Nguy cơ xảy ra chiến tranh thương mại toàn diện đến đâu?

0
42
Các hạn chế về thương mại cũng gia tăng trong thời gian qua và Mỹ không phải là quốc gia duy nhất thúc đẩy xu hướng này. (Nguồn: The Economic Times)

Trang The Edge Malaysia bình luận, việc ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng không phải là yếu tố duy nhất làm tăng nguy cơ xảy ra chiến tranh thương mại toàn diện.

Các hạn chế về thương mại cũng gia tăng trong thời gian qua và Mỹ không phải là quốc gia duy nhất thúc đẩy xu hướng này. Tuy nhiên, Trump sẽ sớm lãnh đạo nền kinh tế lớn nhất và cũng là nhà nhập khẩu lớn nhất thế giới. Vì vậy, hành động của Mỹ có tác động rất lớn đến phần còn lại của thế giới. Rủi ro càng lớn hơn vì Trump thực sự tin vào thuế quan. Nhiệm kỳ đầu tiên của ông đã chứng kiến mức tăng thuế quan lớn đối với Trung Quốc và nhiều quốc gia khác.

Kinh nghiệm của những năm 1930 là lời cảnh báo phải nghiêm túc xem xét rủi ro này. Vào thời điểm đó, Quốc hội Mỹ đã thông qua Đạo luật Smoot-Hawley, tăng mức thuế quan vốn đã cao thêm 20%. Hầu như tất cả các nền kinh tế lớn lúc đó đều trả đũa, thương mại thế giới lao dốc, đẩy nền kinh tế toàn cầu vốn mong manh vào cuộc suy thoái lớn. Liệu điều này có xảy ra một lần nữa hay không phụ thuộc vào một số yếu tố, gồm mức tăng thuế quan thực sự của Trump, sự trả đũa của các quốc gia khác và liệu có các biện pháp can thiệp chính sách nào để chống lại tác động suy thoái của cuộc chiến thương mại hay không. Nhìn chung, những yếu tố này báo hiệu kết quả tồi tệ vào năm 2025.

Donald Trump nghiêm túc với ý định của mình, thuế quan sẽ tăng đáng kể vào đầu nhiệm kỳ của Chính quyền Mỹ mới

Một số người tin rằng Trump sẽ không thực hiện lời hứa tăng thuế quan của mình, sẽ đàm phán một cách cứng rắn nhưng tránh tăng thuế quan cực đoan. Mặc dù ông ít có khả năng áp dụng ngay mức thuế 60% đối với Trung Quốc như ông đã đe dọa, nhưng hàng hóa nước này chắc chắn sẽ phải đối mặt với mức tăng thuế mạnh. Chính quyền của ông cũng sẽ áp dụng mức thuế chung khiêm tốn đối với tất cả hàng hóa của các quốc gia khác. Quốc hội Mỹ cũng có thể thông qua luật đã soạn thảo để tước bỏ quy chế tối huệ quốc của Trung Quốc và tự động tăng thuế đối với tất cả hàng hóa của Trung Quốc. Thỏa thuận thương mại Mỹ-Mexico-Canada cũng sẽ được yêu cầu xem xét lại.

Có nhiều lý do khiến Trump hành động quyết liệt. Đầu tiên, thâm hụt thương mại của Mỹ đối với hàng hóa và dịch vụ đã ở mức kỷ lục, chưa tính đến thâm hụt khổng lồ trong thời kỳ đại dịch COVID-19. Trump tin rằng thâm hụt như vậy là hậu quả của các chính sách không công bằng mà các đối tác thương mại của Mỹ theo đuổi. Điều này biện minh cho các biện pháp đối phó quyết liệt.

Thứ hai, tính cạnh tranh của Trung Quốc đã tăng cao trong các ngành công nghiệp của tương lai như xe điện, pin và tấm pin mặt trời. Giai đoạn bảo hộ thuế quan được coi là cần thiết để cho phép các công ty Mỹ xây dựng khả năng cạnh tranh trong các lĩnh vực chiến lược này. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã sử dụng thuế quan một cách hạn chế, ưa thích sử dụng các chính sách công nghiệp như trợ cấp cho các công ty đầu tư vào các lĩnh vực đó để chống lại Trung Quốc. Tuy nhiên, Trump đã tuyên bố sẽ bãi bỏ hầu hết các sáng kiến của Biden và giữ lại thuế quan như là công cụ duy nhất mà ông có thể sử dụng.

