Kinh tế Trung Quốc đã như thế nào năm 2024 và sẽ ra sao trong năm 2025?

0
281
Sự trỗi dậy của Trung Quốc chắc chắn sẽ đi theo con đường khác với phương Tây, nếu thành công, đó sẽ là trang mới trong lịch sử phát triển loài người và là mô hình phát triển khác ngoài quá trình hiện đại hóa của phương Tây. (Nguồn: chinausfocus)

Ngày 30/11, Diễn đàn kinh tế vĩ mô Trung Quốc (CMF) (2024-2025) được tổ chức tại Đại học nhân dân Trung Quốc.

Tại diễn đàn này, các chuyên gia kinh tế hàng đầu của Trung Quốc đã tập trung trao đổi, thảo luận về một số vấn đề như tình hình kinh tế vĩ mô của Trung Quốc trong năm 2024; thời cơ và thách thức đối với nền kinh tế Trung Quốc trong năm 2025; cũng như dự báo và triển vọng tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong năm 2025.

Năm 2024: mạnh lên và yếu đi?

Trang ier.ruc.edu.cn đánh giá, thứ nhất, mặc dù kinh tế Trung Quốc duy trì tốc độ tăng trưởng trung bình cao, nhưng áp lực theo từng quý dần tăng lên, khiến tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) danh nghĩa giảm xuống. Trong 3 quý đầu năm 2024, GDP thực tế của Trung Quốc tăng 4,8% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó, quý I tăng 5,3%, quý II tăng 4,7% và quý III tăng 4,6%. GDP danh nghĩa của Trung Quốc tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó, quý I tăng 4,2%, quý II tăng 4,0% và quý III tăng 4,0%.

Thứ hai, sản xuất công nghiệp tăng mạnh trở lại, nhưng ngành dịch vụ tương đối yếu ớt, ngành bất động sản và xây dựng trở thành lực cản chính. Trong 3 quý đầu năm 2024, giá trị gia tăng của ngành công nghiệp tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước, tăng 1,5 điểm phần trăm so với năm 2023. Trong đó, giá trị gia tăng của ngành sản xuất tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước, tăng 1,5 điểm phần trăm so với năm 2023. Sản xuất công nghiệp nhìn chung tương đối tốt, nhưng thời gian gần đây có phần chậm lại. Giá trị gia tăng của ngành dịch vụ tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước, giảm 1,1 điểm phần trăm so với năm 2023.

Trong đó, giá trị gia tăng của ngành bất động sản giảm 4% so với cùng kỳ năm trước và tăng 2,7 điểm phần trăm so với năm 2023. Ngành xây dựng tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước, giảm 3 điểm phần trăm so với năm 2023. Nhìn chung, so với quý II/2024, xu hướng giảm của một số ngành trong quý III có dấu hiệu giảm, ví dụ mức giảm của ngành bất động sản có phần thu hẹp, quý II là -4,6% và quý III là -1,9%.

Thứ ba, nhu cầu trong nước không đủ, sự phục hồi của nhu cầu bên ngoài đã hỗ trợ sự ổn định tương đối của tổng nhu cầu. Về tiêu dùng, sau khi nhu cầu tích tụ từ trước đó được giải phóng, động lực tăng trưởng tiêu dùng trong năm 2024 suy giảm rõ rệt. Trong 3 quý đầu năm 2024, tổng giá trị bán lẻ hàng hóa xã hội tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước đó, giảm 3,9 điểm phần trăm so với tốc độ tăng của năm 2023, khiến áp lực tiêu dùng tương đối lớn.

Về đầu tư, do đầu tư bất động sản liên tục giảm mạnh, nên đầu tư tài sản cố định tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước, áp lực đầu tư ổn định không giảm. Trong đó, đầu tư cơ sở hạ tầng tăng 9,3%, đầu tư ngành sản xuất tăng 9,2%, nhưng đầu tư bất động sản giảm 10,1%; nếu không tính đầu tư bất động sản, đầu tư tài sản cố định tăng 7,7%, đầu tư tư nhân tăng 6,4%; đầu tư vào ngành công nghiệp công nghệ cao duy trì mức tăng trưởng khá nhanh 10%, trong đó ngành sản xuất công nghệ cao và dịch vụ công nghệ cao lần lượt tăng 9,4% và 11,4%.

Dưới tác động của các yếu tố tích cực như thực hiện chính sách mở cửa trình độ cao, điều chỉnh đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế của sản phẩm và nhu cầu bên ngoài hồi phục, tình hình thương mại ngoại hối trong năm 2024 đã cải thiện đáng kể, tốc độ tăng trưởng của xuất nhập khẩu đều phục hồi mạnh.

