Ngày 20/12, tại TP. Hồ Chí Minh, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) đã tổ chức Chương trình tập huấn quản trị rủi ro trong kinh doanh xuất khẩu với các thị trường RCEP.
Chương trình có sự tham dự của khoảng 40-60 đại biểu từ các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ quan xúc tiến thương mại, hiệp hội ngành hàng.
Theo Cục Xúc tiến thương mại, mục tiêu chương trình nhằm nâng cao năng lực nhận biết về các loại rủi ro, các mức độ rủi ro trong kinh doanh quốc tế mà doanh nghiệp có thể đối mặt và biện pháp giảm thiểu tối đa mức độ rủi ro, bao gồm: Xác định được các rủi ro với hàng hóa xuất nhập khẩu tiềm ẩn mà doanh nghiệp sẽ gặp phải trong môi trường làm việc của doanh nghiệp.
Đồng thời, giúp doanh nghiệp có khả năng xếp hạng từng rủi ro theo khả năng xảy ra và mức độ nghiêm trọng tiềm ẩn. Những rủi ro này có thể bao gồm rủi ro kinh tế vĩ mô, chẳng hạn như rủi ro lạm phát; rủi ro chính trị, bất ổn dân sự hoặc trừng phạt kinh tế ở một quốc gia hoặc khu vực nhất định và rủi ro cụ thể về kinh doanh, chẳng hạn như khả năng giảm nhu cầu thị trường và thay đổi mức độ tín nhiệm của khách hàng.
Đồng thời, giúp doanh nghiệp có năng lực đánh giá các chiến lược để quản lý các loại rủi ro xuất nhập khẩu hàng hóa khác nhau, bao gồm xây dựng các điều khoản thanh toán tùy chỉnh, chỉ nhằm mục tiêu đến các đối tác kinh doanh ở các địa điểm hoặc ngành cụ thể và đảm bảo chống lại những rủi ro cụ thể nếu có.
Nội dung chương trình đề cập những vấn đề cơ bản về rủi ro và quản lý rủi ro trong hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp; thực trạng quản lý rủi ro trong kinh doanh xuất nhập khẩu của doanh nghiệp trong thời gian qua; các giải pháp tăng cường quản lý rủi ro trong hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu của doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế; chia sẻ các bài học kinh nghiệm quản lý rủi ro trong kinh doanh xuất nhập khẩu của doanh nghiệp.
Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) là hiệp định bao gồm 15 quốc gia thành viên, trong đó có 10 nước ASEAN và 5 nước đối tác là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand ký kết vào ngày 15/11/2020, chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.
Mặc dù có độ bao phủ lớn nhưng các nước thành viên của RCEP cũng tham gia vào nhiều hiệp định thương mại khác, đồng thời do ra đời sau nên thời điểm hiện tại, tỷ lệ tận dụng ưu đãi từ RCEP chưa đạt được như mong muốn. Tuy nhiên, RCEP cũng có những điểm mạnh mà các FTA khác không có được.
RCEP không chỉ đơn thuần là một hiệp định mới mà là sự hợp nhất, mở rộng các FTA trước đây, giúp đơn giản hóa các quy định và tạo ra một khu vực thương mại thống nhất, kết nối các FTA khu vực lại với nhau, tạo ra một không gian kinh tế rộng lớn, gắn kết hơn…
Như Trung