Việt Nam cần hợp tác với Hoa Kỳ trong việc phát triển các dự án năng lượng tái tạo

0
21
Với vai trò là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam và thị trường xuất khẩu lớn nhất, Hoa Kỳ đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế của Việt Nam. (Ảnh: Lê Phương)

Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam-Hoa Kỳ lần thứ 7 đã diễn ra mới đây đã đánh dấu một bước tiến quan trọng trong quan hệ kinh tế giữa hai quốc gia. 

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, thương mại là lĩnh vực hợp tác kinh tế lớn nhất, thành công nhất trong quan hệ hai nước.

Hợp tác thương mại đi đôi với thúc đẩy quan hệ kinh tế, đầu tư; đầu tư của doanh nghiệp Hoa Kỳ vào Việt Nam đến nay vẫn còn khiêm tốn so với tiềm năng nhưng cũng là sự nỗ lực lớn mang lại lợi ích cho nhân dân hai nước.

Thủ tướng cho biết, sau gần 40 năm Đổi mới, từ một nước bị bao vây, cấm vận, Việt Nam hiện có quan hệ ngoại giao với gần 200 quốc gia, trong đó có quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, Đối tác hiến lược và Đối tác toàn diện với 32 quốc gia; đã ký kết 17 Hiệp định thương mại tự do (FTA) với hơn 60 nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Nhấn mạnh Việt Nam là một trong những đất nước trải qua nhiều đau thương, mất mát nhất sau chiến tranh thế giới thứ 2, trải qua nhiều cuộc chiến tranh, bị bao bây, cấm vận trong thời gian dài, người đứng đầu Chính phủ vui mừng nhận thấy, sau gần 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1995-2024), thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện rồi quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, với tinh thần “gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai”, với rất nhiều nỗ lực của cả hai bên, qua nhiều thăng trầm và đột phá, quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ đã không ngừng được củng cố và phát triển ngày càng tốt đẹp như ngày nay.

Cảm ơn Hoa Kỳ ủng hộ Việt Nam mạnh, độc lập, tự cường và thịnh vượng, hai bên đã tích cực xây dựng các khuôn khổ pháp lý để thúc đẩy quan hệ thương mại, đầu tư, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hợp tác, Thủ tướng đánh giá hai nước đã tiến một bước rất xa và trong quan hệ song phương, có đóng góp quan trọng của các doanh nghiệp hai nước, trong đó có doanh nghiệp Hoa Kỳ.

Thời gian tới, Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng và nhân lực; tạo đột phá mạnh mẽ về thể chế, xây dựng bộ máy tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.

Đồng thời, không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh với tinh thần “thể chế thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản trị thông minh” để giảm thời gian, chi phí tuân thủ, chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, đồng thời tăng năng suất lao động, tạo không gian phát triển mới, nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa, doanh nghiệp và nền kinh tế.

Việt Nam ưu tiên cho tăng trưởng, tập trung làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng) và thúc đẩy các động lực mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức.

Thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển những ngành, lĩnh vực mới nổi như điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật với tinh thần “đổi mới để bay cao, sáng tạo để vươn xa, hội nhập để phát triển”.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam trong những lĩnh vực ưu tiên nói trên.

Đồng thời, Thủ tướng đề nghị phía Hoa Kỳ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường và bãi bỏ các hạn chế liên quan xuất khẩu công nghệ cao với Việt Nam, vì lợi ích chung của cả hai đất nước và nhân dân hai nước, trong đó có việc khắc phục hậu quả chiến tranh, bom mìn, chất độc da cam tại Việt Nam.

Với vai trò là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam và thị trường xuất khẩu lớn nhất, Hoa Kỳ đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế của Việt Nam. Kim ngạch thương mại hai chiều đạt kỷ lục 110,8 tỷ USD vào năm 2023, điều này minh chứng cho sức mạnh của mối quan hệ kinh tế song phương.

Song song với đó, các doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục đóng vai trò then chốt trong việc nâng cấp chuỗi cung ứng và hỗ trợ Việt Nam thực hiện các dự án phát triển kinh tế xanh, hạ tầng và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken cho hay: “Hợp tác kinh tế giữa hai nước đang mạnh mẽ hơn bao giờ hết, mang lại lợi ích thực chất cho người dân cả hai quốc gia”.

Ông cũng đề cập đến cơ hội mở rộng các mối quan hệ đối tác doanh nghiệp và giải quyết những thách thức nhằm đảm bảo quan hệ thương mại cân bằng, đôi bên cùng có lợi.

Về phần mình, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp (VCCI) Phạm Tấn Công khẳng định,Việt Nam – với vị thế là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu – có khả năng trở thành trung tâm sản xuất và đổi mới công nghệ trong khu vực. Quá trình này đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Hoa Kỳ trong việc tận dụng công nghệ số, nâng cao năng suất và giảm thiểu rủi ro trong hoạt động kinh doanh.

“Với nhu cầu ngày càng tăng về năng lượng để phục vụ phát triển kinh tế, Việt Nam cần hợp tác với Hoa Kỳ trong việc phát triển các dự án năng lượng tái tạo, giảm thiểu phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Các doanh nghiệp Hoa Kỳ đã và đang đầu tư vào các dự án năng lượng xanh, đồng thời hỗ trợ Việt Nam xây dựng hệ thống năng lượng hiện đại, hiệu quả và bền vững”, ông Phạm Tấn Công bày tỏ.

Còn Chủ tịch AmCham Joseph Uddo cho rằng, sự thay đổi chính quyền tại Hoa Kỳ và việc nâng cấp quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ lên Đối tác chiến lược toàn diện vào tháng 9/2023 là thời điểm lý tưởng để cải thiện khung chính sách.

Những điều chỉnh về quy định thương mại, đầu tư và hỗ trợ khu vực tư nhân sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hai bên tiếp tục phát triển.

Khánh Ly

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here