Trong 3 quý đầu năm 2024, tính theo USD, xuất khẩu tăng 4,3%, nhập khẩu tăng 2,2%, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 3,4%, tốc độ tăng trưởng đều đã chuyển từ âm sang dương; thặng dư thương mại đạt 689,5 tỷ USD, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm trước, tạo ra động lực tăng trưởng mạnh cho nền kinh tế trong ngắn hạn. Xét theo khu vực xuất khẩu, trong 3 quý đầu năm, xuất khẩu của Trung Quốc sang ASEAN tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước, xuất khẩu sang Mỹ tăng 2,8%, xuất khẩu sang Liên minh châu Âu (EU) tăng 0,9%, xuất khẩu sang các khu vực khác trên thế giới tăng 4,5%, tốc độ tăng trưởng cao trở lại mức 3,4 điểm phần trăm so với năm trước.

Thứ tư, trong bối cảnh nhu cầu trong nước không đủ, vật giá tiếp tục ở mức thấp, chu kỳ kinh tế vĩ mô của Trung Quốc ở đáy kéo dài. Trung bình từ tháng 1-10, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,3% so với cùng kỳ năm trước; chỉ số giá sản xuất (PPI) giảm 2,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong 3 quý đầu năm 2024, chỉ số giảm phát GDP giảm 0,7% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, quý I giảm 1,3%, quý II giảm 0,6%, quý III giảm 0,5%, duy trì tăng trưởng âm trong 6 quý liên tiếp, điều này cho thấy nền kinh tế vĩ mô của Trung Quốc vẫn đang ở đáy chu kỳ.

Thứ năm, việc làm của người dân ổn định, tốc độ tăng trưởng thu nhập giảm, niềm tin của người tiêu dùng giảm đã hạn chế tăng trưởng nhu cầu trong nước. Trong 3 quý đầu năm, thu nhập khả dụng bình quân đầu người trên danh nghĩa tăng 5,2% so với cùng kỳ năm trước, trừ yếu tố giá cả tăng 4,9%, giảm lần lượt 1,1 và 1,0 điểm phần trăm, cao hơn 1,1 và 0,1 điểm phần trăm so với tăng trưởng GDP danh nghĩa và thực tế.

Hiện niềm tin và kỳ vọng của người dân vào tương lai chưa được cải thiện mang tính thực chất. Tính đến tháng 9/2024, chỉ số niềm tin, chỉ số hài lòng và chỉ số kỳ vọng của người tiêu dùng vẫn giảm đáng kể từ 25-30% so với mức của tháng 2/2022, với khoảng cách lần lượt là 28,9%, 27,0%, 30,0%. Chỉ số niềm tin, chỉ số hài lòng và chỉ số kỳ vọng đối với việc làm giảm mạnh nhất, với khoảng cách lên đến khoảng 43%; tiếp theo là chỉ số niềm tin, chỉ số hài lòng và chỉ số kỳ vọng đối với thu nhập, với khoảng cách giảm khoảng 20%. Xét từ xu hướng thay đổi, kể từ tháng 4/2022, các chỉ số trên đã liên tục duy trì ở mức thấp trong 30 tháng liên tiếp, không thấy dấu hiệu cải thiện rõ ràng.

Thứ sáu, sau khi được cải thiện trong ngắn hạn, hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp tiếp tục xấu đi, mức sử dụng công suất không đủ đã hạn chế động lực mở rộng của đầu tư. Mặc dù hiệu suất kinh doanh của doanh nghiệp trong nửa đầu năm có phần cải thiện, nhưng lại tiếp tục xấu đi từ giữa năm, đặc biệt là tổng lợi nhuận của các doanh nghiệp công nghiệp sau khi từ âm chuyển dương lại tiếp tục chuyển thành âm. Trong 3 tháng (tháng 8, 9 và 10), tổng lợi nhuận của các doanh nghiệp công nghiệp có quy mô lớn đã giảm 17,8%, 27,1%, 10% so với cùng kỳ năm trước, khiến tổng lợi nhuận từ tháng 1-10 giảm 4,3% so với cùng kỳ năm trước.

