Philippines là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam với thị phần chiếm 46,1%. Indonesia và Malaysia là hai thị trường lớn tiếp theo với thị phần tương ứng là 13,5% và 8,2%.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khối lượng và giá trị xuất khẩu gạo tháng 11/2024 ước đạt 700.000 tấn với 444,9 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị xuất khẩu gạo 11 tháng đạt gần 8,5 triệu tấn với 5,31 tỷ USD, tăng 10,6% về khối lượng và tăng 22,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023. Đây là sản lượng và giá trị lúa gạo xuất khẩu lần đầu tiên ngành nông nghiệp có được.
Philippines là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam với thị phần chiếm 46,1%. Indonesia và Malaysia là hai thị trường lớn tiếp theo với thị phần tương ứng là 13,5% và 8,2%.
Trong nhóm 15 thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất, giá trị xuất khẩu gạo tăng mạnh nhất ở thị trường Malaysia với mức tăng 2,2 lần; thị trường có giá trị xuất khẩu giảm mạnh nhất là Trung Quốc với mức giảm 71,3%. Như vậy, sau khi đạt kỷ lục về kim ngạch xuất khẩu trong năm 2023, xuất khẩu gạo Việt Nam trong năm nay tiếp tục tăng mạnh và đã vượt mốc 5 tỷ USD, đây là lần đầu tiên xuất khẩu gạo Việt Nam vượt mốc 5 tỷ USD trong một năm.
Có được thành tích trên chủ yếu nhờ giá gạo xuất khẩu tăng cao. Tính chung trong 3 quý đầu năm, giá gạo xuất khẩu bình quân 626 USD/tấn, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm ngoái, tương ứng với mức tăng 74 USD/tấn.
Ông Đỗ Hà Nam – Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam – cho biết, Việt Nam đang dần tạo ra sự khác biệt trong sản xuất và xuất khẩu gạo so với các nước xuất khẩu khác, khi tập trung vào các loại gạo thơm, gạo chất lượng cao, đồng thời giảm mạnh sản xuất và xuất khẩu gạo phẩm cấp trung bình và thấp. Qua đó, ngành lúa gạo đã tạo ra một mặt bằng giá xuất khẩu riêng cho gạo Việt Nam..
Sự riêng biệt về giá của gạo Việt Nam đã nhiều lần được thể hiện khi đứng ở mức cao nhất trong những nước xuất khẩu hàng đầu và có nhiều thời điểm cao hơn đáng kể so với gạo cùng loại của Thái Lan.
Kể từ sau khi Ấn Độ bỏ giá xuất khẩu tối thiểu đối với các loại gạo không phải là gạo Basmati (non – basmati) vào ngày 22/10, giá gạo xuất khẩu trên thị trường thế giới đã giảm khá nhiều. Tuy cũng giảm mạnh như gạo của các nước xuất khẩu khác, nhưng giá gạo Việt Nam vẫn ở mức cao nhất trong những nước xuất khẩu chính.
Cụ thể, vào ngày 3/12, giá gạo 5% tấm của Việt Nam là 517 USD/tấn, còn gạo cùng loại của Thái Lan là 499 USD/tấn, Ấn Độ 451 USD/tấn và Pakistan 453 USD/tấn. Như vậy, trong 4 nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, hiện chỉ có gạo 5% tấm của Việt Nam vẫn đang ở mức hơn 500 USD/tấn.
Đáng chú ý, Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) và các doanh nghiệp, Trung Quốc từng là thị trường lớn nhất của gạo Việt Nam, nhưng từ đầu năm 2024 đến nay, “phong độ” xuất khẩu không còn duy trì như trước. Dữ liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, 9 tháng năm 2024, xuất khẩu gạo sang nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới chỉ đạt 241.000 tấn, thu về 141,2 triệu USD. So với cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu gạo sang thị trường này giảm 72%. Do đó, việc xúc tiến đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường hơn tỷ dân này là việc cần làm ngay.
Thực hiện Chương trình Quốc gia về xúc tiến thương mại, từ ngày 2 – 6/12/2024, Cục Xúc tiến thương mại phối hợp với Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) tổ chức đoàn giao dịch thương mại mặt hàng gạo tại tỉnh Quảng Đông và tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc).
Hoạt động xúc tiến thương mại gạo nhằm giúp doanh nghiệp Việt Nam nắm bắt thông tin về chính sách, nhu cầu thị trường để tăng cơ hội hợp tác, đón bắt cơ hội xuất khẩu sau năm 2024 đối mặt với sụt giảm mạnh. Thông qua hoạt động xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương kỳ vọng hỗ trợ doanh nghiệp cải thiện chất lượng, tận dụng cơ hội để khôi phục vị thế tại thị trường tiềm năng này.
Mặc dù đã thiết lập mốc kỷ lục xuất khẩu hơn 5 tỷ USD, nhưng kim ngạch nhập khẩu gạo của Việt Nam lại tăng mạnh tới 73% so với cùng kỷ năm ngoái, đưa Việt Nam trở thành quốc gia nhập khẩu gạo lớn thứ ba thế giới, sau Philippines và Indonesia. Tính trong 10 tháng của năm 2024, Việt Nam đã nhập khẩu 3,2 triệu tấn gạo, tiêu tốn 1,2 tỷ USD.
Nhìn nhận về xuất khẩu gạo năm 2025, các thông tin quốc tế cũng như nhận định của các chuyên gia trong nước đều cho rằng sẽ không còn thuận lợi như năm 2024. Thông tin đang gây lo lắng nhất cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo là từ thị trường Indonesia – quốc gia nhập khẩu lớn thứ hai của gạo Việt Nam. Mới đây, ông Zulkifli Hasan, Bộ trưởng Điều phối các vấn đề Lương thực Indonesia, cho biết quốc gia này có thể không nhập khẩu gạo vào năm 2025.
Theo số liệu từ Cục Thống kê Indonesia, sản lượng gạo của nước này ước tính giảm 2,43% trong năm 2024 xuống 30,34 triệu tấn do thời tiết khô hạn trong năm 2023 khiến việc trồng trọt và thu hoạch chậm lại. Lượng gạo nhập khẩu của Indonesia đã tăng vọt trong 2 năm qua, đạt hơn 3 triệu tấn/năm. Năm 2024 nước này nhập khẩu 3,6 triệu tấn gạo. Cùng với đó, Indonesia cũng có kế hoạch mở rộng từ 750.000 đến 1 triệu ha đất trồng lúa vào năm 2025 nhằm đạt mục tiêu tự chủ lương thực mà Tổng thống Prabowo Subianto đề ra.
Qua đó, ông Zulkifli Hasan nhận định, năm sau nếu cần nhập khẩu thì có thể Indonesia sẽ chỉ một lượng nhỏ gạo tùy thuộc vào nguồn cung. Đồng thời, số lượng gạo nhập khẩu phân bổ của năm nay chưa thực hiện xong sẽ được chuyển vào năm sau. Là thị trường nhập khẩu gạo lớn thứ hai của Việt Nam, việc Indonesia có thể không nhập khẩu gạo vào năm 2025 được cho là tin xấu với gạo Việt Nam.
Hải An