Thứ ba, các nhà đàm phán thương mại Mỹ biết rằng Mỹ là nền kinh tế lớn duy nhất hiện đang phát triển sôi động, khiến các quốc gia xuất khẩu phụ thuộc rất nhiều vào họ. Nền kinh tế châu Âu đang gặp khó khăn, bị ảnh hưởng bởi giá năng lượng cao, điều kiện tiền tệ thắt chặt hơn, bất ổn chính trị trong nước và tác động lan tỏa từ cuộc chiến Ukraine. Nền kinh tế yếu kém của Nhật Bản hiện phải chịu thêm gánh nặng bất ổn chính trị. Nền kinh tế Trung Quốc có thể đang ổn định nhưng vẫn mong manh và không có khả năng tăng thêm nhiều nhu cầu nhập khẩu. Do đó, Mỹ đang ở vị thế mạnh mẽ để yêu cầu nhượng bộ thương mại.

Thứ tư, Trump cũng có kế hoạch cắt giảm thuế lớn mà sẽ làm giảm doanh thu của chính phủ. Mặc dù các đồng minh của ông đang hứa hẹn cắt giảm mạnh chi tiêu của chính phủ, nhưng không ai thực sự trông đợi điều này sẽ trở thành hiện thực do phản ứng chính trị sẽ là quá lớn. Do đó, Trump cần nguồn doanh thu mới để tránh làm mất ổn định thâm hụt ngân sách. Mặc dù hầu hết giới kinh tế ước tính rằng thuế quan rất khó mang lại đủ doanh thu để bù đắp cho việc cắt giảm thuế, nhưng Trump lại tin rằng có thể.

Cuối cùng, vì hầu hết các đối tác thương mại của Mỹ đều dựa vào “chiếc ô” an ninh của nước này ngoại trừ Trung Quốc, nhóm của Trump tin rằng châu Âu và Nhật Bản sẽ nhượng bộ trước các yêu cầu của ông khi thuế quan được tăng lên.

Các quốc gia sẽ trả đũa, dẫn tới viễn cảnh bảo hộ mậu dịch “ăn miếng trả miếng”

Trung Quốc đã nhiều lần tuyên bố sẽ trả đũa bất kỳ đợt tăng thuế quan nào của Mỹ bằng các hạn chế thương mại riêng. Châu Âu và Mexico cũng đã công khai tuyên bố quyết tâm đẩy lùi Mỹ. Về phần mình, Trump đã chỉ ra rằng sự trả đũa như vậy sẽ phải đối mặt với các hạn chế thương mại thậm chí còn quyết liệt hơn. Các cường quốc thương mại toàn cầu sẽ áp thuế và trả đũa lẫn nhau trong một giai đoạn kéo dài nhiều tháng hoặc lâu hơn.

Lý do rất đơn giản. Không quốc gia nào trong số đó muốn đầu hàng và cam chịu áp lực của Mỹ. Hơn nữa, việc khuất phục trước hành vi bắt nạt của Mỹ sẽ gây tổn hại đến vị thế của Chủ tịch Tập Cận Bình tại Trung Quốc, làm suy yếu tuyên bố của ông về vai trò người bảo vệ vĩ đại cho các lợi ích của Trung Quốc. Áp dụng thuế quan đối với Mỹ cũng sẽ mang lại cho các quốc gia này sức mạnh thương lượng nhất định trước Mỹ.

Tuy nhiên mọi việc sẽ không chỉ dừng lại ở đó. Chủ nghĩa bảo hộ đã tràn lan trong nền kinh tế thế giới. Báo cáo của Ngân hàng thế giới (WB) cho thấy số lượng các hạn chế thương mại như thuế quan và cấm xuất khẩu đã tăng gấp 4 lần kể từ năm 2020, đạt mức cao kỷ lục vào năm 2022 và 2023. Một khi đã nhận thấy rõ Mỹ đang gạt bỏ sự thận trọng và viện đến thuế quan quy mô lớn, nhiều quốc gia khác theo xu hướng bảo hộ có thể sẽ hưởng ứng hành động của Mỹ.

