho đồng tiền chung BRICS?
Việc điều chỉnh danh mục đầu tư để ứng phó với các xu hướng tiền tệ BRICS mới nổi có thể là thách thức đối với các nhà đầu tư. Tuy nhiên, một số chiến lược có thể được áp dụng để tận dụng các xu hướng này như đa dạng hóa rủi ro tiền tệ bằng cách đầu tư vào các tài sản được tính bằng các loại tiền tệ khác ngoài đồng USD, chẳng hạn như trái phiếu, quỹ tương hỗ hoặc quỹ giao dịch trên sàn ngoại hối (ETF); đầu tư vào các mặt hàng như vàng và bạc như biện pháp phòng ngừa rủi ro tiền tệ; tăng khả năng tiếp xúc với thị trường cổ phiếu BRICS thông qua các cổ phiếu và ETF theo dõi các chỉ số thị trường BRICS; cân nhắc các khoản đầu tư thay thế như bất động sản hay vốn cổ phần tư nhân tại các quốc gia BRICS.
Các nhà đầu tư thận trọng cũng sẽ cân nhắc các chiến lược này trước khả năng bị ảnh hưởng bởi các biến động thị trường, chính trị và tiền tệ. Về các phương tiện đầu tư, các nhà đầu tư có thể cân nhắc các ETF như iShares MSCI BIC ETF (ARCA: BKF) hay Pacer Emerging Markets Cash COW 100 ETF (NASDAQ: ECOW). Họ cũng có thể đầu tư vào các quỹ tương hỗ như Quỹ cổ phiếu thị trường mới nổi T. Rowe Price hay các công ty riêng lẻ ở các nước BRICS.

Nói một cách đơn giản, việc chuẩn bị cho đồng tiền chung BRICS hay khả năng phi đô la hóa đòi hỏi các nhà đầu tư phải nghiên cứu cẩn thận và thẩm định kỹ lưỡng. Đa dạng hóa rủi ro tiền tệ và đầu tư vào hàng hóa, thị trường cổ phiếu hay các khoản đầu tư thay thế là những lựa chọn khả thi cần cân nhắc trong khi vẫn lưu ý đến các rủi ro liên quan.

Liệu có đồng tiền chung BRICS hay không?

Mặc dù chưa chắc chắn liệu việc tạo ra đồng tiền dự trữ BRICS có thành hiện thực hay không, nhưng sự xuất hiện của nó sẽ tác động đáng kể đến nền kinh tế toàn cầu và có khả năng thách thức sự thống trị của đồng USD với tư cách đồng tiền dự trữ chính. Diễn biến này sẽ mang đến cơ hội đầu tư có một không hai, đồng thời gây rủi ro cho các khoản đầu tư hiện tại khi bối cảnh thay đổi làm thay đổi chính sách tiền tệ và làm gia tăng căng thẳng địa chính trị.

Vì những lý do trên, các nhà đầu tư nên theo dõi chặt chẽ sự tiến triển của đồng tiền chung BRICS (nếu có). Nếu khối này cuối cùng tạo ra được đồng tiền chung, thì họ cần phải theo dõi tác động của loại tiền tệ này đối với các nền kinh tế thành viên và thị trường toàn cầu nói chung. Việc luôn cảnh giác sẽ giúp các nhà đầu tư tận dụng triển vọng tăng trưởng và phòng ngừa các rủi ro tiềm ẩn.

Một số nhà phân tích tài chính chỉ ra rằng việc tạo ra đồng euro vào năm 1999 là bằng chứng cho thấy có thể có đồng tiền chung BRICS. Tuy nhiên, điều này sẽ đòi hỏi nhiều năm chuẩn bị, sự thành lập một ngân hàng trung ương mới, một thỏa thuận giữa 5 quốc gia để loại bỏ dần các loại tiền tệ có chủ quyền của riêng họ và có thể cả sự hỗ trợ của Quỹ tiền tệ quốc tế để thành công trên vũ đài toàn cầu.

Tác động của cuộc chiến tranh với Ukraine sẽ tiếp tục làm suy yếu nền kinh tế Nga và giá trị của đồng ruble. Trong khi đó, Trung Quốc có ý định nâng cao sức mạnh của đồng nhân dân tệ trên trường quốc tế. Ngoài ra còn có sự chênh lệch đáng kể về kinh tế giữa Trung Quốc và các quốc gia khác trong khối BRICS. Đây không phải là những trở ngại nhỏ có thể dễ dàng vượt qua.

Liệu đồng tiền chung BRICS có được hỗ trợ bằng vàng hay không?

Mặc dù Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gợi ý về các tài sản cứng như vàng hay dầu, nhưng đồng tiền chung BRICS có thể sẽ được hỗ trợ bởi một rổ tiền tệ của khối. Tuy nhiên, rổ tiền tệ này cũng có thể chứa cả vàng. Ngoài ra, tại Hội nghị đầu tư New Orleans năm nay, tác giả nổi tiếng Jim Rickards đã có bài phát biểu chi tiết về cách thức hoạt động của đồng tiền chung BRICS được hỗ trợ bằng vàng. Ông cho rằng nếu một đơn vị tiền tệ BRICS có giá trị bằng 1 ounce vàng và giá vàng tăng lên 3.000 USD/ounce, thì đơn vị tiền tệ BRICS sẽ có giá trị 3.000 USD, trong khi đồng USD sẽ mất giá so với đồng tiền chung BRICS khi được đo bằng trọng lượng vàng.

Tuy nhiên, điều quan trọng là ông không cho rằng đây là một tiêu chuẩn vàng mới hay sự kết thúc của đồng USD hoặc đồng euro. Với một tiêu chuẩn vàng thực sự, bạn có thể cầm tiền và đến bất kỳ ngân hàng trung ương nào để đổi lấy một ít vàng. Với BRICS, họ không phải sở hữu vàng, không phải mua vàng, cũng không phải nâng giá. Họ chỉ có thể tăng giá trên thị trường vàng tính bằng USD.

Tính đến quý II/2024, tổng lượng vàng được ngân hàng trung ương của các quốc gia BRICS ban đầu cộng với Ai Cập (quốc gia duy nhất trong số 5 quốc gia mới bổ sung có dự trữ vàng trong ngân hàng trung ương) nắm giữ chiếm hơn 20% tổng lượng vàng được các ngân hàng trung ương trên thế giới nắm giữ. Nga, Ấn Độ và Trung Quốc nằm trong top 10 quốc gia về dự trữ vàng của ngân hàng trung ương.

Nga kiểm soát 2.335,85 tấn (MT) kim loại màu vàng, khiến nước này trở thành quốc gia lớn thứ 5 về dự trữ vàng của ngân hàng trung ương. Trung Quốc đứng thứ 6 với 2.264,32 tấn vàng và Ấn Độ đứng thứ 8 với 840,76 tấn. Lượng vàng dự trữ của ngân hàng trung ương Brazil và Nam Phi nhỏ hơn nhiều, lần lượt là 129,65 tấn và 125,44 tấn. Lượng vàng dự trữ của Ai Cập, thành viên mới của BRICS, cũng chỉ ở mức 126,57 tấn.

Trần Quyên

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here