Dự báo quan hệ kinh tế Việt Nam – Hoa Kỳ: Trụ cột thương mại – đầu tư tiếp tục đóng vai trò động lực

0
20
Việt Nam đã vươn lên trở thành đối tác thương mại lớn thứ 8 của Hoa Kỳ. Ngược lại, Việt Nam là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của Hoa Kỳ tại khu vực ASEAN. (Nguồn: VOV)

Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Hoa Kỳ. Bởi vậy, những chính sách kinh tế mới của Tổng thống đắc cử Donald Trump được không chỉ cộng đồng doanh nghiệp quan tâm và giới phân tích, truyền thông theo sát.

Theo số liệu của Hải quan Việt Nam tính đến tháng 10/2024, tổng kim ngạch thương mại song phương Việt Nam – Hoa Kỳ đạt xấp xỉ 111 tỷ USD (tăng 22,5% so với cùng kỳ); trong đó thặng dư thương mại của Việt Nam với Hoa Kỳ đạt 86,5 tỷ USD (tăng 27,4% so với cùng kỳ). Thông tin từ Tổng cục Thống kê Hoa Kỳ, tính đến tháng 9/2024, Việt Nam đã vươn lên trở thành đối tác thương mại lớn thứ 8 (cùng kỳ năm 2023 đứng thứ 10) của Hoa Kỳ. Hàng hoá Việt Nam hiện chiếm 4,13% tổng kim ngạch nhập khẩu của Hoa Kỳ.

Ngược lại, Việt Nam là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của Hoa Kỳ tại khu vực ASEAN.

Tính tới thời điểm hiện tại, Việt Nam là quốc gia có mức thặng dư thương mại lớn thứ 3 với Hoa Kỳ, chỉ sau Trung Quốc và Mexico. Việt Nam cũng là quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á lọt vào top 10 nước nhập khẩu nhiều nhất vào Hoa Kỳ. Không chỉ hàng hóa thuần tuý Việt Nam, Hoa Kỳ cũng lo ngại hoạt động chuyển hoá thương mại từ Trung Quốc sang Việt Nam nhằm tránh thuế.

Ở nhiệm kỳ đầu tiên, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã tập trung thực hiện chiến lược giảm thâm hụt thương mại; thúc đẩy các ngành công nghiệp trong nước và hướng thu hút đầu tư quay về Hoa Kỳ. Theo đó, chính quyền ông Trump sử dụng Đạo luật Thương mại của Hoa Kỳ để áp thuế đối với hàng hoá nhập khẩu, nhằm vào đối tác mà Hoa Kỳ bị thâm hụt thương mại lớn nhất là Trung Quốc. Các mức thuế này được Hoa Kỳ duy trì ngay cả dưới thời Tổng thống Joe Biden.

Với việc đắc cử Tổng thống lần thứ 2, nhiều chuyên gia dự báo, chính quyền Tổng thống Trump mới sẽ tiếp tục các chính sách ở nhiệm kỳ đầu tiên, thậm chí có nhiều biện pháp thuế quan cứng rắn hơn với hàng nhập khẩu. Một trong những động thái của ông Trump sau đắc cử là thông báo sẽ áp thuế 25% đối hàng hoá từ Canada và Mexico; đồng thời áp thuế bổ sung 10% lên hàng hoá nhập khẩu Trung Quốc. Mặc dù chưa chính thức ban hành nhưng đây được xem là dấu hiệu cho thấy thương mại toàn cầu sắp tới sẽ có nhiều “sóng gió”.

Ông Eugene Laney – Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Hiệp hội Xuất nhập khẩu Hoa Kỳ (AAEI) khi tham gia trực tuyến Diễn đàn hợp tác Việt Nam – Hoa Kỳ do Bộ Công Thương tổ chức mới đây đã bình luận: “Chính quyền Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống Trump đặc biệt ưu tiên đến thúc đẩy sản xuất, kêu gọi các doanh nghiệp quay về đầu tư trong nước, tạo việc làm cho người dân. Do đó, họ nỗ lực khống chế các quan hệ thương mại mất cân bằng khi mà Hoa Kỳ nhập siêu quá nhiều từ đối tác”.

