Chính sách thu hút đầu tư hiệu quả, Bình Phước ‘hái trái ngọt’

0
36

Các chính sách thu hút đầu tư của Bình Phước sau hơn 2 năm triển khai đã nhanh chóng phát huy hiệu quả, đưa tỉnh trở thành điểm sáng trong “bản đồ” FDI toàn quốc.

Ngày 4/12, UBND tỉnh Bình Phước cho biết, nhờ chính sách khuyến khích, ưu đãi và hỗ trợ đầu tư trên địa bàn, đến nay, Bình Phước đã thu hút được 105 dự án với tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hơn 1,17 tỷ USD và trên 18.800 tỷ đồng nguồn vốn từ 54 tự án đầu tư trong nước.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền, tỉnh đã có những chính sách khuyến khích, ưu đãi và hỗ trợ đầu tư trên địa bàn. Tính đến ngày 15/9/2024, đã có 35 dự án được tỉnh hỗ trợ miễn, giảm hơn 356 tỷ đồng tiền thuê đất; 134 doanh nghiệp được miễn, giảm hơn 125,8 tỷ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp; 16 dự án được miễn thuế nhập khẩu với số tiền hơn 96,5 tỷ đồng; miễn thuế xuất khẩu đối với nguyên vật liệu, vật tư loại hình gia công, sản xuất xuất khẩu với số tiền hơn 7.786 tỷ đồng…

Bà Trần Tuệ Hiền cho biết, các chính sách của Bình Phước sau hơn 2 năm triển khai đã nhanh chóng phát huy hiệu quả. Cụ thể, tính đến 15/9/2024, tỉnh đã thu hút 54 dự án với tổng vốn đầu tư 18.814 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư trong nước.

Trong số đó, năm 2022 là 40 dự án với tổng vốn đầu tư 12.177 tỷ đồng. Năm 2023 là 13 dự án với tổng vốn đầu tư 6.392 tỷ đồng. 10 tháng năm 2024 có 1 dự án với tổng vốn đầu tư 245 tỷ đồng.

Tỉnh cũng thu hút 105 dự án FDI với tổng vốn đầu tư hơn 1,17 tỷ USD. Theo đó, năm 2022 có 35 dự án với tổng vốn đầu tư 153,77 triệu USD; năm 2023 là 48 dự án với tổng vốn đầu tư 824,9 triệu USD; 10 tháng năm 2024 có 22 dự án với tổng vốn đầu tư 195,6 triệu USD.

Cũng trong thời gian này, tỉnh đã có 3.200 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn hơn 40.600 tỷ đồng.

Cùng với các chính sách thu hút đầu tư, Bình Phước đang phát huy hệ thống kết cấu hạ tầng đã xây dựng, tăng cường kết nối nội vùng, liên vùng, khu vực; sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên đất, nước, rừng và các tài nguyên khác. Đặc biệt, cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) – Chơn Thành (Bình Phước) và cao tốc TP.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Phước cũng đang được triển khai; sớm đưa Bình Phước trở thành điểm đến hấp dẫn của vùng Đông Nam Bộ vào năm 2030.

Lý giải nguyên nhân để Bình Phước đạt được những kết quả đáng khích lệ trong thu hút vốn đầu tư FDI, bà Trần Tuệ Hiền cho biết, đó là do tỉnh có vị trí chiến lược, nằm cạnh Bình Dương, Đồng Nai và TP.HCM.

Tỉnh có hạ tầng giao thông tương đối thuận lợi, kết nối với Tây Nguyên và các tỉnh miền Đông Nam Bộ, chỉ mất hơn 2 tiếng di chuyển để đến các sân bay, cụm cảng quốc tế Tân Sơn Nhất, Long Thành, Cái Mép, Thị Vải. Từ vị trí thuận lợi như vậy cho thấy Bình Phước có vai trò quan trọng trong hành lang kinh tế Đông-Tây, là cầu nối giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội giữa vùng Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long với Tây Nguyên.

Bên cạnh đó, Bình Phước còn là cửa ngõ giao thương hợp tác trong khu vực tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam. Mặt khác, Bình Phước có 5 huyện thuộc địa bàn đặc biệt ưu đãi đầu tư và 5 huyện, thị xã thuộc địa bàn ưu đãi đầu tư. Do đó, khi đầu tư vào Bình Phước, tùy theo địa bàn và ngành nghề ưu đãi đầu tư, nhà đầu tư được hưởng chính sách ưu đãi về tiền thuê đất, ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, ưu đãi thuế nhập khẩu, đặc biệt là đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Ngoài ra, tỉnh còn thu hút các nhà đầu tư FDI bằng việc rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính về đầu tư tại tất cả các khâu đều được rút ngắn chỉ còn 2/3 thời gian so với quy định của Chính phủ.

Hiện nay, các thủ tục hành chính của tỉnh được giải quyết theo phương thức dịch vụ công trực tuyến và kết nối trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Nhà đầu tư khi thực hiện thủ tục hành chính chỉ cần liên hệ trực tuyến hoặc trực tiếp với một đầu mối là Trung tâm Phục vụ hành chính công.

Đánh giá về những những điều kiện thuận lợi để thu hút các dự án đầu tư từ nước ngoài, tại Diễn đàn kết nối doanh nghiệp công nghiệp, thương mại, nông nghiệp công nghệ cao EuroCham-Bình Phước được tổ chức tại Bình Phước vừa qua, ông Gabor Fluit, Chủ tịch EuroCham kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn De Heus châu Á cho rằng, với nguồn tài nguyên đất đai dồi dào, Bình Phước mang đến những cơ hội đầu tư hấp dẫn vào các dự án phát triển nông nghiệp, cây trồng có giá trị cao, nuôi trồng thủy sản, chế biến thực phẩm, sản xuất quy mô lớn.

Trong tương lai, Hiệp định thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA) hứa hẹn sẽ là bước phát triển tích cực cho Bình Phước. Với việc cắt giảm gần 99% thuế quan trong thập kỷ tới, Bình Phước có vị thế thuận lợi để hưởng lợi từ việc mở rộng khả năng tiếp cận thị trường tiêu dùng 500 triệu dân của EU.

Theo bà Trần Tuệ Hiền, việc thu hút đầu tư trong và ngoài nước không chỉ giúp tạo việc làm cho người lao động; tăng nguồn thu ngân sách cho tỉnh mà còn góp phần tạo lên mức tăng trưởng kinh tế ấn tượng cho tỉnh trong 3 năm qua.

Cụ thể, năm 2022, tốc độ tăng trưởng của Bình Phước đạt 8,9%, thu ngân sách đạt 14.282 tỷ đồng; năm 2023 tăng trưởng 11,8%, thu ngân sách đạt 12.259 tỷ đồng và ước cả năm 2024 tốc độ tăng trưởng đạt 8,7%, thu ngân sách đạt 12.739 tỷ đồng.

Hải An

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here