Tình hình kinh tế Trung Quốc

0
78
Ảnh minh họa
(Nguồn: chinausfocus)

1. Kinh tế Trung Quốc có một số dấu hiệu cải thiện nhưng tăng trưởng chưa đạt kỳ vọng, tiếp tục chịu áp lực giảm phát

(i) Trung Quốc công bố GDP trong 9 tháng đầu năm 2024 đạt 94.974,6 tỷ NDT (khoảng 13.567 tỷ USD), tăng 4,8% so với cùng kỳ năm 2023. Cụ thể, GDP quý I tăng 5,3%, quý II tăng 4,7% và quý III tăng 4,6%, biên độ dao động giữa tốc độ tăng trưởng của các quý không lớn và tiệm cận tới mục tiêu kỳ vọng “khoảng 5%”.

(ii) Ngoại thương của Trung Quốc trong 3 quý đầu năm 2024: Tổng giá trị xuất nhập khẩu hàng hóa của Trung Quốc trong 3 quý đầu năm 2024 đạt 32,33 nghìn tỷ NDT (khoảng 4,57 nghìn tỷ USD), tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2023. Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu của Trung Quốc đạt 18,62 nghìn tỷ NDT, tăng 6,2%; nhập khẩu đạt 13,71 nghìn tỷ NDT, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2023. Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu “ba mặt hàng mới” của Trung Quốc – bao gồm xe điện, pin lithium và sản phẩm quang điện – đạt 757,83 tỷ NDT, chiếm 4,1% tổng giá trị xuất khẩu.

Xét về đối tác, thương mại của Trung Quốc với các đối tác tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) trong 9 tháng đầu năm 2024 đạt 15,21 nghìn tỷ NDT, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2023, chiếm 47,1% tổng thương mại nước ngoài của Trung Quốc. Kim ngạch thương mại của Trung Quốc với các thành viên tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đã tăng 4,5%, trong khi kim ngạch thương mại với các nước Đông Nam Á tăng 9,4%. Kim ngạch thương mại của Trung Quốc với Mỹ tăng 4,2%, với Liên minh châu Âu (EU) tăng 0,9%.

(iii) Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc trong tháng 9/2024 tăng 0,4% so với cùng kỳ năm 2023 và cao hơn so với mức tăng 0,6% trong tháng 8/2024. Sự gia tăng này chủ yếu được thúc đẩy bởi giá thực phẩm, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2023. Trong tháng 9/2024, giá thịt heo, rau tươi và trái cây đều tăng mạnh, trong khi đó giá thiết bị gia dụng giảm 2%, giá thuê nhà giảm 0,4%, giá xe giảm 5,3% so với cùng kỳ năm 2023 trong bối cảnh nguồn cung lớn.

(iv) Chỉ số giá sản xuất (PPI) của Trung Quốc trong tháng 9/2024 đã giảm 2,8% so với cùng kỳ năm 2023, mắc kẹt trong vùng giảm phát hai năm liên tiếp. Mức giảm nói trên cao hơn mức dự báo 2,5% của các nhà kinh tế trong cuộc khảo sát của Wall Street Journal. Tuy nhiên, chỉ số PPI tháng 9/2024 có sự cải thiện so với tháng 8/2024.

(v) Tỷ lệ thất nghiệp: Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Trung Quốc từ 16 đến 24 tuổi ở khu vực đô thị, không bao gồm sinh viên, đã giảm xuống còn 17,6 % vào tháng 9/2024 từ mức 18,8 % của tháng 8/2024. Tỷ lệ thất nghiệp được khảo sát ở khu vực đô thị trong tháng 9/2024 đối với những người từ 25 đến 29 tuổi là 6,7 %,và 3,9 % đối với những người từ 30 đến 59 tuổi. Điều này đã giúp thị trường việc làm của Trung Quốc giảm bớt áp lực. Trước đó, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên lần lượt đạt mức cao 17,1% và 18,8% vào tháng 7/2024 và tháng 8/2024.