Nói cách khác, chính quyền mới của ông Trump có xu hướng coi thương mại như một “bệnh nhân” ốm yếu cần phải chữa trị. Liều thuốc chính là áp thuế lên hàng hoá nhập khẩu. Mục tiêu thương mại tự do mà thế giới hướng đến bị xem là thách thức đối với thương mại công bằng của Hoa Kỳ. Trong bối cảnh đó, nhiều công ty có xu hướng quay về đầu tư sản xuất tại Hoa Kỳ để tránh các rủi ro về thuế, chính sách thương mại thay đổi liên tục của chính quyền.

Bà Barbara Weisel – nguyên Trợ lý Đại diện Thương mại Hoa Kỳ, phân tích thêm, ngay từ khi thực hiện chiến dịch tranh cử Tổng thống lần thứ 2, ông Donald Trump đã đe doạ tăng thêm 10 – 60% thuế đối hàng Trung Quốc, 25% với Canada và Mexico; đồng thời xem xét áp dụng mức 10% cho thuế thương mại tối thiểu toàn cầu. Đây không đơn thuần là lời nói suông bởi thực tế ông Trump có rất nhiều quyền hành đối với chính sách thương mại quốc tế nếu nhận thấy việc này ảnh hưởng đến nền kinh tế của Hoa Kỳ.

“Ưu tiên số một của chính quyền Trump 2.0 là cân đối thương mại toàn cầu, không triệt tiêu nhập khẩu bởi điều đó là không thể nhưng sẽ tìm biện pháp giảm sức cạnh tranh của hàng nhập khẩu với hàng sản xuất nội địa. Đồng thời, việc tăng thuế quan nhập khẩu cũng được xem là nguồn thu bù đắp cho việc giảm thuế trong nước nhằm củng cố sản xuất nội địa. Vì vậy, thách thức mới trên mặt trận thương mại là có thật và sẽ xảy ra”, bà Barbara Weisel nhấn mạnh.

Nhận định về tương lai quan hệ thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ, bà Anne Benjaminson, Quyền Tổng Lãnh sự Hợp chúng quốc Hoa Kỳ tại TP. Hồ Chí Minh khẳng định, mối liên kết chặt chẽ của hai nền kinh tế và vai trò ngày càng quan trọng của Việt Nam trong các chuỗi cung ứng/ chuỗi giá trị toàn cầu; đồng thời bày tỏ hy vọng quan hệ song phương sẽ bước lên tầm cao mới, ngày càng thực chất và hiệu quả vì sự thịnh vượng chung của cả hai quốc gia.

Theo bà Anne Benjaminson, Việt Nam là đối tác quan trọng đối với chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ, đồng thời là một mắt xích thiết yếu trong chuỗi cung ứng toàn cầu. 2024, hai nước đã trao đổi nhiều phái đoàn doanh nghiệp lớn. Ngoài ra, hai nước cũng đã tổ chức thành công Đối thoại Kinh tế Đối tác Chiến lược Toàn diện, một diễn đàn mới để hai bên thảo luận về hợp tác kinh tế và chính sách. Bên cạnh đó, Phái đoàn Hoa Kỳ đang cùng hợp tác để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng sạch ở Việt Nam.

“Chúng tôi đang song hành cùng Việt Nam cải thiện năng lực quy hoạch và vận hành năng lượng, khuyến khích và huy động đầu tư tư nhân vào các dự án năng lượng sạch tiềm năng và tài trợ cho các nghiên cứu khả thi để phát triển cơ sở hạ tầng điện thiết yếu, cũng như giới thiệu các công nghệ tiên tiến và tiên phong như hệ thống pin lưu trữ năng lượng”, bà Anne Benjaminson nhấn mạnh.

