Xuất khẩu da giày 2024 về đích và yêu cầu tất yếu về ‘xanh hóa’ ngành

0
34
Năm 2024, ngành da giày đã mở rộng xuất khẩu sang một số thị trường ở khu vực Nam Mỹ và Trung Đông. (Ảnh: XD)

Năm 2024, xuất khẩu của ngành da giày đạt trên 26 tỷ USD, tăng trưởng khoảng 10% so với năm 2023.

Trao đổi với báo giới, bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam cho hay, từ giờ đến cuối năm, đơn hàng tiếp tục ổn định, đáng lưu ý, một số doanh nghiệp lớn đã ký được hợp đồng đến giữa năm 2025.

Các thị trường xuất khẩu năm 2024 đều có sự tăng trưởng. Một số thị trường lớn như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) giữ được mức tăng trên 10%. Đặc biệt, năm nay Trung Quốc tiếp tục được xếp vào nhóm thị trường xuất khẩu tỷ USD của ngành, chỉ xếp sau Mỹ, EU và chiếm 9% tỷ trọng. Tuy vậy, ở một số thị trường xuất khẩu vẫn giảm, thậm chí hầu như không xuất được do chịu tác động của xung đột như Nga, Uzbekistan.

Cũng theo lãnh đạo Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam, năm 2024 ngành da giày đã mở rộng xuất khẩu sang một số thị trường ở khu vực Nam Mỹ và Trung Đông. Riêng thị trường Trung Đông, đây là thị trường rất tiềm năng khi có nhu cầu tiêu dùng lớn và đa dạng.

Trong đó, giày thể thao – mặt hàng thế mạnh của Việt Nam chiếm ưu thế, mặt hàng này cũng có thể giúp xuất khẩu của ngành tăng trưởng nhanh và mạnh sang Trung Đông trong ngắn hạn. Bên cạnh đó, thị trường này còn tiêu dùng mặt hàng dép tuy nhiên số lượng không lớn.

Dù không quá khó khăn về đơn hàng nhưng bà Xuân cho hay, năm 2024 đơn giá thấp, thậm chí bị ép giảm. Cùng đó, các đơn hàng đang có xu hướng yêu cầu chất lượng và đáp ứng các tiêu chí về phát triển bền vững cao hơn đã tạo thêm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp. Hơn nữa, chi phí đầu vào tăng cao, nguồn lao động khan hiếm, tất cả khó khăn đó đã ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Chia sẻ về những khó khăn này, ông Nguyễn Thanh Tuấn – Tổng Giám đốc Công ty Giày VASA, cho hay, năm 2024 là năm thực sự khó khăn của nền kinh tế nói chung, doanh nghiệp da giày nói riêng.

Về kế hoạch năm 2025, VASA vẫn tập trung xuất khẩu sang những thị trường sẵn có và dễ tính như châu Phi, châu Á để có được tệp khách hàng phù hợp và tăng doanh thu, sau đó mới từng bước ứng dụng tiêu chuẩn cao hơn như sản xuất xanh, sản phẩm xanh để chinh phục những thị trường khó tính như Nhật Bản, châu Âu, Mỹ. Doanh nghiệp cũng bước đầu tiếp cận các trang thương mại điện tử lớn như Alibaba, Amazon nhằm mở thêm kênh tiêu thụ.

Nhìn nhận ở góc độ ngành, bà Xuân cho hay, bối cảnh thị trường năm 2025 không có nhiều thay đổi so với năm 2024. Đơn hàng không quá khó khăn nhưng doanh nghiệp phải đối mặt với chi phí tăng cao. “Năm 2025 ngành da giày vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 10% so với năm 2024, đạt kim ngạch khoảng 29 tỷ USD”, bà Xuân nhấn mạnh.

