Đức – nền kinh tế đầu tàu châu Âu không nhận ra nhu cầu phải thay đổi mô hình kinh tế

0
19
Các dự báo kinh tế cho Đức cũng không mấy khả quan.. (Nguồn: The Glaze)

Giới chuyên gia nhận định sự sụp đổ của Chính phủ Đức tuy mang đến nhiều bất ổn cho nền kinh tế này, lại có thể là tia hy vọng cho Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) đang gặp khó khăn.

Khả năng Đức tăng chi tiêu công có thể hỗ trợ đồng tiền chung và thị trường chứng khoán khu vực, dù tương lai vẫn chưa chắc chắn.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của liên minh cầm quyền tại Đức là bất đồng về việc tạm dừng “phanh nợ”, một công cụ để hạn chế vay nợ. Các dấu hiệu ban đầu của thị trường cho thấy cuộc bầu cử sớm vào tháng 2/2025 có thể mang lại sự chắc chắn hơn cho nền kinh tế vừa tránh được suy thoái trong gang tấc.

Chứng khoán Đức đã tăng vượt trội so với các nước châu Âu khác sau khi có tin về sự sụp đổ của chính phủ vào ngày 6/11. Điều này, báo hiệu tâm lý lạc quan bất chấp thông tin ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ làm tăng nguy cơ áp thuế đối với nền kinh tế lớn nhất châu Âu.

Ông Guy Miller, chiến lược gia trưởng của tập đoàn bảo hiểm Zurich Insurance Group, cho biết tăng trưởng của Đức ì ạch phần lớn là do việc tuân thủ “phanh nợ” khi nền kinh tế cần hỗ trợ. Ông nói thêm rằng sự sụp đổ của liên minh cầm quyền là mang tính xây dựng và ông hy vọng sẽ có thêm dư địa tài khóa trong ngân sách năm 2025.

Các nhà kinh tế từ lâu đã đổ lỗi cho “phanh nợ” được áp dụng từ năm 2009 là nguyên nhân cản trở nền kinh tế Đức. Ông Carsten Brzeski, người đứng đầu bộ phận kinh tế vĩ mô toàn cầu của ngân hàng ING, ước tính rằng việc tăng chi tiêu chính phủ thêm tương đương 1% đến 2% sản lượng kinh tế trong 10 năm có thể thúc đẩy tăng trưởng tiềm năng từ mức khoảng 0,5% lên ít nhất 1%.

Ông Friedrich Merz, lãnh đạo đảng Dân chủ Cơ đốc giáo đối lập hàng đầu, hôm 13/11 cho biết có thể cải cách “phanh nợ”, sau khi ông ủng hộ việc duy trì công cụ này. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng đã đề nghị Đức nên xem xét nới lỏng “phanh nợ”.

Chuyên gia Brzeski nói rằng Đức không gặp vấn đề về tài chính công và với mức nợ chỉ ở mức tương đương 63% GDP, nước này có khả năng chi tiêu nhiều hơn Pháp và Italy (I-ta-li-a). Ông nói thêm rằng việc cải cách nên được kết hợp với các chính sách tài khóa nới lỏng hơn.

Trong khi đó, các dự báo kinh tế cho Đức cũng không mấy khả quan. Theo báo cáo thường niên do Hội đồng chuyên gia kinh tế Đức công bố ngày 13/11, nền kinh tế nước này dự kiến sẽ trì trệ trong năm 2024 với mức giảm 0,1% theo giá trị thực rồi phục hồi nhẹ 0,4% trong năm 2025. Tỷ lệ lạm phát dự kiến ở mức 2,2% trong năm nay và 2,1% trong năm tới.

Chuyên gia Monika Schnitzer, Chủ tịch Hội đồng chuyên gia kinh tế Đức, nhấn mạnh nước này đã gặp phải những thất bại về chính trị và kinh tế trong những năm gần đây. GDP chỉ tăng tổng cộng 0,1% theo giá trị thực trong 5 năm qua, đồng nghĩa tăng trưởng của kinh tế Đức tiếp tục tụt hậu so với quốc tế. Điều này khiến việc kiên quyết thúc đẩy quá trình thay đổi chính sách kinh tế trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Ngân hàng Barclays cho rằng hy vọng về một sự thay đổi chính sách hướng tới tăng trưởng sẽ rất quan trọng đối với việc đánh giá lại cổ phiếu Đức. Giới quan sát nhận định bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy chi tiêu tại Đức tăng đều có thể thúc đẩy cổ phiếu châu Âu. Từ đầu năm tới nay, chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu chỉ tăng 5%, thấp hơn đáng kể so với mức tăng 25% của chỉ số S&P 500 tại Mỹ.

Đồng euro cũng có thể được hưởng lợi từ triển vọng đó, khi kịch bản giảm xuống ngang giá với đồng USD lại xuất hiện do những lo ngại về khả năng bị Mỹ áp thuế quan. Đồng tiền chung châu Âu này đã giảm xuống mức thấp nhất trong một năm là 1,06 USD đổi 1 USD vào ngày 13/11 và vẫn duy trì quanh ngưỡng đó.

Chiến lược gia trưởng về ngoại hối Kit Juckes của ngân hàng Societe Generale lưu ý rằng Đức đã vượt qua Nhật Bản để trở thành quốc gia nắm giữ tài sản nước ngoài lớn nhất trong năm nay, mang lại nguồn vốn đáng kể để nước này đầu tư trong nước. Theo ông Juckes, số tiền đó có thể được sử dụng để mua trái phiếu Chính phủ Đức lợi suất cao nhằm kích thích nền kinh tế. Hoạt động này còn có thể tác động đáng kể đến đồng euro nếu chính phủ báo hiệu một sự thay đổi chính sách đáng kể.

Hy vọng về một sự thay đổi chính sách của Đức cũng tạo điều kiện cho các quốc gia châu Âu cùng tăng chi tiêu chung. Việc ông Trump đắc cử có thể khiến khối này phải tăng chi tiêu quốc phòng sau khi xuất hiện những lời kêu gọi đầu tư đáng kể để tăng cường khả năng cạnh tranh.

Tuy nhiên, hôm 6/11, ông Merz tuyên bố sẽ không cởi mở với việc cải cách nếu chi tiêu tăng hướng tới tiêu dùng và phúc lợi, nhưng tình hình có thể khác nếu nó thúc đẩy đầu tư. Ông cũng phản đối việc tăng nợ chung của Liên minh châu Âu (EU).

Các nhà kinh tế đang tranh luận liệu bản thân “phanh nợ” có thể được cải cách hay liệu Đức có thể đưa ra chi tiêu ngoài ngân sách mới hay không, khi cả hai việc này đều yêu cầu nhận được ủng hộ từ đa số lớn trong Quốc hội.

Chuyên gia Davide Oneglia tại công ty tư vấn TS Lombard dự đoán cuộc bầu cử sớm sẽ mang đến những cuộc tranh luận về mô hình tăng trưởng của Đức và rủi ro an ninh của châu Âu. Ông nói rằng rủi ro chính là Chính phủ Đức không nhận ra nhu cầu thay đổi mô hình kinh tế, dẫn đến việc phụ thuộc vào các chính sách lỗi thời và không hiệu quả. Ông nói thêm rằng điều này sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng cho cả nền kinh tế Đức và EU./.

Hương Thủy

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here