Chính sách kinh tế Trump 2.0 có phải là “cơn ác mộng” đối với Bắc Kinh?

0
43
Các học giả và nhà quan sát, bao gồm cả người Trung Quốc, nhìn chung cho rằng Trump 2.0 sẽ gây áp lực lớn hơn đối với Trung Quốc. (Nguồn: Getty Images)

Về sự trở lại mạnh mẽ của cựu Tổng thống Donald Trump, các quốc gia dự đoán được sự ảnh hưởng đang chuẩn bị các biện pháp đối phó sau khi ông nhậm chức vào tháng 1/2025, trong đó Chính phủ Trung Quốc có thể đặc biệt bận rộn hơn trong giai đoạn từ nay đến khi chính thức chuyển giao quyền lực tại Mỹ.

Bắc Kinh phải có sự sắp xếp về nhiều mặt trong đối nội và đối ngoại để chuẩn bị cho những biến động có thể xảy ra trong quan hệ Mỹ-Trung sau khi Trump nhậm chức.

Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump không nói nhiều về Trung Quốc. Tuy nhiên, sau khi đắc cử, ông ra một tuyên bố gây chấn động là sẽ áp thuế lên tới 60% đối với tất cả hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ. Đồng thời, khi nhắc đến vấn đề Đài Loan, Trump cảnh cáo Bắc Kinh rằng nếu Trung Quốc tiến vào Đài Loan, mức thuế nêu trên sẽ tăng lên đến 150-200%. Tất nhiên, ông cũng không quên vài câu “tâng bốc” Tập Cận Bình, ca ngợi Tập Cận Bình là một nhà lãnh đạo tài ba và gọi ông này là “bạn cũ”.

Chính sách Trump 2.0 gây thêm sức ép đối với Trung Quốc?

Các học giả và nhà quan sát, bao gồm cả người Trung Quốc, nhìn chung cho rằng Trump 2.0 sẽ gây áp lực lớn hơn đối với Trung Quốc. Nếu các đề xuất về thuế quan của Trump được thực hiện đúng như ông tuyên bố, thương mại Mỹ-Trung sẽ bị ảnh hưởng lớn, gần như đồng nghĩa với việc cắt đứt quan hệ thương mại giữa hai nước. Đây cũng chính là chủ trương của Robert Lighthizer, Đại diện thương mại Mỹ trong nhiệm kỳ đầu tiên của Trump, người lãnh đạo cuộc chiến thương mại của Mỹ với Trung Quốc. Ông ủng hộ việc tách rời hoàn toàn kinh tế-thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, và Robert Lighthizer có thể một lần nữa quay trở lại đảm nhiệm chức vụ Đại diện thương mại Mỹ. Ngoài việc áp thuế cao đối với Trung Quốc, các tổ chức tư vấn bảo thủ thân đảng Cộng hòa trước đây còn kiến nghị Trump sau khi lên nắm quyền nên hủy bỏ quy chế tối huệ quốc đối với Trung Quốc. Nếu đề xuất này được thực hiện, chắc chắn sẽ gây thêm tổn hại cho nền kinh tế Trung Quốc.

Những người ủng hộ chính sách cứng rắn với Trung Quốc trong đội ngũ của Trump sẽ không chỉ tìm cách tách rời kinh tế khỏi Trung Quốc mà rất có thể sẽ tìm kiếm sự tách rời về mặt công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc, chuyển từ “sân nhỏ, tường cao” hiện nay của Chính quyền Biden sang “sân lớn, tường cao”. Ví dụ, khi hạn chế Trung Quốc tiếp cận công nghệ chip của Mỹ, không chỉ cấm bán chip cao cấp cho Trung Quốc mà còn cấm bán chip “trưởng thành” (những chip được sản xuất trên các quy trình công nghệ đã được phát triển và hoàn thiện trong nhiều năm – ND) cho nước này; về việc hạn chế tương tác ngoại giao với Trung Quốc, tăng cường đối đầu với Trung Quốc trong các vấn đề an ninh như Đài Loan, đồng thời áp đặt nhiều hạn chế hơn đối với giao lưu nhân dân và trao đổi văn hóa giữa hai nước; về mặt địa chính trị, trái ngược với việc có thể thu hẹp mặt trận ở các lĩnh vực và khu vực khác, Mỹ sẽ tăng cường hợp tác với các đồng minh ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và tiếp tục thúc đẩy chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nhằm kiềm chế, cân bằng Trung Quốc.

