Quy mô kinh tế Kiên Giang đạt hơn 144 nghìn tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người vượt chỉ tiêu

0
26
Một góc khu công nghiệp Thạnh Lộc (huyện Châu Thành, Kiên Giang). (Nguồn: Đảng Cộng sản)

Năm 2024, kinh tế của tỉnh Kiên Giang tăng 7,5%, đứng thứ tư khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; quy mô nền kinh tế đạt hơn 144 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 15 nghìn tỷ đồng so với năm 2023.

Thu nhập bình quân đầu người trong năm qua đạt 81,84 triệu đồng/năm, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội (81,6 triệu đồng/năm).

Năm 2024, hầu hết các nhiệm vụ đều cơ bản bảo đảm theo Nghị quyết; có 26/29 chỉ tiêu chủ yếu thực hiện đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết năm đề ra (trong đó có 11 chỉ tiêu vượt, 15 chỉ tiêu đạt; 1 chỉ tiêu xấp xỉ đạt); 2 chỉ tiêu chưa đánh giá “xếp loại tổ chức cơ sở đảng và đảng viên”.

Cả 3 khu vực kinh tế tăng trưởng khá tốt, vượt kế hoạch đề ra; trong đó xuất khẩu hàng hóa đạt kim ngạch 1 tỷ USD và khách du lịch đạt mức cao nhất từ trước đến nay (thu hút hơn 9,8 triệu lượt, trong đó khách quốc tế gần 1 triệu lượt).

Cục Thuế tỉnh Kiên Giang cũng thông tin, trong năm, tỉnh ước tổng thu ngân sách Nhà nước 16.977 tỷ đồng, đạt 100,4% dự toán HĐND tỉnh giao và đạt 135,6% so với dự toán Trung ương giao; trong đó, thu nội địa 16.847 tỷ đồng, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 130 tỷ đồng.

Cụ thể, có 12/16 khoản thu, sắc thuế đạt và vượt so dự toán như: khu vực doanh nghiệp nhà nước Trung ương, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, thuế thu nhập cá nhân, thuế phí và lệ phí, tiền sử dụng đất, tiền cho thuê mặt đất và mặt nước, thu khác ngân sách, thu cấp quyền khai thác khoáng sản, thu từ hoạt động xổ số, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp…

4 khoản còn lại không đạt dự toán gồm: khu vực doanh nghiệp nhà nước địa phương, khu vực công thương nghiệp ngoài quốc doanh, thu lệ phí trước bạ và thuế bảo vệ môi trường.

Lãnh đạo tỉnh Kiên Giang cho rằng, trong điều kiện nền kinh tế cả nước nói chung và tỉnh Kiên Giang nói riêng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, ngân sách của tỉnh được điều hành chủ động, linh hoạt; quản lý thu ngân sách nhà nước được tăng cường, mở rộng; kiểm soát chặt chẽ hoàn thuế giá trị gia tăng đảm bảo đúng chính sách, quy định của pháp luật; đôn đốc thu hồi, xử lý nợ đọng thuế.

Ngoài ra, chi ngân sách nhà nước chặt chẽ, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên ngay từ dự toán đầu năm và trong quá trình điều hành, các nhiệm vụ chi ngân sách đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, phòng chống dịch bệnh, các chính sách an sinh xã hội.

Năm 2025, tỉnh phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng từ 7,5% trở lên. Đẩy mạnh thực hiện Đề án một triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh trên địa bàn tỉnh, phấn đấu năm 2025 thực hiện 100 nghìn ha. Tập trung tháo gỡ vướng mắc đẩy mạnh nuôi biển. Tiếp tục lãnh đạo tốt chống khai thác IUU.

Đồng thời, tiếp tục xây dựng nông thôn mới theo chiều sâu, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình trọng điểm của tỉnh.

Nâng cao hiệu quả công tác nắm, phân tích, dự báo tình hình, chủ động xử lý kịp thời, hiệu quả các tình huống phát sinh, không để bị động bất ngờ. Tăng cường đấu tranh phòng, chống tội phạm, tập trung trấn áp mạnh, triệt xóa các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, nhất là tội phạm hoạt động theo kiểu băng nhóm…, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nhất là ở các địa bàn phức tạp, trọng điểm.

Ngoài ra, Kiên Giang sẽ tiếp tục thực hiện việc xúc tiến việc tổ chức và tham gia các hội chợ chuyên ngành và các sự kiện kết nối cung cầu sản phẩm, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia triển lãm và giới thiệu sản phẩm trong và ngoài tỉnh. Đồng thời, tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại tại nước ngoài như tổ chức đón tiếp các đoàn doanh nghiệp nước ngoài và cử đoàn doanh nghiệp tham gia hội chợ, triển lãm tại các thị trường trọng điểm như: Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan và Trung Quốc, Nhật Bản, Australia, Anh, Đức, Canada…

Việt An

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here