Việt Nam-Thái Lan thúc đẩy hợp tác thương mại theo hướng cân bằng, bền vững hơn

0
14
Hiện nay, Thái Lan là đối tác thương mại lớn nhất, nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 2 của Việt Nam trong ASEAN. (Nguồn: istock)

Hiện nay, Thái Lan là đối tác thương mại lớn nhất, nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 2 của Việt Nam trong ASEAN. Với 19 cặp địa phương kết nghĩa, Việt Nam và Thái Lan là hai nước có số lượng địa phương kết nghĩa nhiều nhất trong các nước thành viên Hiệp hội.

Hai nước đang phấn đấu đưa kim ngạch thương mại hai chiều sớm đạt 25 tỷ USD theo hướng cân bằng và bền vững hơn. Đây là cơ hội để doanh nghiệp, địa phương hai nước thúc đẩy hợp tác, mở rộng kinh doanh và đầu tư, tạo thuận lợi tiếp cận thị trường đối với hàng hóa của mỗi nước. Đồng thời, là dịp để hai nước cùng nắm bắt những thời cơ phát triển mới trước những thay đổi mang tính thời đại của thế giới, thúc đẩy và tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư vào các lĩnh vực ưu tiên cao của mỗi nước là như kinh tế số, kinh tế xanh, các ngành công nghệ cao…

Sau 10 năm kể từ khi thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược (2012), kim ngạch thương mại Việt Nam-Thái Lan đã tăng 230%, từ 9,4 tỷ lên 21,6 tỷ USD vào năm 2022. Nền kinh tế hai nước vẫn đang trên đà tăng trưởng.

Bên cạnh đó, vị thế của Việt Nam đang ngày càng được cải thiện trên thế giới, cộng với đội ngũ kiều bào đông đảo với hàng trăm doanh nghiệp kiều bào tại Thái Lan luôn hướng về Tổ quốc cũng góp phần tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy triển khai công tác ngoại giao kinh tế tại địa bàn.

Hoạt động trao đổi thương mại giữa hai nước thời gian qua diễn ra nhộn nhịp. Ông Lê Hữu Phúc, Tham tán thương mại Việt Nam tại Thái Lan, dẫn số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho biết, trong 10 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Thái Lan đạt 16,6 tỷ USD, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2023. Thái Lan tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong ASEAN và chiếm 24% tỷ trọng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với ASEAN.

Đáng chú ý, tình trạng nhập siêu của Việt Nam với Thái Lan đã phần nào được cải thiện. Trong 10 tháng của năm 2024, giá trị hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Thái Lan đạt 6,5 tỷ USD và nhập khẩu là 10,1 tỷ USD, tỷ lệ nhập siêu giảm 4,8% so với cùng kỳ năm 2023.

Theo Tham tán thương mại Việt Nam tại Thái Lan, trong năm 2024, Thương vụ đã tập trung triển khai 4 hoạt động trụ cột gồm nghiên cứu thị trường, xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp và truyền thông.

Cụ thể, Thương vụ đã hỗ trợ quảng bá cho hơn 30 doanh nghiệp Việt Nam tham gia Triển lãm thực phẩm đồ uống THAIFEX – Anuga Asia 2024 vào tháng 6; phối hợp với Central Retail Thái Lan và Việt Nam tổ chức Tuần hàng Việt Nam tại tỉnh Udon Thani, Đông Bắc Thái Lan vào tháng 11; cùng với Liên đoàn Công nghiệp Thái Lan (FTI) và Hiệp hội phát triển nhân lực logistics Việt Nam (VALOMA) tổ chức Diễn đàn thúc đẩy hợp tác phát triển nguồn nhân lực cấp cao trong logistics và quản lý chuỗi cung ứng giữa Việt Nam và Thái Lan vào tháng 10.

Bên cạnh đó, Thương vụ đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị trong nước của Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nghiên cứu, cập nhật thông tin chính sách của Chính phủ Thái Lan, đặc biệt trong lĩnh vực gạo, thương mại nông sản như sầu riêng; nghiên cứu đánh giá chia sẻ thông tin, kinh nghiệm về chính sách phát triển trong các lĩnh vực như: phát triển các khu công nghiệp, khu chế xuất, công nghiệp dệt may, công nghiệp thuốc lá.