Trung Quốc đang gặp phải nguy cơ đặc biệt. Thị phần xuất khẩu của nước này tiếp tục tăng trong khi thị phần nhập khẩu đã đạt đỉnh và đang giảm xuống. Điều đó khiến Trung Quốc có vẻ như đang theo đuổi các thông lệ không công bằng. Thặng dư thương mại của Trung Quốc cũng đang tăng vọt. Năm 2024 có khả năng sẽ kết thúc với việc thặng dư thương mại của Trung Quốc đạt mức kỷ lục khoảng 1.000 tỷ USD. Hơn nữa, khoản đầu tư công nghiệp lớn hiện đang được triển khai ở Trung Quốc sẽ khiến năng lực công nghiệp vượt xa nhu cầu trong nước những năm tới. Xuất khẩu sẽ tiếp tục tăng vọt, làm gia tăng tâm lý phản đối Trung Quốc. Vấn đề là hệ sinh thái hiệu quả độc đáo của Trung Quốc khiến hàng xuất khẩu của nước này trở nên siêu cạnh tranh. Quy mô kinh tế rất lớn của nước này cũng có nghĩa là sự gia tăng xuất khẩu của họ có thể gây tổn hại rất lớn tới đối thủ cạnh tranh ở các nước nhập khẩu.

Đây là lý do khiến nhiều quốc gia áp dụng các biện pháp hạn chế thương mại đối với hàng xuất khẩu của Trung Quốc trong những tháng gần đây. Nhiều quốc gia trong số này là bạn bè của Trung Quốc như Thái Lan, Indonesia, Brazil, Mexico và Nam Phi. Tuy nhiên, khi các nhà sản xuất nội địa ở các nước này trong những lĩnh vực như thép hoặc hàng tiêu dùng bị thua lỗ, giới lãnh đạo chính trị cảm thấy cần phải phản ứng để bảo vệ doanh nghiệp của mình.

Tác động của cuộc chiến thương mại là gì?
Mức độ ảnh hưởng nặng nề mà nền kinh tế thế giới phải gánh chịu do chủ nghĩa bảo hộ đang mở rộng sẽ phụ thuộc vào 3 yếu tố, bao gồm mức độ dễ bị tổn thương của nền kinh tế thế giới; sức mạnh của các yếu tố bù trừ thúc đẩy tăng trưởng; và không gian chính sách mà các chính phủ cần có để sử dụng biện pháp kích thích trong nước nhằm chống lại suy giảm thương mại.

Về yếu tố đầu tiên, nền kinh tế thế giới hiện không đủ mạnh mẽ; một cú sốc thương mại có thể đẩy nền kinh tế vào tình trạng suy thoái đau đớn. Không rõ khả năng chống chịu phi thường của nền kinh tế Mỹ có thể được duy trì hay không, ngay cả khi các biện pháp cắt giảm thuế mà Trump đã hứa sẽ giúp thúc đẩy nhu cầu. Việc thắt chặt tiền tệ trong 2 năm qua sẽ là yếu tố cản trở, vì sẽ có thêm các công ty phải tái cấp vốn cho các khoản vay với lãi suất cao hơn nhiều. Hơn nữa, thuế quan và chính sách tài khóa lỏng lẻo của Trump có khả năng làm tăng lạm phát. Vì vậy, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ không cắt giảm lãi suất nhiều như dự kiến. Hơn nữa, các động thái cấp tiến khác do Trump lên kế hoạch, như đàn áp người nhập cư bất hợp pháp và hủy bỏ các ưu đãi lớn của Biden về tái công nghiệp hóa, sẽ gây bất ổn lớn, từ đó khiến chi tiêu vốn suy yếu. Việc Trump cắt giảm thuế cũng có khả năng làm gia tăng thâm hụt ngân sách và đẩy lợi suất trái phiếu lên cao, làm tăng chi phí đi vay và làm chậm lại nền kinh tế.

Nền kinh tế Trung Quốc dường như cũng đang ổn định trở lại sau khi tăng cường các biện pháp hỗ trợ. Tuy nhiên, sự phục hồi còn hạn chế và vẫn còn nhiều trở ngại lớn do những biến động trên thị trường bất động sản, kỳ vọng thấp khiến người tiêu dùng và các công ty giảm vay thay vì vay vốn để mở rộng năng lực. Trong khi đó, nền kinh tế châu Âu và Nhật Bản vẫn khá yếu.

