Một số giải pháp phát triển kinh tế ban đêm tại Việt Nam

0
19

Việt Nam được đánh giá là có nhiều tiềm năng về các hoạt động kinh tế đêm. Với những lợi ích mà loại hình kinh tế này có thể mang lại, phát triển kinh tế ban đêm (KTBĐ) đã được chú trọng trong những năm gần đây. Đề án phát triển KTBĐ cũng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1129/QĐ-TTg ngày 27/7/2020 với mục tiêu khai thác tiềm năng phát triển KTBĐ nhằm tận dụng tối đa cơ hội phát triển kinh tế mới, nâng cao thu nhập và đời sống của người dân; đồng thời hạn chế những rủi ro, tác động tiêu cực đối với công tác đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Hiện nay, tại một số đô thị du lịch lớn của Việt Nam, kinh tế đêm đã được quan tâm triển khai với những hình thức như các khu chợ đêm, phố ăn đêm, các chuỗi cửa hàng tiện lợi 24/24, các tuyến phố đi bộ, các tuyến phố dịch vụ ẩm thực,… đã góp phần tạo việc làm, nguồn thu cho ngân sách nhà nước (NSNN) và phát triển kinh tế địa phương. Mặc dù vậy, KTBĐ của Việt Nam mới ở bước đầu phát triển, có quy mô nhỏ, các loại hình dịch vụ, sản phẩm chưa đa dạng phong phú, số lượng các địa điểm kinh doanh ban đêm còn thấp.

1. Thực trạng phát triển kinh tế đêm ở Việt Nam hiện nay

Quyết định số 1129/QĐ-TTg năm 2020 về Đề án Phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã cho phép thí điểm kéo dài thời gian tổ chức các hoạt động dịch vụ ban đêm đến 6 giờ sáng hôm sau tại một số điểm, khu du lịch hấp dẫn và có điều kiện thuận lợi để quản lý rủi ro hoạt động dịch vụ ban đêm ở những thành phố/trung tâm lớn, nơi có đông lượng khách du lịch như: Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hội An, Thừa Thiên Huế, Cần Thơ, Đà Lạt, Phú Quốc. Trên thực tế, các địa phương này đã có không ít nỗ lực nhằm cụ thể hóa các kế hoạch phát triển kinh tế ban đêm, thúc đẩy các hoạt động dịch vụ cụ thể về đêm, đặc biệt là tại hai thành phố lớn.

Hà Nội là địa phương luôn tiên phong nỗ lực tăng doanh thu ngành Du lịch bằng việc tổ chức hoạt động kinh tế du lịch đêm. Thành phố đã có một số khu vực hoạt động kinh tế ban đêm như khu Tạ Hiện, phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm cuối tuần, phố đi bộ Trần Nhân Tông, phố ẩm thực Tống Duy Tân, thành cổ Sơn Tây. Một số quán bar, nhà hàng trong khu phố cổ đã được mở cửa đến 2 giờ sáng… Nhiều doanh nghiệp còn kết hợp với điểm đến tổ chức tour du lịch đêm tại Di tích Hỏa Lò, Hoàng thành Thăng Long, Bảo tàng Văn học Hà Nội… Hà Nội cũng có những không gian phát triển kinh tế ban đêm, tập trung ở các quận như Hoàn Kiếm, Ba Đình, Tây Hồ. Các mô hình tổ chức biểu diễn nghệ thuật đêm cũng được chú trọng phát triển như Nhà hát Chèo Hà Nội, Nhà hát Cải lương Hà Nội, Nhà hát Múa rối Thăng Long…

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, bên cạnh du lịch đêm trên sông Sài Gòn, Thành phố Hồ Chí Minh nên có các chương trình nghệ thuật, các show diễn về đêm có chất lượng và được đầu tư bài bản. Vở kịch xiếc “À Ố show” là minh chứng về việc phát triển show diễn nghệ thuật, cũng đã rất thành công, thu hút hàng triệu lượt khán giả, nhất là du khách nước ngoài suốt gần 10 năm qua. Ngoài ra, còn phải kể đến các thương hiệu gắn với thành phố như phố đi bộ Nguyễn Huệ, Bùi Viện, phố ẩm thực Nguyễn Thượng Hiền… Những con phố này luôn tấp nập người qua lại, thu hút khách du lịch và những người dân thành phố. Tại đây có những món ăn rất đỗi bình thường với người Việt Nam nhưng lại ghi dấu trong lòng du khách quốc tế như bánh mì, cơm tấm, bún riêu, phở,… Bởi tất cả những món ăn này đều nằm trong danh sách những món ăn đường phố ngon nhất dành cho những thực khách đam mê xê dịch và đã được rất nhiều kênh thông tấn lớn của thế giới như Cine Travel, National Geographic Travel giới thiệu và quảng bá trên khắp thế giới.