Ông Lê Hữu Phúc cũng biết, trong các diễn đàn kinh tế khu vực và quốc tế, Việt Nam và Thái Lan đã phối hợp hiệu quả với nhau trên nhiều lĩnh vực. Điển hình là trong lĩnh vực an ninh năng lượng, với mục tiêu đảm bảo đủ năng lượng để để phát triển kinh tế cũng như giải quyết những vấn đề xã hội, hai nước đã phối hợp thúc đẩy các cơ chế hợp tác chung trong ASEAN như Lưới điện ASEAN (APG); Đường ống dẫn khí ASEAN (TAGP); Hiệp định an ninh dầu khí (APSA); Năng lượng tái tạo (RE)…

Hai nước cũng là những đối tác chủ chốt trong việc đảm bảo an ninh lương thực trong khu vực. Trong đó, Việt Nam được xem là cầu nối quan trọng để hàng nông sản Thái Lan xuất khẩu sang thị trường hàng đầu là Trung Quốc, khi có tới 80% các sản phẩm nông sản của Thái Lan xuất khẩu qua Trung Quốc được vận chuyển quá cảnh qua Việt Nam.

Ngoài ra, Việt Nam và Thái Lan cũng thường xuyên chia sẻ thông tin, phối hợp trong việc phản ứng chính sách đối với các thị trường chính của hai nước như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, đặc biệt khi các nước lớn thay đổi chính sách thương mại hoặc đơn phương áp dụng những rào cản phi thương mại, gây những tác động tiêu cực.

Tuy nhiên hiện nay, cạnh tranh địa chính trị gay gắt giữa các nước lớn đang làm dịch chuyển các dòng thương mại, đầu tư. Đặc biệt, các cuộc xung đột trên thế giới có nguy cơ làm gián đoạn nguồn cung, chuỗi cung ứng. Ngoài ra, sự bất ổn về chính sách vĩ mô giữa các nước lớn tạo ra dao động lớn về tỷ giá, lãi suất dự trữ, lạm phát… gây rủi ro và gia tăng chi phí cho các hoạt động thương mại đầu tư.

Bên cạnh đó, việc Thái Lan và Việt Nam có cơ cấu kinh tế tương đồng cũng làm tăng mức độ cạnh tranh đối với các sản phẩm truyền thống ví dụ như mặt hàng trái cây. Hiện Việt Nam đã mở cửa cho gần 30 trái cây Thái Lan xuất khẩu.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, Việt Nam mới được phép xuất 4 loại trái cây sang Thái Lan gồm thanh long, nhãn, xoài và vải. Một số loại trái cây khác như bưởi, na, vú sữa, chôm chôm, chanh leo… hiện vẫn chưa đạt được thỏa thuận với Thái Lan dù vấn đề này đã được đưa ra ở nhiều cơ chế hợp tác giữa hai nước.

Trong thời gian tới, ông Lê Hữu Phúc cho biết, Thương vụ sẽ tập trung vào việc thiết lập một cơ chế trao đổi thông tin giữa hai nước về các chính sách, biện pháp phòng vệ thương mại của nhau; tăng cường trao đổi các cấp để rà soát và kịp thời tháo gỡ vướng mắc; tư vấn, hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận kinh doanh trong điều kiện mới.

Bên cạnh đó, Thương vụ sẽ thúc đẩy triển khai hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường xuất khẩu theo hướng kết nối các chuỗi cung ứng và đẩy mạnh hợp tác kinh tế địa phương, nhất là các tỉnh Đông Bắc Thái Lan, nơi tập trung đông đảo kiều bào sinh sống, với các tỉnh miền Trung Việt Nam; tạo thuận lợi cho việc tiếp cận thị trường của các sản phẩm địa phương theo chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OTOP của Thái Lan hay OCOP của Việt Nam), nhằm thúc đẩy đưa hàng Việt Nam tiêu thụ tại các siêu thị của Thái Lan.

Ngoài ra, việc tìm kiếm các cơ hội kết nối doanh nghiệp hai nước trong các lĩnh vực phục vụ tương lai như phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, năng lượng tái tạo cũng là một trong những vấn đề được ưu tiên thúc đẩy trong năm tới.

An Hải

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here