Triển vọng xuất khẩu rau, quả Việt Nam năm 2025

0
38
Trong các mặt hàng rau quả xuất khẩu, giá trị xuất khẩu sầu riêng ghi nhận tăng trưởng 45%. (Nguồn: CafeF)

Dư địa xuất khẩu rau, quả của Việt Nam còn rất lớn, diện tích trồng cây ăn trái của người dân ngày càng mở rộng ra, chất lượng ngày càng nâng cao.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, tổng giá trị xuất khẩu rau quả 11 tháng năm 2024 đạt 6,66 tỷ USD, tăng 28,2% so với cùng kỳ năm 2023. Với kết quả này, ngành rau quả Việt Nam tự tin có thể lập kỷ lục 7,2 tỷ USD trong cả năm 2024.

11 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang hầu hết các thị trường lớn tăng trưởng khả quan, trong đó khai thác tốt nhiều thị trường tiềm năng như: Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE). Đóng góp phần lớn vào kim ngạch xuất khẩu rau quả phải kể đến sản phẩm sầu riêng với thị trường chủ lực là Trung Quốc.

Trong các mặt hàng rau quả xuất khẩu, giá trị xuất khẩu sầu riêng ghi nhận tăng trưởng 45%, xuất khẩu chuối ghi nhận tăng trưởng hơn 24%, xoài tăng 40%, mít tăng 25%… so với cùng kỳ năm trước. Dự báo trong tháng 12/2024, xuất khẩu rau quả của Việt Nam sẽ vẫn khả quan do yếu tố mùa vụ.

Trao đổi với báo chí mới đây, ông Đặng Phúc Nguyên – Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, năm 2024, chắc chắn ngành hàng rau, quả sẽ có kỷ lục mới. Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu rau, quả chỉ đạt 3,3 tỷ USD. Năm 2023, Việt Nam đã lập kỷ lục 5,6 tỷ USD, dự kiến năm nay sẽ thu về từ 7,1 – 7,2 tỷ USD. Trong “bức tranh” chung của xuất khẩu rau, quả, đều ghi nhận sự tăng trưởng về kim ngạch đối với từng nhóm mặt hàng so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, theo ông Nguyên, tăng trưởng nhiều nhất là mặt hàng sầu riêng. Dự kiến, năm nay, xuất khẩu mặt hàng này sẽ thu về trên 3,2 tỷ USD. Nhờ xuất khẩu sầu riêng tăng 1 tỷ USD so với năm ngoái đã đẩy kim ngạch xuất khẩu chung của toàn ngành tăng trên 7 tỷ USD.

Riêng với chanh leo, bưởi, dừa tươi, sầu riêng đông lạnh, đây là những mặt hàng mới mở cửa thị trường, các doanh nghiệp còn đang loay hoay trong vấn đề xin mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, thiết lập quan hệ với các đối tác nước ngoài. Hiện các doanh nghiệp đang trong quá trình chuẩn bị. Một số mặt hàng như trái bưởi, trái dừa đã xuất khẩu những chuyến hàng đầu tiên nhưng chưa nhiều. Sang năm, những mặt hàng này mới có thể phát huy được lợi thế.

Về thị trường xuất khẩu, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam thông tin, báo cáo của Tổng cục Hải quan cho thấy, khu vực Đông Bắc Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hong Kong (Trung Quốc)… chiếm khoảng gần 80% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành rau, quả; 20% còn lại sẽ xuất khẩu đến thị trường châu Âu, Mỹ, Trung Đông…

Do đó, theo ông Nguyên, thị trường khu vực Đông Bắc Á rất quan trọng đối với ngành rau, quả Việt Nam. “Dân số khu vực này đông, GDP các thị trường khu vực này cao, những nước nằm trong Top 10 các nước có nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng nằm trong khu vực này. Bên cạnh đó, các thị trường này rất gần nguồn cung của Việt Nam. Do đó, chi phí logistics, thời gian vận chuyển, bảo quản thuận lợi hơn so với việc xuất khẩu đi các thị trường khác. Đây là lợi thế cạnh tranh của rau, quả Việt Nam và chúng ta xuất khẩu được nhiều đến các thị trường này. Trong thời gian tới, chúng ta cần khai thác thêm các thị trường này bằng mở các mặt hàng mới, đồng thời tìm cách đi sâu vào mạng lưới tiêu thụ của họ”, ông Đặng Phúc Nguyên nhận định.

Cũng theo Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, để thâm nhập vào các thị trường này, các doanh nghiệp nước ta cũng cần nâng cao chất lượng sản phẩm, không để xảy ra các vi phạm về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Khi đó, chúng ta sẽ chiếm lĩnh thị trường xuất khẩu.

Cùng với sự đồng hành, hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ngành trong việc ký kết các Hiệp định thương mại tự do, nghị định thư,… khi đó, kim ngạch xuất khẩu rau, quả sẽ gia tăng.

“Bằng chứng cho thấy, sầu riêng Việt Nam xuất khẩu đi sau Thái Lan gần 10 năm, nhưng đến nay, chúng ta cũng đã vượt lên gần bằng Thái Lan. Hay với mặt hàng chuối, trước đây, chúng ta chỉ đứng hàng thứ hai, thứ ba khi xuất khẩu sang Trung Quốc, nay đã vươn lên vị trí thứ nhất”, ông Nguyên nhận định.

Nhìn về tương lai, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng, xuất khẩu rau, quả của Việt Nam có khả năng đạt 10 tỷ USD. “Trước đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt mục tiêu xuất khẩu rau, quả đến 2025 sẽ đạt con số 5 tỷ USD. Tuy nhiên, năm 2023, chúng ta đã ghi nhận con số 5,6 tỷ USD và năm nay dự kiến thu về trên 7 tỷ USD.

Khả năng, các mặt hàng mới ký nghị định thư với Trung Quốc như trái dừa tươi hay sầu riêng đông lạnh sẽ phát huy hiệu quả trong năm tới đây. Dự báo, năm 2025, xuất khẩu rau, quả sẽ thu về 8 tỷ USD. Đích đến con số 10 tỷ USD không quá xa. Tất nhiên, chúng ta phải bước đi từ từ chứ không nhanh được”, ông Nguyên nói.

Để tăng tốc hơn nữa kim ngạch xuất khẩu rau quả trong thời gian tới, các doanh nghiệp và chuyên gia cho rằng cần phải khai thác thêm các thị trường tiềm năng, các thị trường mới như Trung Đông và châu Phi. Đây là khu vực thị trường có nhu cầu cao về nguồn nông sản, thực phẩm Halal dành cho người Hồi giáo, trong đó các sản phẩm rau quả có lợi thế lớn. Do đó, các doanh nghiệp cần tìm hiểu thông tin thị trường, quy trình sản xuất, các quy định, chứng nhận sản phẩm Halal để sớm tiếp cận và khai thác thị trường vô cùng tiềm năng này.

Cùng với việc bảo đảm chất lượng sản phẩm rau quả, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh khâu chế biến rau quả, tập trung vào chế biến sâu, vừa nâng cao giá trị gia tăng, vừa hạn chế rủi ro mùa vụ như xuất khẩu tươi. Hiện nay, sản lượng rau quả tươi được chế biến vẫn còn ít, trong khi sản lượng thu hoạch hằng năm rất lớn. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam vẫn chiếm tỷ trọng thấp tại các thị trường, khu vực thị trường có nhu cầu lớn về sản phẩm chế biến như châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc…

Hải An

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here