Theo trang mạng của “Thời báo Công thương” (Đài Loan) ngày 20/11, năm 2024 sắp qua đi, trong năm vừa qua, thế giới đã trải qua một năm siêu bầu cử, bắt đầu từ cuộc bầu cử tổng thống Đài Loan vào tháng 1 và kết thúc bằng cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào ngày 5/11.
Trong thời gian này, các nước chủ yếu ở châu Á như Indonesia, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản và các nước châu Âu như Pháp, Anh và Nghị viện châu Âu đều tổ chức các cuộc bầu cử.
Phe màu Lam (Quốc dân đảng) và màu Trắng (đảng Nhân dân) đã bắt tay nhau trong cuộc bầu cử Tổng thống Đài Loan hồi đầu năm, nhưng đến nửa cuối năm, Chủ tịch đảng Nhân dân Kha Văn Triết bị bắt giam, cục diện thay đổi đến ngay cả ứng cử viên tổng thống cũng không thể đoán được tình hình chính trị. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và đảng Nhân dân (BJP), vốn có nền tảng vững chắc, bất ngờ bị mất đa số tuyệt đối trong cuộc bầu cử quốc hội. Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền ở Nhật Bản đã thất bại trong cuộc bầu cử Hạ viện do bê bối quyên góp chính trị.
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol ban đầu nắm quyền với thiểu số, mặc dù được đảm bảo nhiệm kỳ tổng thống 5 năm, nhưng tỷ lệ ủng hộ trong các cuộc thăm dò vẫn tiếp tục đạt mức thấp mới. Tại châu Âu, đảng Bảo thủ do Thủ tướng Anh Rishi Sunak lãnh đạo đã thất bại thảm hại, còn Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gần như không trụ được trong canh bạc chính trị đầy sóng gió. Cho đến khi Tổng thống Biden rút khỏi cuộc bầu cử ở Mỹ và Trump giành được quyền kiểm soát tuyệt đối Nhà Trắng cũng như Hạ viện và Thượng viện Mỹ, “thay người khác” gần như đã trở thành chủ đề chính của năm siêu bầu cử toàn cầu năm nay.
Cùng ngày Trump thắng cử, chính phủ liên minh do Thủ tướng Đức Olaf Scholz lãnh đạo bất ngờ sụp đổ. Olaf Scholz đã sa thải Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner, Chủ tịch đảng Dân chủ tự do (FDP) trong liên minh cầm quyền, vì vậy đảng Dân chủ Xã hội của Olaf Scholz và đảng Xanh trở thành chính phủ thiểu số nên không giành được đa số trong quốc hội liên bang. Quốc hội Đức sẽ tổ chức bỏ phiếu tín nhiệm đối với chính quyền Olaf Scholtz vào ngày 16/12. Dự kiến ông sẽ không vượt qua được cuộc bỏ phiếu tín nhiệm và Quốc hội Đức sẽ tổ chức bầu cử sớm vào ngày 23/2/2025.
Nhìn khắp thế giới, ngoài tình hình chính trị ổn định ở Trung Quốc, các nước như Anh, Mỹ, Nhật Bản, Đức đều đã thay đổi đảng cầm quyền hoặc lãnh đạo quốc gia, gây ra tình trạng bất ổn ở mức độ cao. Tại Nhật Bản, Ishiba Shigeru đã giành chiến thắng trong cuộc bầu chủ tịch đảng Dân chủ Tự do (LDP) vào ngày 27/9 và đến ngày 11/11 mới chắc chắn chiếc ghế thủ tướng, đây là lần đầu tiên sau nhiều năm, chính phủ LDP không chiếm đa số ghế trong Quốc hội, phải dựa vào sự ủng hộ của các đảng đối lập để thực thi chính sách. Ngoài ra, tại Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) vừa kết thúc tại Peru, Ishiba Shigeru đã đến viếng mộ cố Tổng thống Peru Fujimori, trên đường đi xe ô tô của ông bị tắc đường và không thể chụp được bức ảnh tập thể quan trọng nhất của hội nghị. Nhiều vấn đề xảy ra ngoài ý muốn tưởng chừng như không đáng kể nhưng cũng khiến bên ngoài phải chú ý đến sự ổn định chính trị của Nhật Bản.
