Triển vọng kinh tế Việt Nam được cải thiện tích cực

0
15
Nhiều loại trái cây Việt Nam như sầu riêng, thanh long, chuối, mít, xoài, chanh dây, vải… được người tiêu dùng Trung Quốc biết đến và ưa chuộng. (Nguồn: Kinh tế Đô thị)
(VGP)

Mức tăng trưởng GDP công bố 7,4% trong quý III/2024 khiến Việt Nam thu hút sự chú ý của nhiều tổ chức nghiên cứu và báo chí quốc tế. Theo nhận định của Ngân hàng UOB, mức tăng trưởng 7,4% trong quý III và 6,82% trong 9 tháng đầu năm phản ánh năng lực thích ứng và chống chịu của kinh tế Việt Nam, bất chấp tác động tiêu cực của siêu bão Yagi. Ngành dịch vụ là động lực chính, đóng góp 3,24% vào tăng trưởng GDP trong 9 tháng, theo sau là ngành công nghiệp và xây dựng. Đồng thời, sự phục hồi của xuất khẩu và đầu tư đóng góp rất quan trọng vào các kết quả kinh tế Việt Nam thời gian qua.

UOB, ABN Ambro và một số cơ quan nghiên cứu nhận định triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong ngắn hạn được cải thiện nhờ sự phục hồi của ngành dịch vụ, du lịch và khả năng tận dụng chu kỳ phục hồi chíp – bán dẫn. UOB dự báo GDP Việt Nam năm 2025 tăng 6,6%. Bloomberg và nhiều hãng tin quốc tế đưa tin Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng 6,5 – 7% năm 2025 và phấn đấu đạt 7 – 7,5%.

Về các thách thức, các chuyên gia kinh tế Bloomberg nhận định triển vọng đối với ngành xuất khẩu của Đông Nam Á, bao gồm Việt Nam, vẫn tích cực trong năm 2025, tuy nhiên những yếu tố khó lường liên quan đến điều chỉnh chính sách của các nền kinh tế lớn có thể kìm hãm hoạt động đầu tư, bao gồm tại Việt Nam và Thái Lan. ABN Ambro nhấn mạnh Việt Nam đối mặt các yếu tố khó lường từ điều chỉnh chính sách của các đối tác thương mại chủ chốt trong năm 2025, khả năng lạm phát gia tăng do tác động của bão Yagi, đồng thời khu vực tài chính đối mặt các rủi ro tính dụng gia tăng do sự phục hồi không đồng đều của một số ngành, lĩnh vực và các thách thức từ thị trường bất động sản.

Về các giải pháp, ABN Ambro khuyến nghị trong ngắn hạn Việt Nam triển khai các chính sách trọng cầu và hỗ trợ các ngành dễ bị tổn thương. Dư địa chính sách tài khóa hiện nay tạo điều kiện để Chính phủ đưa ra các biện pháp hỗ trợ có mục tiêu đối với một số ngành, lĩnh vực kinh tế cùng với thúc đẩy giải ngân đầu tư công. Trên cơ sở tiếp tục kiểm soát lạm phát, chính sách tiền tệ tại Việt Nam có thể được duy trì theo hướng hỗ trợ tăng trưởng.

Về triển vọng kinh tế số Việt Nam, theo nhận định của một số trang tin nghiên cứu, nền kinh tế số Việt Nam đang trong quỹ đạo tăng trưởng mạnh mẽ, mức tăng trưởng hàng năm đạt hai con số nhờ động lực thương mại điện tử và các nền tảng trực tuyến. Theo nghiên cứu của Temasek (Singapore), tổng giá trị hàng hóa thương mại điện tử của Việt Nam năm 2024 có thể đạt 36 tỷ USD, tăng trưởng 16%.

Ngành giao thông số ở Việt Nam cũng đang tăng trưởng nhanh, nhất là với sự mở rộng của các nhà cung ứng trong nước và việc sản xuất ô tô điện tại thị trường nội địa. Những bước phát triển này cho thấy sự chuyển dịch về các hoạt động giao thông theo hướng tiện lợi và dựa vào công nghệ.

Báo cáo của Temaseknhấn mạnh tầm quan trọng của ngành trí tuệ nhân tạo (AI) tại Việt Nam, nhất là tại các trung tâm công nghệ như TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng với sự phát triển mạnh mẽ của các hoạt động giáo dục, marketing và y tế ứng dụng AI. Sự tăng trưởng của kinh tế số Việt Nam cũng đem lại lợi nhuận cho các doanh nghiệp công nghệ, với mức lợi nhuận tăng từ 4 tỷ USD năm 2022 lên 11 tỷ USD năm 2024, phản ánh sự cân bằng hơn giữa mở rộng hoạt động công nghệ và hiệu quả tài chính.

Ngành kinh tế số Việt Nam có cơ hội tiếp tục tăng trưởng thời gian tới, bao gồm một số lĩnh vực như thương mại điện tử, truyền thông số và nhiều phân ngành khác. Với việc tăng cường đầu tư vào hạ tầng số và cải thiện môi trường thể chế, Việt Nam có thể thu hút sự chú ý của các đối tác quốc tế và củng cố vị trị là đối tác quan trọng trong ngành kinh tế số toàn cầu.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Brunei)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here