Tóm lại, theo quan điểm của nhiều học giả và giới quan sát chính thống của Trung Quốc, sau khi quay trở lại Nhà Trắng, Trump và những người thuộc phe diều hâu trong nội các của ông sẽ giữ lập trường thù địch đối với Trung Quốc, tăng cường cạnh tranh hơn nữa với Trung Quốc, bao vây và kiềm chế Trung Quốc từ mọi góc độ và cấp độ.

Trong 4 năm tới, quan hệ Mỹ-Trung sẽ có những biến động đáng kể, căng thẳng leo thang, đối đầu gia tăng và thậm chí có thể nổ ra một cuộc khủng hoảng lớn, hợp tác giữa hai bên trong quản trị toàn cầu và quan hệ song phương sẽ giảm sút đáng kể, các lĩnh vực và vấn đề hợp tác sẽ bị thu hẹp lại.

Điện chúc mừng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có gì?

Về viễn cảnh u ám của quan hệ Trung Mỹ, Trung Quốc đương nhiên cũng đã dự cảm được. Trong điện chúc mừng gửi tới Trump, Tập Cận Bình đặc biệt nhấn mạnh rằng Trung Quốc và Mỹ đều được hưởng lợi từ sự hợp tác và đều bị thiệt hại từ sự đối đầu, một mối quan hệ Mỹ-Trung ổn định, lành mạnh và bền vững phù hợp với lợi ích chung của cả hai nước và mong đợi của cộng đồng quốc tế; đồng thời bày tỏ hy vọng cả hai bên sẽ duy trì các nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau, chung sống hòa bình và hợp tác cùng có lợi, tăng cường đối thoại và kết nối, kiểm soát tốt những bất đồng, mở rộng hợp tác cùng có lợi và cùng bước trên con đường chung sống hòa hợp và đúng đắn trong thời đại mới.

Mặc dù thông điệp chúc mừng của Tập Cận Bình vẫn giữ quan điểm và lập trường nhất quán về quan hệ với Mỹ, nhưng vào thời điểm mà dư luận quốc tế tin rằng việc Trump đắc cử sẽ gây bất lợi hơn cho Trung Quốc, việc nhấn mạnh vào “đều được hưởng lợi từ sự hợp tác và đều bị thiệt hại từ sự đối đầu” cũng mang hàm ý cảnh báo Trump, cụ thể là nếu chính phủ mới của Trump nhất quyết áp đặt mức thuế cao và bao vây công nghệ đối với Trung Quốc, cũng như triển khai đối đầu toàn diện với Trung Quốc, thì nước này cũng sẵn sàng chiến đấu.

Quan điểm chung của dư luận và giới học giả Trung Quốc là: Sự trở lại mạnh mẽ của Trump trông có vẻ như là một mối đe dọa, nhưng thực tế không có gì đáng sợ, cũng chỉ là sự lặp lại của lần đầu tiên. Lý do khiến Trung Quốc và các nước khác “trở tay không kịp” trong nhiệm kỳ đầu tiên của Trump là vì không ngờ rằng một người không thuộc chính giới như ông lại đắc cử, do đó không chuẩn bị cho những hành động không theo quy tắc của ông, bao gồm cả việc phát động một cuộc chiến thương mại và cuộc chiến công nghệ nhằm vào Trung Quốc.

Nhưng sau 4 năm ông Biden áp dụng các chính sách thuế quan, kiểm soát xuất khẩu, trừng phạt tài chính cũng như gây sức ép và bao vây toàn diện về địa chính trị đối với Trung Quốc, nền kinh tế Trung Quốc không những không bị đè bẹp, mà các công ty công nghệ đại diện là Huawei, cũng như các lĩnh vực công nghệ quan trọng giữ vị trí dẫn đầu toàn cầu của Trung Quốc như thiết bị bay không người lái, tấm pin mặt trời, đường sắt cao tốc, xe điện và pin lithium ngược lại đã chứng minh rằng lĩnh vực nào của Trung Quốc mà Mỹ càng kiềm chế nghiêm ngặt thì lĩnh vực đó càng phát triển nhanh, tự chủ và sáng tạo hơn.

