Thương mại và phát triển bền vững đã trở thành nội dung không thể thiếu trong các FTA thế hệ mới. Yêu cầu này đã thúc đẩy doanh nghiệp tăng đầu tư cho bảo vệ môi trường và cắt giảm phát thải.
Với việc đã ký kết và thực thi 17 hiệp định thương mại tự do (FTA), Việt Nam tiếp tục là trung tâm sản xuất hàng hóa lớn cho các nhà đầu tư quốc tế, đặc biệt trong ngành xuất khẩu chủ lực, từ điện tử, máy móc thiết bị cho tới nhóm nông, lâm, thủy sản… Tổng doanh thu xuất khẩu của riêng 7 nhóm ngành hàng lớn nhất trong 11 tháng năm 2024 đã lên tới 246 tỷ USD, xuất siêu 24,3 tỷ USD. Còn ở phạm vi cả nước, xuất khẩu 11 tháng đạt 370 tỷ USD, tăng 14,4%.
Có thể nói, tham gia FTA đã mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp như cung cấp cơ hội cho doanh nghiệp tiếp cận các thị trường mới, giảm thuế quan và rào cản thương mại. Điều này giúp tăng cường khả năng xuất khẩu của doanh nghiệp, giúp gia tăng doanh số bán hàng, quy mô hoạt động.
17 FTA đã được ký kết và thực thi giúp mở rộng không gian cho ngoại thương Việt Nam, góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu và cả nền kinh tế.
Các doanh nghiệp nội địa và khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thời gian qua đã tăng đầu tư để mở rộng xuất khẩu, đặc biệt vào thị trường có hiệp định thương mại với Việt Nam.
Thương mại và phát triển bền vững đã trở thành nội dung không thể thiếu trong các FTA thế hệ mới. Yêu cầu này đã thúc đẩy doanh nghiệp tăng đầu tư cho bảo vệ môi trường và cắt giảm phát thải.
Xu hướng tiêu dùng bền vững ngày càng mạnh và đã được cả Chính phủ, doanh nghiệp, người tiêu dùng và cộng đồng dân cư ở Anh coi như một trong những giá trị, yêu cầu hàng đầu. Nhìn rộng ra, trên thế giới hiện có hơn 70 quốc gia đưa các tiêu chuẩn xanh vào trong hoạt động thương mại.
Lê Huy Huấn, Điều phối viên Chương trình Tăng trưởng xanh và Biến đổi khí hậu toàn cầu Việt Nam (CCG Việt Nam) cho rằng, các xu hướng, chính sách về sản xuất xanh và tiêu dùng bền vững tại các quốc gia châu Âu ngày càng trở nên chặt chẽ hơn. Điều này đặt các nhà xuất khẩu của Việt Nam chủ động thích ứng để đầu tư phù hợp nếu không, kể cả có FTA cũng khó khai thác hiệu quả.
Chỉ dấu tích cực là nhiều doanh nghiệp lớn đã và đang rất chủ động trong việc thích ứng với những sự thay đổi của chính sách thương mại xanh cũng như chủ động trong việc xây dựng các quy trình sản xuất, để đáp ứng được các tiêu chuẩn toàn cầu.
Tuy nhiên, chi phí tuân thủ là một vấn đề rất lớn, bởi mọi sự chuyển đổi đều phải mất thời gian, tiền bạc. Tại Việt Nam, với hơn 80% doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa, chi phí để chuyển đổi ban đầu, đầu tư ban đầu cho công nghệ xanh, cho các quy trình, nhân lực triển khai công nghệ này thực sự là một vấn đề rất khó khăn.
“Nếu doanh nghiệp không thích ứng được thì sẽ bị bỏ lại trong cuộc chơi, giảm thị phần, mất vị trí trong chuỗi cung ứng toàn cầu, mất đi lợi thế cạnh tranh”, TS. Lê Huy Huấn đánh giá.
Như Trung