Dự báo cho năm 2025, thu hút FDI vẫn rất tốt nhờ sự tin tưởng của các nhà đầu tư vào nội lực của kinh tế Việt Nam.
Ngày 12/12, Báo Người Lao động tổ chức Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2024, phiên thứ 4 với chủ đề “Động lực cho doanh nghiệp trong bối cảnh mới” tại , tại TP. Hồ Chí Minh.
Tại đây, TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính – Tiền tệ quốc gia, nền kinh tế Việt Nam đã phục hồi rất tích cực trong năm nay, khả năng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt 7% là hoàn toàn khả thi.
Trong 11 tháng, các chỉ số về đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu ròng, tín dụng đều phục hồi so với cùng kỳ. Trong khi đó, lạm phát, tỷ giá tăng nhưng sẽ giảm dần, đặc biệt là rủi ro tài khóa ở mức trung bình liên quan đến nợ công, nợ tư nhân ở mức thấp. Nợ xấu tăng nhưng vẫn trong tầm kiểm soát…
Dù vậy, Việt Nam cần có các chính sách thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đột phá hơn nữa trong bối cảnh vốn đăng ký mới chỉ tăng 1% so với cùng kỳ.
Số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, tính chung 11 tháng năm 2024, tổng vốn đăng ký mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt gần 31,4 tỷ USD, tăng 1% so với cùng kỳ năm 2023. Về vốn thực hiện, tính đến 30/11, các dự án đầu tư nước ngoài ước tính đã giải ngân được khoảng khoảng 21,68 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2023.
Phân tích về dữ liệu FDI trong năm nay, GS. TS. Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội cho rằng, dù số vốn FDI đăng ký mới trong 11 tháng chỉ tăng 1%, tuy nhiên nhìn lại cùng kỳ năm 2023, mức tăng này lên tới 32%. Do đó, việc năm nay tăng tiếp 1%, chứng tỏ thu hút FDI vẫn rất tốt.
“Trong 30 năm qua, dù thu hút FDI còn có những vấn đề chưa hài lòng, nhưng rõ ràng FDI đã ảnh hưởng tích cực đến nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là xuất khẩu, khi FDI chiếm tới 70% kim ngạch xuất khẩu. Đặc biệt, mỗi khi kinh tế có sự phát triển đột phá, chủ yếu là nhờ vào xuất khẩu. Dự báo cho năm 2025, thu hút FDI vẫn rất tốt nhờ sự tin tưởng của các nhà đầu tư vào nội lực của kinh tế Việt Nam”, GS. TS. Hoàng Văn Cường khẳng định.
Về các chỉ tiêu, mục tiêu của Quốc hội đề ra tăng trưởng từ 6,5-7% nhưng Chính phủ mong muốn tăng trưởng 8% và mới đây đặt mục tiêu tăng trưởng 2 con số. Điều này là có cơ sở, vì kinh tế Việt Nam hiện nay đang quay lại giai đoạn tăng trưởng mạnh của năm 2016-2019.
Vị GS.TS này nhận thấy, các yếu tố khác như tỷ giá ổn định cũng giúp các nhà đầu tư yên tâm. Các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế liên tục tăng hạng cho Việt Nam, gần đây nhất là Ba2, BB.
“Việt Nam cũng khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) và trong thời gian tới sẽ tiếp tục đa dạng hóa thị trường, hạn chế rủi ro khi xuất khẩu tập trung vào một số thị trường như trước đây. Việt Nam cũng tập trung đang tháo gỡ các vấn đề về chi phí logistics để thu hút FDI”, ông Cường nêu rõ.
Cũng theo vị chuyên gia này, xu hướng đầu tư FDI đang có sự thay đổi nhiều. Nếu trước đây, nhà đầu tư chủ yếu tìm khu vực có lao động giá rẻ, thì ngày nay lại chủ yếu đầu tư vào khoa học công nghệ và công nghệ cao. Đây sẽ là động lực giúp Việt Nam có thể tăng trưởng 2 con số trong thoài gian tới.
Bên cạnh đó, các dự án luật thông qua mới đây cũng sẽ tháo gỡ các điểm nghẽn, tạo động lực phát triển kinh tế.
Giới chuyên gia cũng dự báo, dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam sẽ có nhiều điểm đáng chú ý trong thời gian tới, nhất là sau khi ông Donald Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ.
PGS.TS. Phạm Thị Thu Trà, Chủ nhiệm nhóm bộ môn Kinh tế và Tài chính, Đại học RMIT Việt Nam khẳng định, với chính sách đối ngoại cứng rắn của ông Donald Trump, xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng sẽ càng mạnh mẽ hơn, mang lại lợi ích cho Việt Nam.
Khi các tập đoàn quốc tế chuyển chuỗi cung ứng và nhà máy sản xuất sang Việt Nam, doanh nghiệp Việt có cơ hội lớn để mở rộng hợp tác, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu và nâng cao vị thế.
PGS.TS. Phạm Thị Thu Trà nhận định: “Những cơ hội lớn bao gồm việc cung cấp sản phẩm và dịch vụ cho các tập đoàn lớn, đặc biệt là nếu có thể tham gia vào chuỗi giá trị xanh và bền vững. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp Việt tiếp cận các kỹ năng, phương pháp quản lý tiên tiến và khai thác các cơ hội sản xuất theo tiêu chuẩn chuỗi giá trị toàn cầu”.
Điều cốt lõi là Việt Nam cần nâng tầm vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu, không chỉ dừng lại ở công đoạn gia công lắp ráp. “Nếu các doanh nghiệp Việt Nam không kịp thời chuyển mình, xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng sang Việt Nam – vốn có thể được thúc đẩy bởi đường lối đối ngoại của ông Trump – có nguy cơ dẫn đến một vấn đề nghiêm trọng: tỷ trọng của các ngành công nghiệp giá trị thấp sẽ tiếp tục gia tăng”, bà Phạm Thị Thu Trà nói.
Gia Thành