Tâm thế của người dân Trung Quốc đối với Mỹ cũng đã trưởng thành và mạnh mẽ. Đối mặt với mối đe dọa thuế quan mới của Trump, dư luận xã hội vẫn tỏ ra bình tĩnh. Trung Quốc có đủ biện pháp và phương tiện đối phó mà không sợ xảy ra cuộc chiến thuế quan với Mỹ.

Thật vậy, đánh giá từ kịch bản xấu nhất mà Bắc Kinh nhấn mạnh, ngay cả khi Trump hủy bỏ quy chế thương mại tối huệ quốc đối với Trung Quốc và áp đặt mức thuế cao ngay khi ông nhậm chức, khiến toàn bộ thương mại Mỹ-Trung bị gián đoạn, thì dựa trên giá trị hơn 500 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ hiện tại, mức thiệt hại chỉ là 2,6 điểm phần trăm GDP, một tỷ lệ dường như không quá lớn và Trung Quốc có thể gánh chịu. Đó chính xác là những đánh giá của một số nhà bình luận.

Tuy nhiên, nếu nhìn vấn đề và lựa chọn đối sách theo cách này thì thực sự là rất thiển cận và vô trách nhiệm. Bởi vì nó hoàn toàn xem nhẹ cái giá mà người dân phải gánh chịu. Mặc dù xác suất xảy ra tình huống cực đoan như vậy trên thực tế là cực kỳ thấp nhưng chính phủ vẫn phải cố gắng hết sức tránh để nó xảy ra.

Bởi một khi kịch bản xấu nhất xảy ra như giả định, người chịu thiệt hại nặng nề nhất không phải là tầng lớp lãnh đạo mà là người dân. Dân chúng, đặc biệt là nhóm tầng lớp thấp yếu thế, sẽ phải gánh chịu cái giá lớn nhất cho việc này. Trong hơn 70 năm kể từ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc thành lập, trong nước đã xảy ra nhiều nạn đói lớn, nhiều người còn sống đến bây giờ vẫn còn ghi nhớ những ký ức này.

Áp thuế 60% đối với hàng hóa Trung Quốc có thể dẫn đến tăng trưởng kinh tế bằng 0
Tất nhiên, cuộc chiến thương mại với Trump khó có thể gây ra hậu quả nặng nề như vậy, nhưng điều này không có nghĩa là giới lãnh đạo có thể bình tĩnh mà sử dụng tư duy kịch bản xấu nhất để đối phó với đòn thuế quan của Trump. Về bề ngoài, nếu thương mại giữa hai nước bị tách rời hoàn toàn, Trung Quốc sẽ chỉ mất hơn 2 điểm GDP. Tuy nhiên, xét đến mức tăng trưởng kinh tế hiện tại của Trung Quốc, hơn 2 điểm GDP sẽ mất đi một nửa tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc.

Không chỉ vậy, nếu kinh tế-thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ hoàn toàn tách rời, thì thương mại của các quốc gia khác cũng bị ảnh hưởng, chẳng hạn như các đối tác thương mại lớn nhất hiện nay của Trung Quốc là ASEAN và Liên minh châu Âu (EU) chắc chắn sẽ giảm thương mại với Trung Quốc, không như những gì một số học giả Trung Quốc tưởng tượng – tăng cường quan hệ thương mại với họ để có thể bù đắp những tổn thất từ cuộc chiến thương mại với Mỹ. Nói cách khác, tổn thất GDP của Trung Quốc không chỉ ở mức dự đoán hiện tại mà thậm chí có thể còn cao hơn nếu xét đến tác động tâm lý đối với các ngành công nghiệp, doanh nghiệp, thị trường và người dân trong nước Trung Quốc, tăng trưởng GDP của Trung Quốc có thể gần bằng 0, hoặc thậm chí là âm.

