Chuyên gia mách kế tạo đột phá trong phát triển ngành công nghiệp bán dẫn

0
24
Việt Nam đã và đang triển khai các cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp bán dẫn. (Nguồn: VnEconomy)

Trong bối cảnh chuỗi giá trị bán dẫn đang dần chuyển dịch sang các nước Đông Nam Á, Việt Nam được đánh giá là có đầy đủ điều kiện và yếu tố cần thiết để phát triển công nghiệp bán dẫn.

Theo ông Nguyễn Khắc Lịch, Cục trưởng Cục Công nghiệp Công nghệ và Thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), cuối tháng 9/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Đây là lần đầu tiên Việt Nam có chiến lược dài hạn như vậy.

Dựa trên bối cảnh toàn cầu và thực tiễn đất nước, Việt Nam đã đưa ra con đường phát triển ngành công nghiệp bán dẫn theo công thức: C=SET+1. Theo đó, Việt Nam sẽ tập trung theo hướng sản xuất chip (C) chuyên dụng – Specialized (S), phát triển ngành công nghiệp điện tử song hành với ngành phát triển chip – (E) Electronics, theo đó thông minh hóa các sản phẩm và để làm được điều đó trọng tâm là phát triển đội ngũ nguồn nhân lực và nhân tài – Talent (T). Đồng thời cũng đón đầu xu hướng dịch chuyển X+1, tạo điều kiện để Việt Nam nổi lên là điểm đến mới an toàn của chuỗi cung ứng toàn cầu về công nghiệp bán dẫn.

Việt Nam đã và đang triển khai các cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp bán dẫn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nghiên cứu, thành lập Quỹ hỗ trợ đầu tư để giảm thiểu ảnh hưởng của thuế thu nhập tối thiểu toàn cầu, thời gian thực hiện từ năm 2024 – 2025; Đề án nghiên cứu và phát triển công nghệ lõi, sản phẩm chip chuyên dụng đột phá thế hệ mới đến năm 2030, định hướng đến năm 2050; khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam thành lập một số trung tâm, viện nghiên cứu về công nghiệp bán dẫn.

Đề án đầu tư xây dựng một nhà máy chế tạo chip bán dẫn quy mô nhỏ, công nghệ cao phục vụ nhu cầu nghiên cứu, thiết kế, sản xuất chip bán dân, đây là nhiệm vụ đột phá Việt Nam đang đặt ra (thời gian thực hiện từ năm 2024 – 2025). Để xây dựng nhà máy cần xây dựng cơ chế ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, tài chính đặt biệt của nhà nước cho dự án xây dựng nhà máy chế tạo chip bán dẫn quy mô nhỏ, công nghệ cao.

“Để tham gia vào chuỗi giá trị bán dẫn toàn cầu, Việt Nam không thể đi theo ngành công nghiệp điện tử truyền thống mà cần phát triển ngành công nghiệp điện tử thế hệ mới song hành với ngành công nghiệp bán dẫn. Đó chính là ứng dụng tri tuệ nhân tạo (AI) hóa tất cả thiết bị điện tử gia dụng và chuyên dụng truyền thống”, ông Lịch cho hay.

Chia sẻ về các giải pháp đột phá trong phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, ông Nguyễn Khắc Lịch cho biết, Việt Nam cần làm chủ nghiên cứu và phát triển công nghệ trong lĩnh vực bán dẫn, điện tử, nếu không muốn trở thành một đất nước gia công, trong đó phát huy lợi thế địa chính trị, đi theo xu hướng đầu tư, chú trọng đến phát triển hạ tầng điện, nước cũng như có các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ…

Với những lợi thế mà Việt Nam đang có, bà Linda Tân – Chủ tịch Hiệp hội Bán dẫn Đông Nam Á (SEMI) – nhận định, Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ, là một trong những nền kinh tế có tốc độ phát triển nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á. Việt Nam có những lợi thế để phát triển công nghệ bán dẫn như: Hệ thống chính trị ổn định, vị trí địa lý thuận lợi, nguồn nguyên liệu phong phú, nguồn nhân lực trong lĩnh vực kỹ thuật công nghệ dồi dào.

Ông Nguyễn Trần Quang, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội cho biết, Việt Nam nói chung, thành phố Hà Nội nói riêng, có nhiều tiềm năng, lợi thế thu hút đầu tư và phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.

Tuy nhiên, Việt Nam, cũng như thành phố Hà Nội, đang đối mặt với nhiều thách thức như: Hạn chế về cơ sở hạ tầng và logistic, quy định thủ tục hành chính còn phức tạp nhất định, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, cạnh tranh quốc tế ngày càng gia tăng,…

Điểm mấu chốt trong chiến lược này, theo các chuyên gia công nghệ, là việc phát triển nguồn nhân lực và thu hút nhân tài trong lĩnh vực bán đẫn. Điều này cần cơ chế thu hút các nhân tài chất lượng cao, chuyên gia cao cấp hàng đầu thế giới.

Theo Chương trình “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050”, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 có ít nhất 50.000 nhân lực có trình độ từ đại học trở lên phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn trong tất cả các công đoạn của chuỗi giá trị trong ngành công nghiệp bán dẫn.

Vân Chi

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here