Trong 3 quý đầu năm 2024, mức sử dụng công suất công nghiệp là 74,6%, ở mức tương đối thấp trong lịch sử; trong đó, quý III là 75,1%, giảm 0,5 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Mức sử dụng công suất vẫn duy trì ở mức thấp, tỷ lệ sản xuất và tiêu thụ của doanh nghiệp cũng ở mức thấp kỷ lục. Trong 3 quý đầu năm 2024, tỷ lệ sản xuất và tiêu thụ của các doanh nghiệp công nghiệp là 96,1%, giảm 0,7 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.

Thứ bảy, thu nhập tài chính và thu nhập từ quỹ của chính phủ giảm, dẫn đến việc chi tiêu của chính phủ chuyển từ mở rộng sang thu hẹp. Kể từ đầu năm 2024, thu nhập tài chính công và thu nhập từ quỹ của chính phủ đều giảm.

Trong 3 quý đầu năm 2024, thu nhập tài chính công giảm 2,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó thu nhập từ thuế giảm 5,3% so với cùng kỳ năm trước; thu nhập từ quỹ của chính phủ giảm 20,2% so với cùng kỳ năm trước, khiến áp lực cân đối ngân sách tài chính gia tăng, một số chính quyền địa phương chịu áp lực nợ lớn, đối mặt với nhiều khó khăn. Trong 3 quý đầu năm, chi tiêu tài chính công so với cùng kỳ năm trước chỉ tăng 2,0%, giảm 3,4 điểm phần trăm so với tốc độ tăng của năm trước; chi tiêu từ quỹ của chính phủ giảm 8,9% so với cùng kỳ năm trước, giảm hơn 0,5 điểm phần trăm so với mức giảm cả năm trước; tổng mức chi tiêu của chính phủ giảm 0,8% so với cùng kỳ năm trước, giảm 2,1 điểm phần trăm so với tốc độ tăng cả năm trước.

Thời cơ và thách thức đối với nền kinh tế Trung Quốc trong năm 2025

Sự phát triển của nền kinh tế Trung Quốc trong năm 2025 đứng trước một số cơ hội sau:
Thứ nhất, việc điều chỉnh chính sách kinh tế vĩ mô lần này đã đảo ngược xu hướng suy giảm của nền kinh tế trong ngắn hạn, thể hiện dấu hiệu hồi phục và ổn định từ đáy. Việc đảo ngược xu hướng suy giảm của nền kinh tế vĩ mô trong ngắn hạn, hoàn thành mục tiêu tăng trưởng dự kiến đã đặt cơ sở vững chắc cho sự phát triển kinh tế của Trung Quốc trong năm 2025. Năm 2025, Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng cường điều tiết vĩ mô, liên tục đưa ra nhiều chính sách tăng trưởng mới hơn, cho đến khi hoàn toàn đảo ngược xu hướng suy giảm kinh tế và quan điểm bi quan của thị trường.

Việc điều chỉnh chính sách kinh tế vĩ mô lần này không chỉ là tăng cường mức độ phối hợp và điều tiết giữa các chính sách, mà còn là sự thay đổi lớn về định vị và logic của chính sách. Về sự định vị của chính sách bất động sản, lần đầu tiên trong những năm gần đây đã đề xuất cần thúc đẩy thị trường bất động sản ngừng suy thoái và phục hồi ổn định, và thúc đẩy việc xây dựng mô hình phát triển bất động sản mới; về sự định vị của chính sách tiền tệ, đề xuất phải kiên trì lập trường chính sách tiền tệ mang tính hỗ trợ; về giải quyết rủi ro nợ địa phương, đưa ra kế hoạch giảm nợ 12.000 tỷ nhân dân tệ, làm cho áp lực nợ tiềm ẩn của địa phương giảm mạnh.

Thứ hai, hiệu ứng giá tài sản có lợi cho việc sửa đổi bảng cân đối kế toán của các thực thể thị trường và cải thiện kỳ vọng. Do lần điều chỉnh chính sách này bắt đầu bằng việc đảo ngược xu hướng đi xuống của thị trường vốn và thị trường bất động sản, nên mang lại hiệu quả định hình lại giá tài sản rất tích cực, đẩy nhanh việc sửa đổi bảng cân đối kế toán của các thực thể thị trường và cải thiện đáng kể kỳ vọng của thị trường.

Trong quá trình phục hồi, nền kinh tế của Trung Quốc đang mở ra những cơ hội mới, nhưng nước này cũng phải đối mặt với hàng loạt rủi ro suy thoái đáng được quan tâm. Thứ nhất, rủi ro tốc độ tăng trưởng xuất khẩu giảm đáng kể. Áp lực do chủ nghĩa bảo hộ thương mại toàn cầu sẽ tăng lên hơn nữa trong năm 2025, khiến tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc đối mặt với rủi ro giảm mạnh .

