Mở đường để nông sản Việt Nam “thăng hoa” tại Trung Quốc

0
13
Xuất nhập khẩu hàng nông, lâm, thủy sản đã có sự tăng trưởng đều trong năm 2023. (Nguồn: Báo Công Thương)

Trong năm 2025 và các năm tới, việc tham gia các kênh thương mại điện tử xuyên biên giới được xem là hướng đi tiềm năng để doanh nghiệp trong nước tiếp cận trực tiếp người tiêu dùng Trung Quốc.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, sau khi ký kết bản ghi nhớ về hợp tác nông nghiệp tháng 9/2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam và chính quyền nhân dân tỉnh Quảng Tây đã có những kết quả bước đầu đáng khích lệ.

Về thương mại, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất và là thị trường xuất nhập khẩu nông – lâm – thủy sản quan trọng của Việt Nam. Tổng kim ngạch thương mại hai chiều của Việt Nam và Trung Quốc chiếm 1/4 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với thế giới. Ở chiều ngược lại, Việt Nam là một trong những đối tác thương mại lớn của Trung Quốc với thế giới và là đối tác lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN.

Xuất nhập khẩu hàng nông, lâm, thủy sản đã có sự tăng trưởng đều trong năm 2023, 11 tháng năm 2024 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu là 16 tỷ USD (tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2022 và tăng đến 29% đến 40% so với cùng kỳ các năm 2020 và 2021).

Trong đó, xuất khẩu đạt 12,2 tỷ USD (tăng 11%), các mặt hàng tăng trưởng mạnh như rau quả xấp xỉ 4,1 tỷ USD tăng 28,7%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,7 tỷ USD tăng 22,3%; thủy sản đạt 1,4 tỷ USD tăng 23,2%. Ngoài ra, phía Trung Quốc cũng đã mở cửa thị trường cho rất nhiều sản phẩm trái cây, sản phẩm có nguồn gốc động vật (sữa, tổ yến, khỉ nuôi, cá sấu) và thủy sản…

Phát biểu tại Diễn đàn “Kết nối giao thương xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản Việt Nam – Trung Quốc” diễn ra mới đây,  ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) kiêm Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam cho biết, tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Trung Quốc chiếm 1/4 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với thế giới.

Trung Quốc đã cấp phép cho nhiều sản phẩm đặc trưng của Việt Nam như sữa, tổ yến, cá sấu nuôi và các loại thủy sản, với 596 doanh nghiệp Việt Nam được phép xuất khẩu thủy sản vào thị trường này. Các mặt hàng như sầu riêng, mít, thanh long tiếp tục được người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng.

“Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội, hoạt động xuất nhập khẩu vẫn đối mặt với nhiều thách thức cần trao đổi, tháo gỡ. Quy định kỹ thuật, thủ tục xuất khẩu ngày càng chặt chẽ, trong khi yêu cầu về chuẩn hóa sản phẩm và sự cạnh tranh trong khu vực tăng cao.

Nhiều sản phẩm tiềm năng như bưởi, bơ, vú sữa chưa được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc”, ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và phát triển thị trường cho biết thêm.

Về phía Trung Quốc, ông Châu Bình, Tuần thị viên cấp 2 Chính quyền nhân dân thành phố Sùng Tả, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay, kim ngạch thương mại giữa thành phố Sùng Tả và Việt Nam đạt 129,26 tỷ Nhân dân tệ, tăng 8,6% so với cùng kỳ, chiếm 65% tổng kim ngạch thương mại giữa Quảng Tây và Việt Nam.

Trong đó, trái cây Việt Nam rất được người tiêu dùng Trung Quốc yêu thích. Trái cây Việt Nam nhập khẩu qua cửa khẩu thành phố Sùng Tả đạt 710 nghìn tấn; trong đó, sầu riêng Việt Nam nhập khẩu tăng mạnh, đạt 403 nghìn tấn, tăng 10,2% so với cùng kỳ, chiếm 57,4% tổng lượng nhập khẩu sầu riêng Việt Nam của Trung Quốc…

Qua các hoạt động xúc tiến thương mại, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường kiêm Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam Lê Thanh Hòa nhận thấy có 5 điểm có thể tập trung khai thác, đầu tư để phát triển thương mại nông sản giữa hai bên.

Đó là: sử dụng cửa khẩu thông minh; quảng bá nhiều hơn sản phẩm tiềm năng của hai nước; hợp tác đầu tư cơ sở hạ tầng, logistics; xây dựng chuỗi cung ứng nông sản; xây dựng thương mại điện tử xuyên biên giới.

“Cửa khẩu thông minh có thể ở cả trên đường bộ lẫn đường biển, đường sắt. Bằng mọi giá, chúng ta cần tạo điều kiện thông thoáng thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa nông, lâm, thủy sản và thủ tục kiểm dịch xuất nhập cảnh qua biên giới.

Bên cạnh đó, thúc đẩy thương mại điện tử thông qua các kênh phân phối trực tuyến sẽ là một biện pháp quan trọng giúp đẩy mạnh tiêu thụ nông sản”, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường nhấn mạnh.

Diệu Hiền

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here