Để giữ vững ngành xuất khẩu chủ lực và giải quyết các vấn đề còn tồn đọng, ngành da giày cần tiếp tục nỗ lực với nhiều phương án thay đổi mới, quan trọng nhất là thúc đẩy sản xuất xanh và tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn quốc tế. Các chính sách mới từ các quốc gia nhập khẩu như Mỹ, EU đã yêu cầu đáp ứng các tiêu chuẩn bền vững, đẩy mạnh việc luật hóa các hoạt động này. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp phải chuẩn bị kỹ càng để tham gia vào chuỗi cung ứng bền vững và giảm thiểu khí thải carbon trong sản xuất.

Ông Maxime Rogeon – Trưởng Bộ phận Da giày của công ty Decathlon Việt Nam cho biết, mặc dù Việt Nam có nhiều ưu thế như: Các nhà sản xuất lớn trên thế giới đều có cơ sở sản xuất tại Việt Nam; thị trường lớn nhờ các hiệp định thương mại tự do (FTA), tự chủ được khoảng 50% nguyên liệu nhưng cũng phải đối mặt với các đối thủ cạnh tranh như Indonesia, với mức thuế nhập khẩu vào Mỹ thuận lợi hơn. Do đó, Việt Nam cần phải tăng cường giải pháp về logistics xanh và cải tiến nguồn cung ứng và vận chuyển để thích ứng nhanh chóng với xu hướng này.

Ông Gerwin Leppink, chuyên gia đến từ Tổ chức công nhận trách nhiệm xã hội trong sản xuất toàn cầu (WRAP) khẳng định, ngày nay, để xuất khẩu thành công sang Hoa Kỳ và EU, việc tuân thủ quy định của cơ quan hải quan, bảo vệ môi trường, trách nhiệm xã hội… là điều bắt buộc. Điều này tác động tới cả người mua (nhà phân phối ở nước sở tại) và nhà cung cấp hàng hóa (doanh nghiệp xuất khẩu).

Cùng chung nhận định, lãnh đạo Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam cho biết, để đạt mục tiêu xuất khẩu 2025, phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó nhu cầu tiêu dùng và tuân thủ tiêu chuẩn xanh từ các thị trường nhập khẩu là 2 yếu tố đặc biệt quan trọng. Do đó, doanh nghiệp ngành da giày mong muốn nhận được sự hỗ trợ tích cực hơn nữa từ cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức quốc tế để đáp ứng các yêu cầu. Trong đó, các cơ quan chức năng phối hợp với tổ chức quốc tế nghiên cứu đưa ra được tiêu chuẩn xanh một cách thống nhất, đồng thời xây dựng chính sách hỗ trợ hài hòa để doanh nghiệp có thể tận dụng.

Cùng đó, cần có giải pháp nâng cao năng lực nội tại của doanh nghiệp. Sau khi đưa ra được các tiêu chuẩn thống nhất, đơn vị chức năng hỗ trợ đào tạo, huấn luyện để áp dụng các tiêu chuẩn, giúp doanh nghiệp có thể đạt các chứng chỉ, đủ điều kiện để triển khai đơn hàng.

Bên cạnh đó, nguồn lực giúp doanh nghiệp đổi mới khoa học công nghệ cũng rất cần thiết. Doanh nghiệp mong muốn Bộ Công Thương tham mưu, đề xuất với Chính phủ xây dựng các quỹ thúc đẩy phát triển xanh, tạo điều kiện để giảm lãi suất vay giúp doanh nghiệp có cơ hội áp dụng công nghệ mới, công nghệ xanh trong sản xuất.

Cuối cùng là vấn đề thông tin, thông qua hội nghị, hội thảo, tọa đàm… cơ quan nhà nước phối hợp với hiệp hội ngành nghề cập nhật nhanh và chuẩn xác thông tin về quy định xanh, tiêu chuẩn xanh của các thị trường nhập khẩu giúp doanh nghiệp tiếp nhận kịp thời, từ đó chuẩn bị kế hoạch cho quá trình phát triển.

Hải An

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here