Rủi ro chủ yếu tập trung ở 3 khía cạnh: Một là, tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục chậm lại trong năm 2025, khiến nhu cầu đối với hàng hóa của Trung Quốc giảm. Hai là, kể từ giữa năm 2024, các biện pháp áp thuế của Mỹ và châu Âu đối với 3 sản phẩm mới của Trung Quốc (quang điện, pin lithium, xe điện) có thể sẽ được thực hiện và có hiệu lực trong năm 2025.

Ba là, Chính quyền Donald Trump lên nắm quyền vào năm 2025 có thể sẽ khởi động các biện pháp áp thuế có phạm vi rộng lớn hơn và mạnh mẽ hơn, hàng hóa xuất khẩu trực tiếp và gián tiếp của Trung Quốc đều sẽ đối mặt với mức thuế tăng đáng kể.

Trong ngắn hạn, việc Trump thực hiện ngay lập tức chính sách thương mại đối với Trung Quốc vẫn có yếu tố khó đoán định, chủ yếu thể hiện ở khía cạnh thời gian thực hiện, nhịp độ và mức độ thực hiện. Đảng Cộng hòa Mỹ đã kiểm soát cả Thượng viện và Hạ viện trong cuộc bầu cử lần này, điều này có thể khiến Trump phải tập trung nhiều hơn vào việc giải quyết các vấn đề trong nước. Ngoài ra, dù áp đặt mức thuế cao 60% đối với Trung Quốc hay áp đặt mức thuế chung 10% đối với toàn cầu đều sẽ làm tăng tỷ lệ lạm phát, điều này sẽ khiến phía Mỹ phải e ngại.

Về lâu dài, chủ nghĩa bảo hộ thương mại không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến xuất khẩu mà còn gián tiếp thúc đẩy tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong thời kỳ xung đột thương mại Trung-Mỹ, các quốc gia khác (như Mexico và Việt Nam) đã dần chiếm thị phần nhập khẩu của Mỹ, từ đó đặt ra yêu cầu cao hơn về việc điều chỉnh và thích ứng với chuỗi cung ứng và chuỗi sản xuất toàn cầu. Xu hướng này cho thấy nếu Chính quyền Trump tái áp dụng chính sách thuế quan cao, một số thị trường mới nổi có thể tiếp tục được hưởng lợi, trong khi Trung Quốc sẽ phải đối mặt với rủi ro lớn về cạnh tranh thương mại và mất thị phần.

Thứ hai, rủi ro do thị trường bất động sản liên tục giảm. Mặc dù chính quyền trung ương và địa phương đưa ra hàng loạt biện pháp để ổn định thị trường bất động sản nhưng cho đến nay vẫn chưa thể hiện được xu hướng ổn định rõ ràng. Xét từ xu hướng dài hạn và biểu hiện trong thời gian gần đây, thị trường bất động sản trong năm 2025 nhiều khả năng vẫn sẽ tiếp tục quá trình điều chỉnh và tác động trên các phương diện vẫn cần được kiểm soát và phòng ngừa hiệu quả.

Dự báo và triển vọng tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong năm 2025

Nhìn chung, với sự hỗ trợ mạnh mẽ của lần điều chỉnh chính sách này, nền kinh tế vĩ mô của Trung Quốc trong năm 2024 sẽ chạm đáy và dần hồi phục trong năm 2025. Điều đáng chú ý là nền kinh tế Trung Quốc trong năm 2025 sẽ chịu tác động của 3 vấn đề là chính sách kinh tế vĩ mô, nhịp độ của thị trường bất động sản và tác động từ chính sách thuế quan của Chính quyền Trump.

Theo điều kiện cơ bản, các chính sách kinh tế vĩ mô sẽ tiếp tục phát huy tác dụng và nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục phục hồi. Dự kiến nền kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 4,9% trong năm 2024 và 4,8% trong năm 2025.

Theo kịch bản lạc quan, thị trường bất động sản ngừng suy giảm và các biện pháp cải cách đã mang lại động lực mới. Nền kinh tế dự kiến sẽ tăng trưởng 5,0% trong năm 2024 và 5,2% trong năm 2025. Theo kịch bản bi quan, sự điều chỉnh của thị trường bất động sản không được như mong đợi và tác động do các biện pháp thuế quan của Trump, nên nền kinh tế dự kiến sẽ tăng trưởng 4,8% trong năm 2024 và 4,6% trong năm 2025.

Trần Quyên

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here