Chợ truyền thống hoàn toàn có thể thích ứng và chuyển đổi phương thức bán hàng kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến, livestream…
Phát biểu tại buổi lễ phát động chương trình thúc đẩy thương mại điện tử tại chợ truyền thống trên địa bàn quận Liên Chiểu diễn ra gần đây, Phó Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu, ông Trần Công Nguyên cho biết, quận Liên Chiểu hiện có 10 chợ truyền thống, 1 chợ loại I là chợ Hòa Khánh, 2 chợ loại II là chợ Hòa Mỹ và chợ Nam Ô và 6 chợ loại III do phường quản lý.
Với sự xuất hiện của của hoạt động thương mại điện tử, việc thay đổi thói quen của người tiêu dùng đã đặt ra những thách thức lớn cho sự tồn tại của các chợ truyền thống, tạo nên sự cạnh tranh gay gắt và đối mặt với không ít khó khăn.
Phó Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu Trần Công Nguyên nói: “Từ thực tế thành công của nhiều mô hình chợ truyền thông trên cả nước cho thấy, chợ truyền thống hoàn toàn có thể thích ứng và chuyển đổi phương thức bán hàng kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến, livestream, qua đó phát huy lợi thế lớn của chợ như bản sắc văn hóa của người dân, nguồn hàng có sẵn”.
Theo ông Trần Công Nguyên, sẽ có nhiều khó khăn trong việc thích nghi với phương thức kinh doanh mới, cách làm mới. Tuy nhiên, nếu không thay đổi và hội nhập, chắc chắn sẽ bị đào thải.
Vì vậy, Phó Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu đề nghị các cấp, các ngành quận cần phối hợp chặt chẽ để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các tiểu thương tại chợ truyền thống ứng dụng thương mại điện tử trong kinh doanh. Đặc biệt, các tiểu thương cần nắm bắt cơ hội, vượt qua khó khăn để cùng nhau xây dựng các chợ truyền thống ngày càng hiện đại, văn minh.
Nhiều tiểu thương cũng cho rằng, sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, xu hướng mua hàng trực tuyến, thanh toán trực tuyến được ưa chuộng hơn cùng với sự phát triển của các trung tâm thương mại, siêu thị mini… nhiều chợ truyền thống tại Đà Nẵng rơi vào tình trạng ế ẩm kéo dài.
Để khắc phục tình trạng này, các ban quản lý tại một số chợ truyền thống đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm kích cầu mua sắm đặc biệt là đẩy mạnh công tác chuyển đổi số.
Tại các chợ truyền thống hướng đến du lịch như chợ Cồn, chợ Hàn… hoạt động chuyển đổi số đã được áp dụng nhiều năm nay nhằm tạo sự thuận tiện cho khách du lịch cũng như tiểu thương trong việc thanh toán và truy xuất được nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa.
Theo ban quản lý các chợ trên địa bàn quận Sơn Trà, thời gian qua, ban đã đề xuất với Viện nghiên cứu phát triển kinh tế – xã hội thành phố nghiên cứu thực trạng của 7 chợ trên địa bàn quận và đưa ra một số biện pháp để tăng cường sức cạnh tranh của tiểu thương trong chợ so với các thị trường khác.
Ông Phan Mạnh Hân, Phó Ban quản lý chợ quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng cho hay: “Ban quản lý thời gian qua đã triển khai từng giải pháp đối với tình trạng ế ẩm của các chợ truyền thống và đặc biệt quan trọng là đẩy mạnh trong việc ứng dụng chuyển đổi số để tiểu thương tiếp cận được nhiều khách hàng trong thời gian rảnh rỗi không có khách đến mua trực tiếp. Trong đó, nhiều hộ kinh doanh đã áp dụng chuyển đổi số thành công, mang lại lượng khách hàng đáng kể cho gian hàng”.
Ngay tại lễ phát động chương trình thúc đẩy thương mại điện tử tại chợ truyền thống trên địa bàn quận Liên Chiểu, tiểu thương tại các chợ truyền thống quận Liên Chiểu, cơ sở sản xuất nước mắm thuộc Hội làng nghề nước mắm Nam Ô, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP và sản phẩm tiêu biểu của quận Liên Chiểu đã tham gia phiên Mega Livestream bán hàng trực tuyến.
Trước đó các tiểu thương đã được tập huấn kiến thức về thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng về thương mại điện tử, kinh doanh cho tiểu thương. Tuyên truyền các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, livestream bán hàng. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số.
Khánh Ly