Bạc Liêu đẩy mạnh 5 trụ cột và 3 đột phá trong phát triển kinh tế – xã hội

0
22

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều, năm 2024 là năm “nước rút”, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị mà nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021 – 2025.

Theo UBND tỉnh Bạc Liêu, trong năm 2024, trong bối cảnh có nhiều thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen và đối mặt với rất nhiều thách thức, song nhờ sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương, sự quyết tâm, nỗ lực của toàn Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp nên tình hình kinh tế, xã hội của tỉnh Bạc Liêu vẫn đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế cả năm của tỉnh Bạc Liêu đạt 6,62% so cùng kỳ (không đạt Nghị quyết đề ra 9-10%), xếp thứ 10/13 tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long. Hoạt động sản xuất kinh doanh tăng ở cả ba khu vực kinh tế; Tổng giá trị sản phẩm trong tỉnh (GRDP) theo giá hiện hành ước đạt 65.625,190 tỷ đồng.

Trong đó: Khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản chiếm 41,74%, công nghiệp – xây dựng chiếm 16,84% và dịch vụ chiếm 36,58% trong GRDP. Tổng sản phẩm GRDP bình quân đầu người ước đạt 70,66 triệu đồng/người/năm (đạt 94,93% chỉ tiêu Nghị quyết đề ra).

Cơ cấu kinh tế tiếp tục có sự chuyển dịch đúng hướng: lĩnh vực nông nghiệp, sản lượng lúa và thủy sản đều đạt và vượt kế hoạch; công nghiệp có mức tăng trưởng khá, hiện tỉnh có 8 dự án điện gió tổng công suất 469 MW đang vận hành ổn định, với sản lượng điện ước đạt 1 tỷ 358 triệu kWh, tăng 7,42% so cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu đạt 1 tỷ 180 triệu USD…

Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cũng cho biết, trong năm 2025, tỉnh Bạc Liêu đặt mục tiêu đạt tăng trưởng kinh tế đạt từ 8-9 %; kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 1,2 triệu USD; GRDP bình quân đầu người: 79 triệu đồng/người/năm; sản lượng lúa đạt trên 1,2 triệu tấn; sản lượng thủy sản 600.000 tấn, trong đó, sản lượng tôm 341.000 tấn; tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 45%….

Để hoàn thành các mục tiêu trên, Bạc Liêu đưa ra 14 giải pháp cụ thể, cả hệ thống chính trị sẽ phải nỗ lực, đoàn kết, tiếp tục tập trung đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả 5 trụ cột và 3 đột phá trong phát triển kinh tế – xã hội đã được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra; thúc đẩy kinh tế – xã hội của tỉnh phát triển nhanh và bền vững; sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực.

Tỉnh cũng sẽ đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Cơ cấu lại các ngành sản xuất và dịch vụ theo hướng hiện đại, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả.

Đặc biệt, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ kinh tế số, xã hội số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thương mại điện tử, các mô hình kinh doanh mới, hiệu quả; tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng các xã đạt tiêu chí nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu theo hướng chất lượng và bền vững, từng bước thu hẹp khoảng cách về phát triển giữa đô thị và nông thôn…

“Trong năm 2025, Bạc Liêu sẽ đẩy mạnh phát triển các sản phẩm công nghiệp thế mạnh, đột phá là công nghiệp năng lượng tái tạo, điện khí, công nghiệp chế biến thủy hải sản. Tập trung hỗ trợ nhà đầu tư tháo gỡ các khó khăn để đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án kinh tế động lực như: Dự án Điện khí LNG Bạc Liêu; nhà máy Điện gió Bạc Liêu giai đoạn III; dự án Nhà máy Điện gió Nhật Bản – Bạc Liêu và các dự án nguồn điện và lưới điện khác đã được phê duyệt.

Đồng thời, Bạc Liêu xây dựng lộ trình triển khai thực hiện các dự án điện gió mới đến năm 2030, với tổng công suất được phân bổ là 550 MW; chủ động thực hiện các điều kiện cần thiết để xuất khẩu nguồn năng lượng tái tạo…”, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều nhấn mạnh.

Ngoài ra, tỉnh cũng tập trung thực hiện các giải pháp phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; kết nối có hiệu quả cung – cầu lao động, tạo nhiều việc làm và việc làm bền vững cho người lao động, nhất là xuất khẩu lao động.

Trọng tâm là thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, phúc lợi xã hội, giảm nghèo bền vững, chính sách an sinh xã hội, chăm sóc trẻ em, bình đẳng giới, chính sách dân tộc, tôn giáo, nhất là đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số…

Khánh Ly

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here