Đắk Lắk tháo gỡ khó khăn và phát triển bền vững ngành hàng yến sào

0
30
Tỉnh Đắk Lắk có khoảng 2.000 nhà yến, rải đều ở 15/15 huyện, thị xã, thành phố. (Ảnh: Quang Yên)

Ngành yến sào Đắk Lắk có nhiều lợi thế phát triển với thảm thực vật phong phú, hệ thống ao hồ nhiều, tạo nguồn thức ăn dồi dào cho chim yến sinh sôi, phát triển.

Việc xuất khẩu chính ngạch sản phẩm tổ yến sang thị trường Trung Quốc thành công là cơ hội lớn để ngành hàng yến sào của tỉnh phát triển. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 2.000 nhà yến, rải đều ở 15/15 huyện, thị xã, thành phố.

Ea Kar là địa phương có số lượng nhà yến nhiều nhất tỉnh Đắk Lắk với trên 300 nhà. Phó Chủ tịch UBND huyện Ea Kar Lê Đình Chiến cho biết, phong trào làm nhà yến, nuôi chim yến phát triển trên địa bàn huyện từ năm 2016 đến nay. UBND huyện đã ban hành các văn bản đề nghị người dân, doanh nghiệp chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, tuyên truyền các quy định về xây dựng nhà yến, đặc biệt là tuyên truyền cách phòng, trừ bệnh, quản lý dịch bệnh, bảo đảm an toàn đối với sản phẩm tổ yến.

Bên cạnh đó, huyện đang thúc đẩy hình thành 1 – 2 tổ hợp tác, hợp tác xã yến sào Ea Kar; đẩy mạnh liên kết trong sản xuất, thu mua, chế biến và xuất khẩu yến sào; xây dựng các sản phẩm OCOP từ tổ yến.

Thuận lợi là vậy, song thời gian qua, việc nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk chủ yếu là tự phát, chưa hình thành được các chuỗi liên kết giữa cơ sở sản xuất với đơn vị thu mua, chế biến, xuất khẩu sản phẩm tổ yến.

Đa số người nuôi chim yến còn thiếu và yếu về kỹ thuật gây nuôi, sơ chế, chế biến, trang thiết bị lắp đặt, thông tin thị trường tiêu thụ. Ngoài ra, thực tế vẫn có trường hợp người dân đầu tư tiền tỷ vào xây dựng nhà yến nhưng sản lượng thu hoạch tổ yến rất thấp, thậm chí nhiều nhà xây dựng xong không có yến về làm tổ, người nuôi chim yến gặp khó khăn về giá cả, thị trường, nhân công…

Trong khi đó, đa số các nhà yến trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk hiện nay chủ yếu bán tổ yến thô hoặc tự sơ chế để bán. Các cơ sở chế biến sâu sản phẩm tổ yến còn ít, chưa đa dạng hóa sản phẩm, chưa xây dựng được thương hiệu.

Ngoài ra, thị trường tiêu thụ chủ yếu trong nước, tỷ trọng xuất khẩu chưa cao; một số sản phẩm yến chưa đáp ứng được tiêu chuẩn và yêu cầu của thị trường quốc tế, chưa truy xuất được nguồn gốc; chưa có quy định cụ thể về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trong xây dựng, bảo vệ môi trường, vận hành, quản lý nhà yến

Chủ tịch Hội Yến sào tỉnh Đắk Lắk Phạm Văn Hậu, để tháo gỡ khó khăn và phát triển bền vững ngành hàng yến sào, Hội kiến nghị cần có quy hoạch cụ thể, phù hợp về vùng nuôi chim yến trên địa bàn toàn tỉnh, xem xét quy hoạch vùng nuôi chim yến phát triển về hướng Tây Bắc, Tây Nam; hạn chế xây dựng nhà yến tại các khu vực với mật độ nhà yến dày đặc.

Đồng thời, tỉnh cần có quy trình hướng dẫn cụ thể trong việc cấp phép xây dựng nhà yến tại mỗi địa phương; bảo vệ sản phẩm, thương hiệu yến Đắk Lắk, không cho phép các loại yến nhập khẩu phá giá và trá hình đổ đồng với chất lượng yến địa phương.

Về xuất khẩu, Hội đề nghị chính quyền các địa phương tạo điều kiện ký xác nhận về nhà yến tại địa bàn; tuyên truyền bà con tuân thủ các quy định của pháp luật trong vận hành, khai thác tổ yến và chung tay nâng cao chất lượng tổ yến.

Ông Phạm Văn Hậu nói: “Tỉnh cần ban hành quy chế phối hợp giữa Chi cục Kiểm lâm và Hội Yến sào để bảo vệ chim yến khỏi nạn săn bắt giết thịt và phóng sinh; tổ chức các chương trình giao lưu học tập kinh nghiệm, kết nối để phát triển ngành yến, các sản phẩm về tổ yến với các tỉnh, thành có nhiều kinh nghiệm về ngành hàng yến sào; hỗ trợ gian hàng, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kết nối thương mại, tăng cường đầu ra cho sản phẩm tổ yến”.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk đã kiến nghị Trung ương sớm ban hành các quy định về ngành hàng yến sào liên quan đến cơ chế, chính sách; tiêu chuẩn, quy chuẩn; môi trường, phòng chống dịch bệnh cũng như hỗ trợ xuất khẩu.

Ngoài ra, Sở đề nghị UBND tỉnh Đắk Lắk xây dựng Đề án phát triển ngành hàng yến bền vững. UBND huyện, thị xã, thành phố xây dựng cơ sở dữ liệu về nhà yến và bản đồ hiện trạng nhà yến, làm cơ sở để ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, định hướng phát triển nhà nuôi chim yến; tạo điều kiện thuận lợi bảo đảm quy định để triển khai, thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển ngành hàng yến bền vững.

Khánh Ly

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here