Cơ hội và thách thức trong hợp tác đa phương “Vành đai và Con đường”

0
10
Xây dựng tuyến đường sắt do BRI tài trợ tại Purwakarta, Indonesia. (Nguồn: Getty Images)

Hợp tác đa phương “Vành đai và Con đường” (BRI) sẽ mở ra không gian phát triển lớn hơn nhằm thúc đẩy sự phát triển chung, ứng phó với các thách thức toàn cầu và tăng cường hợp tác các nước Nam bán cầu, nhưng cũng phải đối mặt với những rủi ro, thách thức như tái cơ cấu chuỗi công nghiệp và cung ứng sản xuất khu vực cũng như sự gia tăng các yếu tố khó đoán định trong môi trường kinh tế chính trị quốc tế.

Hiện tại, động lực phát triển toàn cầu chưa đủ, khoảng cách phát triển Bắc-Nam ngày càng gia tăng, các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, khủng hoảng lương thực-năng lượng, sức khỏe cộng đồng và khoảng cách số ngày càng trở nên phức tạp, các nước ngày càng sẵn sàng cùng ứng phó với các thách thức bên ngoài thông qua hợp tác phát triển.

Cơ hội hợp tác đa phương BRI trong tình hình mới

Thứ nhất, trước các mục tiêu phát triển chung, hợp tác đa phương ngày càng trở thành phương thức quan trọng để các nước đạt được sự hợp tác đôi bên cùng có lợi và cùng nhau thực hiện hiện đại hóa. Các quốc gia cùng xây dựng BRI chủ yếu tập trung ở châu Á, châu Âu và châu Phi, trong đó các nước thị trường mới nổi và các nước đang phát triển chiếm hơn 90%, các nước có thu nhập thấp chiếm gần 20%. Với việc kiên trì định hướng phát triển cùng xây dựng BRI, Trung Quốc đã thành lập hơn 80 khu hợp tác kinh tế-thương mại tại các quốc gia cùng xây dựng BRI, kích thích quy mô đầu tư gần 1.000 tỷ USD và giúp gần 40 triệu người dân thoát nghèo.

Đối với một số quốc gia và khu vực cùng xây dựng BRI trong giai đoạn đầu của quá trình công nghiệp hóa, đều có nhu cầu cao về hợp tác đa phương BRI trong các lĩnh vực như xây dựng cơ sở hạ tầng, hợp tác thương mại-đầu tư, hệ thống chuỗi cung ứng chuỗi công nghiệp. Các lĩnh vực mới như xanh, kỹ thuật số, đổi mới và y tế dự kiến sẽ trở thành điểm tăng trưởng mới cho hợp tác đa phương trong khuôn khổ BRI.

Thứ hai, trước những thách thức chung như biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng, an ninh lương thực và khoảng cách số, các nước cùng xây dựng BRI có nhu cầu cấp thiết về tăng cường hợp tác.

Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, để đạt được các mục tiêu phát triển toàn cầu quan trọng vào năm 2030, các nước đang phát triển cần tăng cường đầu tư đáng kể, cụ thể là khoảng 2.400 tỷ USD mỗi năm, trong khi tốc độ tăng trưởng đầu tư bình quân đầu người ở các nền kinh tế đang phát triển trong năm 2023-2024 dự kiến là 3,7%, chỉ hơn một nửa tốc độ tăng trưởng trung bình của 20 năm trước.

Các nước đang phát triển cần khoảng 1.700 tỷ USD mỗi năm để đầu tư vào năng lượng tái tạo, nhưng chỉ thu hút được 544 tỷ USD đầu tư trực tiếp nước ngoài vào năm 2022. Trong những năm gần đây, xung đột địa chính trị đã tác động đến chuỗi cung ứng lương thực và năng lượng toàn cầu, làm trầm trọng thêm những khó khăn về lương thực, năng lượng và phát triển của các nước đang phát triển. Về kinh tế số, hầu hết các quốc gia cùng xây dựng BRI đều đang trong giai đoạn đầu của phổ cập thông tin hóa.

Sự kém phát triển về cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, mức độ phổ cập Internet và nhân tài kỹ thuật số đã khiến một số quốc gia không thể tận dụng đầy đủ những lợi ích do chuyển đổi số mang lại. Việc bỏ lỡ các làn sóng công nghệ như trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật, xe điện và năng lượng mặt trời càng làm trầm trọng thêm tình trạng lạc hậu của họ. Khi những thách thức toàn cầu ngày càng trở nên phức tạp và nghiêm trọng, vai trò quan trọng của cùng xây dựng BRI trong việc cung cấp hàng hóa công quốc tế tương ứng và các nền tảng hợp tác quốc tế sẽ càng trở nên rõ rệt.