Có một số động lực tích cực có thể hỗ trợ tăng trưởng, nhưng không rõ chúng có đủ để bù đắp hay không. Ví dụ, giá dầu đã giảm gần đây, giải tỏa phần nào cho các nước nhập khẩu dầu nhờ giảm chi phí năng lượng. Tuy nhiên, việc giá dầu có thể tiếp tục hỗ trợ tăng trưởng toàn cầu hay không phụ thuộc vào tình hình Trung Đông ổn định. Nếu cuộc xung đột giữa Israel và Iran leo thang, giá dầu sẽ tăng vọt.

Sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo và lợi nhuận cao từ những tiến bộ khác như trong lĩnh vực y sinh hoặc năng lượng tái tạo cũng đang khuyến khích chi tiêu vốn khá ấn tượng. Tuy nhiên, các công ty cũng có thể sẽ chọn chờ xem chiến tranh thương mại diễn ra như thế nào trước khi cam kết đầu tư.

Đương nhiên, các chính phủ có khả năng phản ứng trước suy thoái do thương mại gây ra bằng cách cắt giảm lãi suất và tăng chi tiêu tài chính. Trung Quốc vẫn còn nhiều dư địa để tăng đầu tư công và cung cấp các ưu đãi cho người tiêu dùng chi tiêu nhiều hơn. Tuy nhiên, liệu các gói kích thích tài chính khả thi trên thực tế có đủ để vượt qua một cú sốc thương mại rất lớn hay không vẫn còn là vấn đề gây tranh cãi.

Rủi ro theo hướng tiêu cực

Về cơ bản, Trump nghiêm túc trong việc áp dụng thuế quan mạnh mẽ trên diện rộng. Điều này sẽ kích động trả đũa và dẫn tới chiến tranh thương mại. Các yếu tố bù đắp có khả năng giảm tác động đến nền kinh tế thế giới có lẽ không đủ mạnh. Thiệt hại tiềm tàng đối với các quốc gia trong khu vực phụ thuộc vào thương mại và đầu tư sẽ rất đáng kể. Mỹ có khả năng nhắm mục tiêu vào các quốc gia như Việt Nam, vốn đã chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ hàng xuất khẩu sang Mỹ.

Với mức độ rủi ro lớn trong năm 2025, phản ứng mạnh mẽ là rất quan trọng. Đầu tiên, vì thuế quan được sử dụng để đe dọa các quốc gia phải nhượng bộ nên việc đưa ra phản ứng tập thể sẽ hữu ích, bởi xét cho cùng sức mạnh nằm trong tay số đông. Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cần vượt qua những bất đồng quan điểm trong khu vực về chính sách thương mại và thúc đẩy phản ứng chung. Khối có thể tận dụng tầm quan trọng chiến lược của khu vực đối với Mỹ và Trung Quốc để được đối xử tốt hơn trong thương mại.

Thứ hai, các quốc gia riêng lẻ cần sử dụng chính sách tài khóa một cách mạnh mẽ để thúc đẩy nhu cầu. Các ngân hàng trung ương có thể nới lỏng chính sách tiền tệ nhưng có thể có rất ít dư địa để cắt giảm lãi suất do rủi ro tiền tệ. Khi áp dụng thuế quan đối với Trung Quốc, đồng nhân dân tệ có khả năng suy yếu. Điều đó sẽ tạo ra nhiều áp lực giảm hơn nữa đối với các loại tiền tệ trong khu vực và đây không phải là bối cảnh thuận lợi cho việc nới lỏng của ngân hàng trung ương. Do đó, gánh nặng sẽ phải đổ lên chính sách tài khóa.

Cuối cùng, các nhà hoạch định chính sách khu vực nên mở rộng nỗ lực để đảm bảo rằng đầu tư nước ngoài tiếp tục đổ vào khu vực. Xung đột thương mại có lẽ sẽ đẩy nhanh quá trình di dời hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc, mà kết quả là Đông Nam Á đã chứng kiến sự gia tăng đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, cần nỗ lực hơn nữa nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh và củng cố hệ sinh thái của mỗi quốc gia thông qua cải thiện cơ sở hạ tầng và nâng cao đào tạo lực lượng lao động nếu nhiều quốc gia trong khu vực muốn được hưởng lợi từ quá trình tái cơ cấu chuỗi cung ứng này.

Nói cách khác, đây sẽ là chặng đường khó khăn, nhưng khu vực chưa phải đã mất năng lực hành động – những động thái chính sách phối hợp có thể giúp khu vực có thêm thời gian và giảm bớt tác động của các cú sốc thương mại.

Trần Quyên

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here