Tuy nhiên, theo số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện nay cả nước có khoảng 20 chợ đêm, khoảng 1.000 cửa hàng tiện lợi hoạt động 24/24 giờ. Tình trạng nhiều du khách đến các thành phố lớn rồi “một đi không trở lại” do sản phẩm du lịch về đêm đơn điệu. Các mô hình phố đi bộ, phố ẩm thực, chợ đêm đã được tổ chức ở nhiều nơi, nhưng tổ chức giống nhau, chưa có điểm nhấn; thiếu chỗ giữ xe, nhà vệ sinh công cộng… Các khu chợ đêm, dịch vụ kinh tế ban đêm đa số còn dừng ở quy mô nhỏ lẻ và thường kết thúc trước 23 giờ. Đơn cử như tại phố ẩm thực Vĩnh Khánh hay chợ Xóm Chiếu (Quận 4), hàng quán cũng chỉ buôn bán đến 22 giờ. Các khu ẩm thực hiện nay cũng chủ yếu phục vụ khách nội địa. Tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, ngoài không gian cho du khách đi dạo, ngắm phố phường thì gần như không có dịch vụ gì đặc sắc để tăng chi tiêu cho du khách, khiến đến khoảng 23 giờ đêm, phố đi bộ vắng người.

Đi kèm với những triển vọng, phát triển kinh tế ban đêm vẫn luôn tồn tại những bất cập, khó khăn trong công tác quản lý, điều hành, đặc biệt là nguy cơ gia tăng các tệ nạn xã hội như mại dâm, ma tuý, cờ bạc và các loại tội phạm khác. Sự phát triển lâu dài của kinh tế ban đêm sẽ tạo môi trường có thể làm nảy sinh những băng, nhóm tội phạm mới, tội phạm có tổ chức, mô hình bảo kê tại khu kinh tế, tiềm ẩn nguy cơ xung đột bạo lực hoặc các hiện tượng tiêu cực.

Bên cạnh đó, nhận thức về KTBĐ chưa đầy đủ; còn thiếu các chính sách đặc thù để khuyến khích phát triển KTBĐ thông qua cung cấp các dịch vụ văn hóa, vui chơi giải trí, ẩm thực, mua sắm.

2. Một số giải pháp phát triển kinh tế ban đêm tại Việt Nam trong thời gian tới

Qua nghiên cứu về kinh tế ban đêm tại Việt Nam hiện nay, chúng tôi tổng hợp một số giải pháp cơ bản sau, nhằm góp phần phát triển kinh tế ban đêm trong thời gian tới. Cụ thể như sau:

Một là, nâng cao nhận thức về vai trò của chính quyền địa phương trong việc chủ động nghiên cứu, xây dựng chính sách phát triển các loại hình, hoạt động kinh tế ban đêm phù hợp trên địa bàn. Chính phủ chỉ giữ vai trò định hướng, tạo môi trường chính sách, pháp lý phù hợp, thuận lợi và xem xét, tháo gõ khó khăn cho địa phương.

Hai là, tăng cường truyền thông đa phương tiện qua báo, đài, truyền hình, qua các tổ chức xã hội, tổ chức tại cơ sở, phường xã, các tổ dân phố, các hiệp hội về những lợi ích, cơ hội, chủ trương phát triển kinh tế ban đêm, các chính sách hỗ trợ các chủ thể tham gia hoạt động kinh tế ban đêm. Chú trọng truyền thông về tác hại của ma túy và các chất gây nghiện đối với sức khỏe và tương lai của mỗi người, đặc biệt chú trọng truyền thông tới các cơ sở kinh doanh đêm ý thức tuân thủ đạo đức kinh doanh.

Ba là, hoàn thiện chính sách, khung pháp lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế ban đêm và kiểm soát rủi ro. Chính phủ chủ động rà soát chính sách và khung pháp lý liên quan đến phát triển kinh tế ban đêm, trong đó tập trung vào các quy định về: khu vực hoạt động; sản phẩm ưu tiên phát triển ban đêm; thời gian hoạt động; giấy phép hoạt động; tiêu chuẩn hoạt động của doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể tham gia kinh tế ban đêm. Phân định rõ trách nhiệm và thẩm quyền giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong quản lý hoạt động kinh tế ban đêm, trên cơ sở tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương trong việc quản lý và phát triển kinh tế ban đêm.

Bốn là, nghiên cứu, đánh giá tương tác giữa chính sách phát triển kinh tế ban đêm và các mô hình, hoạt động kinh tế mới/hiện đại khác (như kinh tế chia sẻ, thương mại điện tử,…) để có những giải pháp đủ toàn diện, đồng bộ.