Thứ ba, giá trị chiến lược của Nam bán cầu ngày càng trở nên nổi bật và việc cùng xây dựng BRI đã trở thành nền tảng quan trọng để Nam bán cầu tham gia quá trình chuyển đổi hệ thống quản trị toàn cầu. Hợp tác đa phương BRI là sự bổ sung quan trọng cho cơ chế hợp tác đa phương toàn cầu và có thể thúc đẩy các cơ chế hợp tác đa phương hiện có như Nhóm các nước phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), BRICS, Tổ chức hợp tác Thượng Hải, Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Trung Quốc-ASEAN “10+1”, Diễn đàn hợp tác Trung Quốc-châu Phi… tiếp tục phát huy vai trò, thúc đẩy hợp tác chặt chẽ giữa các quốc gia Nam bán cầu để cùng nhau nâng cao vị thế và ảnh hưởng của mình trong hệ thống quản trị toàn cầu, bảo vệ lợi ích chung của các nước thị trường mới nổi và các nước đang phát triển.

Những thách thức của hợp tác đa phương BRI trong tình hình mới

Thứ nhất, hợp tác đa phương BRI cần đóng vai trò lớn hơn trong việc tăng cường kết nối chuỗi cung ứng và công nghiệp khu vực, nhưng những tư tưởng và hành động chống toàn cầu hóa vẫn đang lan rộng. Trong những năm gần đây, cùng với việc các nước phát triển thực hiện chính sách “chuyển sản xuất về các nước thân thiện”, “chuyển sản xuất về gần nhà” và tái cơ cấu sản xuất, chuỗi công nghiệp toàn cầu đang nhanh chóng được định hình lại, sự điều chỉnh cơ cấu của chuỗi công nghiệp và chuỗi cung ứng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương ngày càng trở nên rõ ràng.

Bắt đầu từ năm 2022, châu Á giảm bớt việc tham gia hội nhập chuỗi giá trị toàn cầu, mức độ phụ thuộc của thương mại sản phẩm chuỗi giá trị toàn cầu vào châu Á sẽ giảm từ 0,47 năm 2021 xuống 0,43 năm 2022, nhưng mức độ phụ thuộc vào ASEAN, Ấn Độ… sẽ tăng lên. Khu vực châu Á-Thái Bình Dương chiếm 1/3 dân số thế giới, hơn 60% sản lượng kinh tế thế giới và gần một nửa tổng khối lượng thương mại, là vành đai tăng trưởng năng động nhất trong nền kinh tế toàn cầu.

Hợp tác đa phương BRI phải tích cực ứng phó với những thách thức chống toàn cầu hóa. Trong vòng điều chỉnh cơ cấu công nghiệp toàn cầu mới, phải tăng cường hơn nữa kết nối chuỗi công nghiệp và chuỗi cung ứng với khu vực châu Á-Thái Bình Dương, duy trì hiệu quả an ninh của các chuỗi cung ứng và chuỗi sản xuất khu vực, đồng thời củng cố nền tảng cơ bản của hợp tác quốc tế.

Thứ hai, tác động chồng chéo của các nhân tố như xung đột địa chính trị và khủng hoảng nợ đã mang lại nhiều sự khó đoán định cho hợp tác đa phương BRI. Hiện tại, cuộc khủng hoảng Ukraine và vòng xung đột mới giữa Palestine và Israel đã kéo dài, gây ra các cuộc khủng hoảng địa chính trị nghiêm trọng ở các khu vực như Đông Âu và Trung Đông, lan sang các khu vực xung quanh, mang đến nhiều bất ổn cho hợp tác đa phương BRI. Hầu hết các quốc gia cùng xây dựng BRI là các quốc gia đang phát triển có môi trường chính trị, kinh tế, địa lý, tôn giáo và văn hóa khác nhau, hơn nữa một số quốc gia vẫn tồn tại các vấn đề như hệ thống thể chế liên quan chưa hoàn thiện, môi trường đầu tư và kinh doanh chưa được cải thiện.

Bên cạnh đó, sự kém đồng bộ về tiêu chuẩn giữa các quốc gia trong lĩnh vực như hải quan, thuế và quyết toán vốn đều ảnh hưởng đến hiệu quả thực tế của hợp tác kinh tế-thương mại BRI ở các mức độ khác nhau. Ngoài ra, theo “Báo cáo nợ quốc tế 2023” của Ngân hàng Thế giới, trong 3 năm qua, 18 vụ vỡ nợ quốc gia đã xảy ra ở 10 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, nhiều hơn so với 20 năm trước.