Trong tình hình chính trị thế giới hỗn loạn, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thể hiện vai trò lãnh đạo tại Hội nghị cấp cao APEC ở Peru và Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ở Brazil. Tại Hội nghị cấp cao APEC, ông đã có những cuộc hội đàm dày đặc với lãnh đạo 6 nước, trong đó có việc mở cửa ngành thủy sản Nhật Bản, nông sản Australia… và trong các bức ảnh chụp nhóm các nhà lãnh đạo APEC và G20, ông đứng ở vị trí C (tức là vị trí trung tâm nhất bên cạnh người đứng đầu nước chủ nhà). Ngoài ra, các chính sách kinh tế lớn mà chính quyền Bắc Kinh tiếp tục thúc đẩy từ cuối tháng 9 đã góp phần làm ổn định thị trường chứng khoán và ngoại hối, tiêu dùng trong nước phục hồi và đảm bảo nhu cầu vốn cao điểm từ nay đến Tết Nguyên đán có thể được thông qua một cách an toàn. Sự ổn định trong quan hệ kinh tế và ngoại giao của Trung Quốc đại lục sẽ là lực lượng ổn định trong tình hình hỗn loạn chính trị của các nước phương Tây.
Ngoài ra, mặc dù Trump sắp trở lại làm Tổng thống Mỹ, sẽ không thay đổi thói quen ăn nói ồn ào nhưng định hướng chính sách của ông rất rõ ràng. Các chủ trương trong nhiệm kỳ đầu tiên bao gồm giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và tăng sản lượng dầu thô và dầu đá phiến của Mỹ, hạ giá dầu để giảm bớt áp lực lạm phát, đẩy nhanh cắt giảm lãi suất, hạn chế quy mô của chính phủ và giảm sự can thiệp hành chính và quan liêu đều rất nhất quán. Chính sách của Trump đối với cuộc chiến Ukraine phải được đàm phán với các chính phủ châu Âu. Đề xuất áp thuế cao đối với hàng hóa Trung Quốc cũng sẽ giống như trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông. Trọng tâm chính trong nhiệm kỳ thứ hai của Trump sẽ có tính minh bạch nhất định.
Bên ngoài lo lắng về mối quan hệ của Trump với các chính phủ châu Âu, nhưng Friedrich Merz, lãnh đạo Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) của Đức, hiện đang bỏ xa Thủ tướng Scholz trong các cuộc thăm dò và rất có khả năng trở thành thủ tướng. Các ý tưởng của Merz về hạn chế nhập cư, chính sách thương mại và cắt giảm thuế doanh nghiệp hầu như đều gần giống với ý tưởng của Trump. Merz cũng tự khẳng định mình là nhà lãnh đạo có thể dẫn dắt châu Âu đàm phán với Trump và tìm ra các giải pháp cùng có lợi. Các giới đều lo lắng rằng sự tương tác giữa chính quyền Trump và châu Âu vào năm 2025 có thể dẫn đến sự hợp tác đáng ngạc nhiên.
Chia tay năm siêu bầu cử 2024, một trật tự mới trong nền chính trị toàn cầu đang được hình thành. Các nhà lãnh đạo giành được quyền lực dưới sự thử thách khắc nghiệt của cuộc bầu cử đang đưa ra những chính sách mới. Quan trọng hơn, nền kinh tế Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản và châu Âu đều tương đối ổn định, mặc dù không tăng trưởng mạnh nhưng chắc chắn sẽ không xảy ra cuộc suy thoái lớn trong năm 2025.
Trong năm 2025 sắp tới, chính phủ mới ở nhiều quốc gia sẽ có những tương tác để đảm bảo sự phát triển ổn định của kinh tế và thương mại. Biến số duy nhất còn lại là cuộc chiến Nga-Ukraine. Nếu Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky có thể ngồi vào bàn đàm phán dưới áp lực của nhiều nước thì đó sẽ là một cục diện mới đáng mong đợi.
Kim Ngân