Năm 2024, tăng trưởng xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt kỷ lục

0
1348
Hết tháng 11, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đã vượt mục tiêu đề ra 54 - 55 tỷ USD cho cả năm 2024. (Ảnh: Quang Vinh)

Tính đến cuối tháng 11, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt khoảng 715 tỷ USD, tăng 15,3%, xuất siêu trên 23 tỷ USD; ước cả năm đạt 807,7 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay.

Trong báo cáo mới công bố, Ngân hàng UOB dự báo xuất khẩu của Việt Nam năm nay sẽ tăng 18%, cao nhất kể từ năm 2021.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, năm 2023, kim ngạch xuất khẩu đạt 355,5 tỷ USD, giảm 4,4% so với 2022. Do vậy, dự báo của UOB đồng nghĩa kết quả năm nay có thể xấp xỉ gần 420 tỷ USD.

Theo dữ liệu của Tổng cục Hải quan, tính từ đầu năm đến hết ngày 15/11, kim ngạch xuất khẩu đã xấp xỉ cả năm ngoái, đạt 352,38 tỷ USD, tăng 14,8% so với cùng kỳ 2023.

Một số nhóm hàng đóng góp nổi bật như: Máy vi tính, điện tử và linh kiện tăng 12,79 tỷ USD (26,1%); máy móc, thiết bị và phụ tùng tăng 8,08 tỷ USD (21,7%). Cùng với đó, dệt may, gỗ và sản phẩm gỗ cũng tăng trưởng hai con số.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản tháng 11/2024 ước đạt 5,3 tỷ USD, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 11 tháng năm 2024 đạt 56,74 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023. Với kết quả đạt được, kim ngạch xuất khẩu đã vượt mục tiêu đề ra 54 – 55 tỷ USD cho cả năm 2024, và đang tự tin để hướng tới kỷ lục mới 60 tỷ USD.

Ở chiều ngược lại, tính đến hết ngày 15/11, tổng trị giá nhập khẩu của cả nước đạt 329,1 tỷ USD, tăng 16,6% so với cùng kỳ.

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh – nguyên Trưởng Khoa Tài chính Quốc tế Học viện Tài chính đánh giá: Với tình hình đơn hàng hiện tại và nhìn vào tốc độ tăng tốc nhập khẩu nguyên liệu đầu vào, thì trong cả năm 2024 khả năng Việt Nam sẽ chạm và vượt mốc kỷ lục 800 tỷ USD xuất nhập khẩu, vượt xa mức kỷ lục xuất nhập khẩu 732 tỷ USD vào năm 2022.

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, dựa vào hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam đến thời điểm hiện tại đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong đó, xuất khẩu đến các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Hàn Quốc đều có sự tăng trưởng cao.

Theo UOB, tăng trưởng thương mại năm nay một phần nhờ dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục mở rộng.

10 tháng đầu năm, 27,3 tỷ USD FDI đăng ký vào Việt Nam. Vốn thực hiện đang trên đà trở thành năm thứ ba liên tiếp đạt mức kỷ lục. Các dữ liệu được công bố mới nhất cho thấy quỹ đạo tăng trưởng của Việt Nam vẫn đi đúng hướng.

Tuy nhiên, tình hình ngắn hạn có dấu hiệu chậm lại. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 11 của Việt Nam do S&P Global công bố ghi nhận mức 50,8 điểm, cho thấy ngành sản xuất tăng trưởng tháng thứ hai liên tiếp, nhưng không bằng tháng 10, thời điểm PMI đạt 51,2.

Theo công ty thông tin tài chính và phân tích, trụ sở tại New York, sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới đã chậm lại. Trong đó, đơn hàng mới từ nước ngoài giảm sau khi tăng nhẹ trong tháng trước đó.

Ông Andrew Harker – Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence – nhận định, một mức độ nào đó, tăng trưởng chậm lại phản ánh sự suy yếu của nhu cầu quốc tế, khi xuất khẩu giảm với mức độ lớn nhất kể từ tháng 7/2023.

Dù vậy, khảo sát của S&P Global cho hay, các nhà sản xuất Việt Nam vẫn lạc quan sản lượng sẽ tăng trong năm tới, với các kỳ vọng liên quan đến kế hoạch ra mắt sản phẩm mới và mở rộng kinh doanh, cộng với các đơn đặt hàng mới tăng.

Tính đến cuối tháng 11, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt khoảng 715 tỷ USD, tăng 15,3%, xuất siêu trên 23 tỷ USD; ước cả năm đạt 807,7 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay. Nỗ lực vượt trội của doanh nghiệp cùng sự đồng hành, hỗ trợ tích cực từ Chính phủ, bộ, ngành là yếu tố quan trọng giúp đem về “trái ngọt” năm nay.

Hải An

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here