Đây mới chỉ là một sự suy tính từ góc độ kinh tế. Trên thực tế, một khi chiến tranh thương mại dẫn đến suy thoái kinh tế đến mức này, nó cũng sẽ ảnh hưởng đến tài chính, tâm lý người dân và chính trị. Liệu có xảy ra một cuộc khủng hoảng tài chính mang tính hệ thống? Liệu mối đe dọa về thu nhập giảm mạnh và tình trạng thất nghiệp trên diện rộng có dẫn đến sự phản kháng trong xã hội hay không? Hệ thống chính trị sẽ phản ứng như thế nào? Tất cả tình huống đều phải được cân nhắc.

Vì vậy, việc cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung được mở màn sau khi Trump nhậm chức hoàn toàn không phải là “không có gì đáng sợ” như dư luận Trung Quốc đang đánh giá thấp. Chính vì vậy, mặc dù Chính phủ Trung Quốc đưa ra luận điệu này nhưng phản ứng thực tế lại thận trọng và có sự chuẩn bị kỹ lưỡng hơn, trong đó có việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội gần đây đã phê chuẩn quy mô giảm nợ 10.000 tỷ NDT (1.400 tỷ USD), đơn phương mở cửa cho đầu tư nước ngoài và có thể thúc đẩy một số biện pháp cải cách kinh tế thực chất. Lời đe dọa thuế quan của Trump có thể mang lại một “lợi ích đặc biệt” cho Trung Quốc, đó là tạo được động lực cải cách cho sự phát triển lâu dài của Trung Quốc.

Dù Tập Cận Bình bảo thủ về mặt chính trị nhưng ông cũng phải nhận ra rằng nếu Trump thực hiện đe dọa thuế quan, Bắc Kinh sẽ phải thực hiện nhiều biện pháp hơn nữa để thúc đẩy nền kinh tế, đặc biệt là tiêu dùng nội địa, để nền kinh tế Trung Quốc có thể chuyển hướng thực sự dựa vào tiêu dùng chứ không phải xuất khẩu. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi phải nhanh chóng áp dụng một số cải cách kinh tế còn đang do dự để kích thích sức sống của tăng trưởng kinh tế trong nước.

Đây được gọi là cải cách được thúc đẩy bởi khủng hoảng, cũng có thể được coi là một truyền thống của Trung Quốc về mặt cải cách. Một số nhà kinh tế đã đưa ra các kiến nghị nêu trên để ứng phó với các mối đe dọa thuế quan của Trump.

Giới quan sát phỏng đoán rằng trong những ngày đầu nhậm chức, Trump do bận xử lý các vấn đề trong nước như nhập cư, nên có thể sẽ chưa ngay lập tức áp thuế cao đối với hàng hóa Trung Quốc và hủy bỏ quy chế tối huệ quốc đối với nước này. Bởi nếu làm như vậy sẽ đẩy lạm phát của Mỹ lên cao và gây ra tình trạng thất nghiệp số lượng lớn.

Theo một báo cáo do Hội đồng Doanh nghiệp Mỹ-Trung và Oxford Economics công bố hồi tháng 11/2023, việc chấm dứt quan hệ thương mại thông thường vĩnh viễn với Trung Quốc sẽ gây thiệt hại kinh tế 1.600 tỷ USD cho Mỹ trong vòng 5 năm và khiến nước Mỹ mất hơn 700.000 việc làm. Mặc dù lạm phát hiện nay ở Mỹ đã giảm đáng kể nhưng vẫn cao hơn mục tiêu chính sách 2% và có xu hướng quay trở lại.

Trump được quay trở lại Nhà Trắng nhờ vào sự không hài lòng của cử tri đối với nền kinh tế (bao gồm cả lạm phát cao) dưới thời Chính quyền Biden. Do vậy Trump có thể sẽ xem xét vấn đề lạm phát và thất nghiệp do việc việc áp thuế cao đối với Trung Quốc gây nên.

Dù thế nào đi nữa, Trump 2.0 sẽ gây nhiều bất ổn và khó lường hơn cho quan hệ Mỹ-Trung. Đặc biệt nếu đưa cả vấn đề Đài Loan vào để xem xét, hai nước thực sự có thể xảy ra xung đột nghiêm trọng.

Trần Quyên

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here