Năm là, nghiên cứu, đề xuất mô hình thí điểm thành lập lực lượng cảnh sát du lịch tại các địa phương có tiềm năng phát triển kinh tế ban đêm để xử lý các vấn đề liên quan đến an ninh, an toàn của du khách. Tăng cường năng lực thông tin, thống kê thường kỳ và tổng hợp số liệu, dữ liệu về các hoạt động kinh tế ban đêm của các tỉnh, thành phố, đảm bảo chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan quản lý và cơ quan nghiên cứu để làm cơ sở tăng cường hiệu lực quản lý, hoạch định và điều chỉnh chính sách phát triển kinh tế ban đêm phù hợp. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu các thông lệ quốc tế tốt, các mô hình hiệu quả về quản lý hoạt động kinh tế ban đêm, đặc biệt là công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, cấp phép hoạt động và phân bổ nguồn lực cho cấp phép hoạt động, an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống tác hại của rượu bia trong kinh tế ban đêm, an toàn phòng cháy chữa cháy, thông tin từ cơ sở về rủi ro đối với hoạt động kinh tế ban đêm,…

Sáu là, chủ động lồng ghép nội dung phát triển kinh tế ban đêm vào trong nội dung quy hoạch tỉnh, trong đó, cần dự kiến các khu vực, địa bàn, tuyến được tập trung phát triển kinh tế ban đêm, các khu vực trung tâm và vệ tinh, các loại hình dịch vụ kinh tế ban đêm chủ yếu để có cơ sở triển khai trong tương lai (khi hội tụ các điều kiện cho phép). Các địa phương quy hoạch các khu vực phát triển kinh tế ban đêm cần gắn với phát triển cơ sở hạ tầng (điện, nước, giao thông,…), đảm bảo điều kiện vệ sinh môi trường, hạn chế tác động của ô nhiễm tiếng ồn, rác thải sinh hoạt,… Đồng thời, chủ động lồng ghép nội dung phát triển kinh tế ban đêm vào nội dung quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch ngành. Nội dung phát triển kinh tế ban đêm cần gắn chặt với quy hoạch phát triển du lịch và các hoạt động dịch vụ, ăn uống, mua sắm. Phát triển mạng lưới các cơ sở dịch vụ gắn với các khu, điểm du lịch. Đồng thời đẩy mạnh xúc tiến du lịch, quảng bá các hoạt động kinh tế ban đêm. Xây dựng sản phẩm du lịch đêm dựa trên yếu tố văn hóa bản địa, tạo điểm nhấn theo đặc trưng địa phương (lựa chọn các loại hình dịch vụ, các địa điểm mang tính biểu tượng để thu hút khách du lịch).

Bảy là, cho phép thí điểm kéo dài thời gian tổ chức các hoạt động dịch vụ ban đêm đến 6 giờ sáng hôm sau tại một số điểm, khu du lịch hấp dẫn và có điều kiện thuận lợi để quản lý rủi ro hoạt động dịch vụ ban đêm ở một số thành phố/trung tâm lớn nơi có đông lượng khách du lịch như: Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hội An, Thừa Thiên Huế, Cần Thơ, Đà Lạt, Phú Quốc. Trên cơ sở đó, đánh giá hiệu quả hoạt động và công tác quản lý hoạt động kinh tế ban đêm ở những nơi đã lựa chọn để xây dựng, hoàn thiện mô hình hoạt động kinh tế ban đêm và sau đó sẽ nhân rộng ra các địa phương khác. Nghiên cứu, đề xuất ưu tiên đầu tư xây dựng một số khu vực tổ hợp giải trí ban đêm riêng biệt ở thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng giai đoạn 2025 – 2030.

Tám là, xây dựng và thực thi các chính sách khuyến khích, ưu đãi các doanh nghiệp, hộ kinh doanh tham gia hoạt động kinh tế ban đêm thông qua nâng cao năng lực, tạo điều kiện cho các cơ sở kinh doanh tiếp cận nguồn tài chính chính thức, đặc biệt là vốn tín dụng ngân hàng./.

ThS. Nguyễn Phương Linh (Khoa Quản trị và Marketing, Trường Đại học Kinh tế – Kỹ thuật công nghiệp)

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Chính phủ (2020), Quyết định số 1129/QĐ-TTg ngày 27/7/2020 phê duyệt đề án phat triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam.
  2. Lê Anh (2022), Hội thảo khoa học: Phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam.
  3. Tuệ Mỹ (2022), Phát triển kinh tế ban đêm để phục hồi du lịch, truy cập tại: https://vneconomy.vn/phat-trien-kinh-te-ban-dem-de-phuc-hoi-du-lich.htm
  4. Tô Hà (2021), “Thắp sáng” kinh tế ban đêm, Báo Nhân dân, truy cập tại https://nhandan.com.vn/nhan-dinh/-thap-sang-kinh-te-ban-dem-630605;
  5. Nguyễn Thị Thu Trang (2020), Phát triển kinh tế ban đêm: Kinh nghiệm quốc tế và một số đề xuất đối với Việt Nam, Tạp chí Kinh tế tài chính Việt Nam, số 2, tháng 4/2020

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here