Hiện nay, khoảng 60% các nước thu nhập thấp đứng trước nguy cơ cao về nợ nần hoặc đã rơi vào tình trạng khó khăn nợ nần. Trong tình hình chung của cuộc khủng hoảng nợ toàn cầu ngày càng trầm trọng, chi phí tín dụng gia tăng, đồng tiền mất giá và doanh thu tài chính trì trệ ở một số quốc gia cùng xây dựng BRI đã đem đến càng nhiều yếu tố khó lường cho hợp tác đa phương BRI.

Thứ ba, cạnh tranh nước lớn ngày càng gay gắt, hợp tác đa phương đã trở thành một trong những vấn đề trọng điểm. Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã đề xuất một số sáng kiến hợp tác đa phương rất giống với sáng kiến BRI với trọng tâm là xây dựng cơ sở hạ tầng ở khu vực Á-Âu. Tháng 6/2021, sáng kiến “Xây dựng lại một thế giới tốt đẹp hơn” (B3W) do Mỹ đề xuất đã được đưa vào tuyên bố chung của Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) tổ chức ở Anh, “Kế hoạch cơ sở hạ tầng toàn cầu” tốn kém này được coi là giải pháp của phương Tây thay cho sáng kiến BRI.

Chiến lược hợp tác Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của EU được EU công bố vào năm 2021, hợp tác Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở (FOIP) do Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia thúc đẩy, Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF) do Mỹ đề xuất vào năm 2022, tất cả đều tăng cường quan hệ kinh tế với các nước liên quan trên 4 lĩnh vực: thương mại, chuỗi cung ứng, nền kinh tế sạch và nền kinh tế công bằng.

Tại Hội nghị thượng đỉnh G20 năm 2023, các nhà lãnh đạo của các nước như Mỹ, Ấn Độ, Saudi Arabia và EU cũng như các tổ chức quốc tế đã cùng ký bản ghi nhớ về Hành lang kinh tế Ấn Độ-Trung Đông-châu Âu (IMEC), nhằm mục đích tăng cường kết nối và quan hệ kinh tế giữa châu Âu, Trung Đông và Ấn Độ thông qua đường sắt và đường biển. Ngoài ra, Mỹ và các nước phương Tây cũng đề xuất Quan hệ đối tác đầu tư và cơ sở hạ tầng kỹ thuật số toàn cầu, Quan hệ đối tác an ninh khoáng sản, Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng, thúc đẩy IPEF trong lĩnh vực kinh tế-thương mại, đồng thời thành lập Ủy ban thương mại và công nghệ Mỹ-EU, nhằm củng cố và tăng cường vị thế lãnh đạo và quyền hoạch định quy tắc trong các lĩnh vực tương ứng thông qua hợp tác đa phương với các đối tác cụ thể.

Con đường thúc đẩy hợp tác đa phương BRI trong thời kỳ mới
Hiện nay, thế giới đang bước vào một thời kỳ hỗn loạn và thay đổi mới, đang trải qua sự điều chỉnh, phân hóa và tái thiết, những bất ổn, khó đoán định và các yếu tố khó lường đang ngày càng gia tăng. Mặc dù tình hình quốc tế phức tạp và luôn thay đổi, các cuộc khủng hoảng địa chính trị hết đợt này đến đợt khác, làn sóng chống toàn cầu hóa ngày càng dâng cao, nhưng xu thế thời đại hòa bình, phát triển, hợp tác, đôi bên cùng có lợi là không thể ngăn cản.

Cùng chung sống hòa bình là mục tiêu theo đuổi tốt đẹp của dân tộc Trung Hoa trong hàng nghìn năm; cùng nhau xây dựng một mô hình phát triển hòa bình là sứ mệnh của sáng kiến BRI. Để xây dựng BRI thành con đường hòa bình, cùng với các quốc gia khác tiến bước trên con đường lớn bảo đảm an ninh và cùng phát triển, cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế hợp tác đa phương BRI từ các khía cạnh sau:

Thứ nhất, tiếp tục tăng cường kết nối chiến lược với các nước cùng xây dựng BRI. Với mục tiêu cao nhất là xây dựng một cộng đồng chung vận mệnh nhân loại, tiếp tục tập trung vào các chủ đề phát triển, tập trung xoay quanh nhu cầu phát triển của các nước đang phát triển về xây dựng cơ sở hạ tầng, hiện đại hóa nông nghiệp, phát triển công nghiệp hóa…, tăng cường đầu tư vào các lĩnh vực mới như xanh, kỹ thuật số, đổi mới và y tế, không ngừng nâng cao sự gắn kết về tầm nhìn và mục tiêu, sự kết nối về chiến lược phát triển và sự phối hợp cơ chế chính sách giữa các nước cùng xây dựng BRI, nỗ lực xây dựng hợp tác BRI chất lượng cao thành một nền tảng hợp tác quốc tế để cùng phát triển, thảo luận và hợp tác, chung tay thúc đẩy hiện đại hóa thế giới vì phát triển hòa bình, hợp tác cùng có lợi và thịnh vượng chung.

Đẩy nhanh xây dựng cộng đồng chung vận mệnh ở các khu vực trọng điểm, tập trung vào tầm nhìn xây dựng cộng đồng chung vận mệnh Trung Quốc-ASEAN, cộng đồng chung vận mệnh Trung Quốc và châu Phi và cộng đồng chung vận mệnh Trung Quốc-Trung Á, phát huy đầy đủ vai trò của các cơ chế hợp tác hiện có, tăng cường gắn kết về chiến lược phát triển và mục tiêu phát triển với từng khu vực, tăng cường kết nối cung-cầu trong hợp tác đa phương, tiến hành tham vấn và trao đổi thường xuyên, xây dựng kế hoạch hành động, triển khai các dự án thiết thực, thúc đẩy hợp tác đa phương ngày càng sâu sắc và thực chất hơn.

Thứ hai, tìm cách tăng cường quy hoạch hợp tác đa phương và hợp tác dự án. Trên cơ sở thực hiện tốt việc kết nối chiến lược phát triển giữa các bên liên quan, căn cứ vào thứ tự ưu tiên trong lĩnh vực hợp tác và dự án hợp tác của mỗi bên, xem xét toàn diện tính bổ sung và mức độ phù hợp của các yếu tố nguồn lực của các bên, đồng thời tích cực tìm hiểu và xây dựng kế hoạch hợp tác đa phương với các bên liên quan. Dưới sự dẫn dắt của kết nối chiến lược, xác định một cách hợp lý các mục tiêu và tầm nhìn phát triển chung, phù hợp với nguyên tắc “tìm kiếm điểm chung, gác lại bất đồng” và “cùng thảo luận, cùng xây dựng và cùng hưởng lợi”, làm rõ các nhiệm vụ trọng điểm trong việc hỗ trợ thực hiện mục tiêu, lựa chọn các dự án lớn, thiết lập cơ chế hợp tác và khi cần thiết có thể thu hút các tổ chức quốc tế và các cơ quan đa phương liên quan cùng tham gia xây dựng kế hoạch và cùng thúc đẩy việc thực hiện kế hoạch. Đồng thời, tăng cường hợp tác đa phương dựa trên thực tiễn dự án.

Dựa trên thực tiễn thành công của các dự án hợp tác đa phương như tuyến vận tải đường sắt Trung Quốc-châu Âu và đường ống dẫn dầu/khí đốt Trung Quốc-Myanmar, cũng như hợp tác dự án dựa trên các cơ chế đa phương như Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, hợp tác BRICS và hợp tác Lan Thương-Mekong. Trong các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng, khu công nghiệp, phát triển xanh, kinh tế số và giao lưu nhân dân, phối hợp với các bên liên quan hoạch định và triển khai một số dự án hợp tác đa phương có hiệu ứng thúc đẩy phát triển rõ rệt, phù hợp với xu hướng phát triển của thời đại, thiết thực và có lợi cho người dân các bên. Trong quá trình thúc đẩy thực hiện các dự án hợp tác đa phương và giải quyết các vấn đề trong hợp tác, tiếp tục đổi mới, làm phong phú và hoàn thiện các cơ chế hợp tác đa phương, hình thành một bộ công cụ hợp tác đa phương có khả năng thích ứng rộng rãi.

Thứ ba, tiếp tục tăng cường xây dựng thể chế hợp tác đa phương theo sáng kiến BRI. Đẩy mạnh xây dựng cơ chế của Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế BRI, tăng cường thiết kế cấp cao nhất của hợp tác đa phương BRI, củng cố và nâng cao thành quả thể chế của hợp tác đa phương hiện có, không ngừng hoàn thiện cơ chế ra quyết định, cơ chế hợp tác và cơ chế phản hồi thành tựu của hợp tác đa phương, thúc đẩy việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm và các dự án trọng điểm trong hợp tác đa phương.