Song song đó, Hoa Kỳ cũng đang đẩy mạnh hợp tác với Việt Nam để phát triển lĩnh vực thương mại số nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều doanh nghiệp thuộc mọi quy mô có thể bán sản phẩm trực tuyến và tiếp cận các thị trường mới. Điển hình cho việc hợp tác này là Biên bản ghi nhớ được ký kết gần đây giữa Cơ quan USAID và Bộ Công thương nhằm thực hiện một chương trình trị giá 3,2 triệu USD tập trung vào đẩy mạnh hoạt động thương mại số.

Ngoài ra, Hoa Kỳ cũng đang tăng cường đào tạo kỹ năng kỹ thuật và phát triển nhân lực thông qua mở rộng quan hệ đối tác hợp tác công-tư giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Tháng 9/2024, Hoa Kỳ đã khởi động chương trình tăng tốc đào tạo nhân lực tại Hà Nội và TP.HCM nhằm nâng cao năng lực ngành bán dẫn.

Ngoài ra, theo Đại diện Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), ông Juan Pablo Feregrino đánh giá quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực, cả khu vực công và tư của Hoa Kỳ đều sẵn sàng tăng cường hợp tác với Việt Nam trong các sáng kiến mới, các lĩnh vực tiềm năng và phù hợp với xu hướng phát triển bền vững hiện nay như kinh tế số, thương mại điện tử, năng lượng, y tế, giáo dục, dịch vụ tài chính.

Việc hai nước chính thức tuyên bố nâng cấp quan hệ lên mức đối tác chiến lược toàn diện vào tháng 9/2023 tạo nền tảng vững chắc, giúp hợp tác giữa hai nước đi vào chiều sâu, thực chất trên tất cả các trụ cột, trong đó trụ cột kinh tế – thương mại – đầu tư tiếp tục đóng vai trò là động lực thúc đẩy quan hệ hai nước.

BOX

Theo số liệu của Cục Thống kê Hoa Kỳ (US Census of Bureau), tính đến hết tháng 10 năm 2024, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Hoa Kỳ với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt khoảng 123,2 tỷ USD tăng 19,3% so với năm 2023. Xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt 112,7 tỷ USD; nhập khẩu từ Hoa Kỳ đạt 10,5 tỷ USD, tăng 29,4% so với cùng kỳ năm 2023. Việt Nam xuất siêu sang Hoa Kỳ 102,2 tỷ USD và xếp thứ 3 trong số các nước có thặng dư thương mại lớn nhất với Hoa Kỳ (sau Trung Quốc và Mexico).

Nhìn chung, so với cùng thời điểm của năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã hồi phục mạnh mẽ, dần quay lại đà tăng trưởng ổn định như năm 2022. Một số mặt hàng trong top 15 xuất khẩu của Việt Nam có kim ngạch tăng trưởng tốt (trên 20%) là: đồ gỗ nội thất; máy móc, thiết bị quang học, đo lường y tế; các loại máy văn phòng, máy in; dụng cụ thiết bị cầm tay, khí nén thủy lực; giày dép; cao su và sản phẩm cao su; nhựa và sản phẩm nhựa; sắt và thép. Một số mặt hàng nhập khẩu từ Hoa Kỳ có tốc độ tăng trưởng cao (trên 20%) là: máy móc, thiết bị điện tử; Thức ăn gia súc, phế phẩm thực phẩm; Nhựa và sản phẩm nhựa; Quả và quả hạch ăn được; Thịt.

Theo số liệu của Hải quan Việt Nam tính đến hết tháng 10 năm 2024, tổng kim ngạch trao đổi thương mại song phương đạt xấp xỉ 111 tỷ USD (tăng 22,5% so với cùng kỳ 2023), trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ 98,7 tỷ USD (tăng 24,6% so với cùng kỳ 2023; chiếm tỷ trọng 29,4% tổng XK); nhập khẩu từ Hoa Kỳ 12,2 tỷ USD (tăng 7,9 % so với cùng kỳ 2023, chiếm tỷ trọng 3,9% tổng NK). Việt Nam xuất siêu 86,5 tỷ USD.

Chu Văn

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here