Cà Mau lan tỏa sản phẩm OCOP, tiếp cận các thị trường khó tính

0
14
Cà Mau hướng tới việc đưa các sản phẩm OCOP “xuất ngoại”. (Nguồn: UBND tỉnh Cà Mau)

Cà Mau đã tạo ra nhiều đặc sản địa phương đa dạng, góp phần thúc đẩy phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP)  trên địa bàn. Đến nay, toàn tỉnh có 164 sản phẩm OCOP của 78 chủ thể.

Chương trình OCOP không chỉ góp phần phát triển kinh tế khu vực nông thôn mà còn lan toả nhiều giá trị về văn hoá, nét đặc trưng riêng biệt của địa phương.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cà Mau đánh giá, việc thực hiện Chương trình OCOP thời gian qua đã phát huy mạnh mẽ tiềm năng, thế mạnh của địa phương, góp phần chuyển đổi từ sản xuất nhỏ lẻ sang hướng liên kết chuỗi giá trị, đáp ứng đòi hỏi có truy xuất nguồn gốc và yêu cầu thị trường, được đông đảo người tiêu dùng đón nhận.

Theo thống kê, trong số các sản phẩm OCOP trong tỉnh, có 65 sản phẩm OCOP của 27 chủ thể đã được đưa vào hệ thống siêu thị trên toàn quốc; trên 150 sản phẩm đã tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử trong và ngoài nước… Từ đó, không chỉ góp phần thúc đẩy việc thực hiện chương trình mà còn góp phần thực hiện tiêu chí tổ chức sản xuất trong xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao của các địa phương.

Chương trình OCOP còn có ý nghĩa trong giải quyết nhiều vấn đề quan trọng ở khu vực nông thôn. Điển hình như khuyến khích các chủ thể sản xuất, kinh doanh ở nông thôn khai thác tiềm năng về đất đai, sản vật, lợi thế so sánh, các giá trị truyền thống của địa phương để nâng cao giá trị sản phẩm mà còn có ý nghĩa đặc biệt về giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động.

Đơn cử như tại xã Hàng Vịnh, huyện Năm Căn, toàn xã có khoảng 29 hộ sản xuất bánh phồng tôm. Nhờ đó, quy mô sản xuất của địa phương từng bước được mở rộng và dần khẳng định được thương hiệu.

Sản lượng sản phẩm bán ra cũng nhờ đó mà tăng nhiều lần so với trước đây, nhất là vào dịp lễ, Tết nên các chủ thể mở rộng quy mô sản xuất, tăng số lượng lao động để đáp ứng đơn hàng.

Hay tại Hợp tác xã Tài Thịnh Phát Farm (ấp Lung Ðước, xã Tam Giang), mỗi ngày có hơn 10 lao động tham gia chế biến các sản phẩm từ tôm, cua tự nhiên ở rừng ngập mặn như: thịt cua sinh thái, tôm khô sinh thái, chả tôm, chà bông tôm và một số sản phẩm đi kèm (riêu tôm, tôm nõn)… Trung bình thu nhập mỗi lao động từ 150.000-220.000 đồng/ngày, tuỳ theo sản phẩm làm ra nhiều hay ít.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cà Mau Nguyễn Văn Quân nhận định, từ thực tế đã qua, chương trình OCOP không chỉ giúp tăng thu nhập, góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân ở nông thôn mà còn là động lực to lớn phát triển kinh tế nông thôn theo hướng tổ chức sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Ngoài ra, chương trình còn giúp tái cơ cấu lao động nông thôn, khuyến khích phát triển kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân và thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp, sáng tạo ở khu vực nông thôn…

Ông Nguyễn Văn Quân nhấn mạnh: “Để đảm bảo tính lan tỏa sâu rộng của chương trình OCOP, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã, đang và sẽ phối hợp với các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh thực hiện nhiều giải pháp, đặc biệt là tuyên truyền.

Qua đó, tạo nên khí thế sôi động trong thực hiện chương trình OCOP, điều này không chỉ góp phần nâng cao giá trị nông sản địa phương, phát triển kinh tế khu vực nông thôn, mà còn là cơ sở để thi đua thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn tới”.

Ngoài ra, Cà Mau cũng hướng tới việc đưa các sản phẩm OCOP “xuất ngoại”. Tỉnh xác định, việc hoàn thiện quy trình sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm là yếu tố then chốt. Các doanh nghiệp tại Cà Mau đã bắt đầu chú trọng hơn vào việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế như GlobalGAP, HACCP, ISO trong sản xuất và chế biến.

Ví dụ, công ty TNHH Chế biến Thủy sản Minh Phú tại Cà Mau đã đầu tư hàng triệu USD vào dây chuyền sản xuất đạt chuẩn xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ. Đây là một trong những bước tiến lớn để đưa sản phẩm OCOP của Cà Mau vươn xa.

Ngoài ra, tỉnh cũng đẩy mạnh các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp và hợp tác xã tham gia OCOP. Thông qua các khóa đào tạo và tư vấn kỹ thuật, các doanh nghiệp địa phương được trang bị kiến thức để cải thiện chất lượng sản phẩm và đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.

Khánh Ly

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here