Khích lệ sự tham gia và phát huy vai trò của các chủ thể trên mọi phương diện, không ngừng hoàn thiện cơ chế thúc đẩy hợp tác đa phương trên nhiều cấp độ và lĩnh vực như khu vực, quốc gia, tỉnh, thành phố, các ban ngành, doanh nghiệp và tổ chức phi chính phủ, phối hợp và thúc đẩy việc thiết lập các nền tảng hợp tác đa phương, đổi mới công cụ và xây dựng cơ chế. Điều phối các nguồn lực hiện có, tiếp tục tăng cường xây dựng các cơ sở dữ liệu công cụ như cơ sở dữ liệu chính sách, cơ sở dữ liệu quỹ, cơ sở dữ liệu dự án, cơ sở dữ liệu nhân tài, đồng thời hoàn thiện cơ chế bảo đảm cho các yếu tố hợp tác đa phương.

Tăng cường sự gắn kết tổng thể giữa việc thực thi các chiến lược lớn của khu vực, thực hiện các chiến lược phát triển phối hợp khu vực và cùng xây dựng BRI chất lượng cao, tích cực hướng dẫn các khu vực khác nhau phát huy nền tảng hợp tác quốc tế và lợi thế so sánh trong mở cửa, tham gia sâu rộng vào hợp tác đa phương BRI. Phát huy tối đa vai trò dẫn dắt của các doanh nghiệp trung ương, tích cực thu hút thêm các đơn vị như doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, tổ chức tài chính và tổ chức nghiên cứu khoa học tham gia hơn nữa dự án cùng xây dựng BRI.

Thứ tư, tích cực mở rộng các lĩnh vực hợp tác đa phương. Thúc đẩy xây dựng mạng lưới kết nối ba chiều BRI, hoàn thiện các khuôn khổ hợp tác đa phương như quy hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng, liên minh logistics, đầu tư và tài chính cũng như hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật.

Thực hiện kế hoạch hành động đổi mới khoa học-công nghệ BRI, đẩy nhanh việc thúc đẩy các kế hoạch hợp tác đặc biệt như công nghệ phát triển bền vững, đổi mới và khởi nghiệp, xóa mù công nghệ và công nghệ thông tin vũ trụ.

Đẩy nhanh tiến trình đàm phán các hiệp định kinh tế-thương mại khu vực, tăng cường hợp tác kinh tế-thương mại, kết nối chuỗi công nghiệp và chuỗi cung ứng giữa các nước cùng xây dựng BRI, tập trung vào các khu vực hợp tác trọng điểm như Đông Nam Á, Trung Âu và Đông Âu…, phát huy đầy đủ vai trò của các cơ chế hợp tác như hợp tác Trung Quốc-ASEAN “10+1” và hợp tác Trung Quốc-các nước Trung Âu và Đông Âu, đồng thời tìm cách tăng cường hợp tác chuỗi công nghiệp và chuỗi cung ứng khu vực. Tích cực mở rộng các điểm tăng trưởng mới trong hợp tác trên các lĩnh vực phát triển xanh, kinh tế số, trí tuệ nhân tạo, năng lượng, tài chính và y tế, đồng thời cùng khai thác động lực phát triển mới.

Thứ năm, tăng cường hiệu quả hợp tác ba bên với các tổ chức quốc tế và các nước phát triển. Tăng cường kết nối sáng kiến BRI với Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc về phát triển bền vững, tăng cường kết nối về mục tiêu và hành động với các tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc trong các lĩnh vực hợp tác Nam-Nam và hợp tác ba bên, tiếp tục thực hiện hợp tác dự án trong các lĩnh vực giảm nghèo, an ninh lương thực, y tế công cộng, ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường sinh thái, tích cực đáp ứng nhu cầu phát triển chung của đông đảo các nước đang phát triển và cùng nhau ứng phó với các thách thức phát triển toàn cầu.

Đổi mới cơ chế hợp tác thị trường bên thứ ba với các nước phát triển, tích cực thúc đẩy ký kết các văn bản hợp tác thị trường bên thứ ba, cùng xây dựng nền tảng hợp tác thị trường bên thứ ba, thu hút và khuyến khích sự tham gia của nhiều doanh nghiệp, tổ chức tài chính và tổ chức nghiên cứu khoa học từ các quốc gia và khu vực có liên quan, đồng thời cùng cung cấp hỗ trợ tài chính và công nghệ cho các nước đang phát triển trong các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng, phát triển xanh và kinh tế số.

Trần Quyên

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here