(vi) Giá nhà mới tại Trung Quốc trong tháng 9/2024 tiếp tục giảm, cụ thể giá nhà mới tại các thành phố hạng 1 gồm Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu và Thâm Quyến giảm nhẹ 0,5%, so với mức giảm 0,3% trong tháng 8/2024. Các thành phố hạng hai và hạng ba đều ghi nhận mức giảm 0,7 phần trăm theo tháng. Vào tháng 9/2024, giá nhà cũ đã giảm 1,2 % ở các thành phố hạng nhất theo tháng và 0,9% ở các thành phố hạng hai và hạng

(vii) Quy mô dự trữ ngoại hối của Trung Quốc: Ngày 07/10/2024, Cục Quản lý Ngoại hối Nhà nước Trung Quốc cho biết tính đến cuối tháng 9/2024, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc là 3.316,4 tỷ USD, tăng 0,86% (khoảng 28,2 tỷ USD) so với cuối tháng 8/2024. Đây là mức cao nhất kể từ năm 2015. Dự trữ ngoại hối của Trung Quốc tăng có thể một phần do các yếu tốc ngắn hạn như biến động tỷ giá hối đoái và giá tài sản. Trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cắt giảm lãi suất vào tháng 9/2024 dự trữ ngoại hối của Trung Quốc đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sự ổn định của tỷ giá hối đoái, giúp Trung Quốc ứng phó với các rủi ro tài chính bên ngoài và ngăn chặn các cuộc khủng hoảng tài chính tiềm ẩn.

(viii) Du lịch, dịch vụ bùng nổ trong kỳ nghỉ Quốc khánh Trung Quốc5: Trong 7 ngày nghỉ Quốc khánh của Trung Quốc đã có 765 triệu lượt khách du lịch nội địa, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm 2023, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2019. Tổng chi tiêu du lịch của du khách nội địa là trên 700 tỷ NDT (98,29 tỷ USD), tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2023 và 7,9% so với cùng kỳ năm 2019. cả nước có 43 nghìn buổi biểu diễn doanh thu, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2023; Doanh thu phòng vé 2,209 tỷ NDT, tăng 25,9% so với cùng kỳ năm 2023; phục vụ 11,68 triệu khán giả, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm

(ix) Tiền lương tại Trung Quốc giảm trong quý III/2024 làm gia tăng rủi ro giảm phát: Theo dữ liệu do nền tảng tuyển dụng trực tuyến Zhaopin Ltd. cung cấp và Bloomberg tổng hợp, trong quý III/2024, mức lương trung bình hàng tháng mà các công ty trả cho người lao động mới được tuyển dụng tại 38 thành phố lớn của Trung Quốc đã giảm 0,6% so với cùng kỳ năm 2023, xuống còn 10.058 nhân dân tệ (1.423 USD). Mức giảm này diễn ra sau mức tăng khiêm tốn lần lượt là 2,2% và 0,5% trong quý I và quý II/2024. Theo hãng tin Bloomberg, trong quý III/2024, tiền lương trả cho người lao động mới được tuyển dụng tại Trung Quốc đã giảm sau hai quý tăng liên tiếp. Điều này cho thấy thị trường lao động đang suy yếu, làm trầm trọng thêm tình trạng giảm phát dai dẳng và gây sức ép đối với tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc.

2. Triển vọng kinh tế Trung Quốc

Sau khi Trung Quốc công bố một loạt các biện pháp kích thích kinh tế, ngân hàng đầu tư Goldman Sachs đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm 2024 và 2025 lần lượt lên mức 4,9% và 4,7%, tăng so với mức dự báo  trước đó lần lượt là 4,7% và 4,3%. Trong khi đó, ngày 22/10/2024, Qũy Tiền tệ Quốc tế (IMF) hạ 0,2 điểm phần trăm dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm 2024 xuống còn 4,8%, với kim ngạch xuất khẩu ròng tăng bù đắp phần nào cho lĩnh vực bất động sản tiếp tục yếu và niềm tin của người tiêu dùng xuống thấp. Ngân hàng Thế giới dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc sẽ giảm xuống mức 4,3% vào năm 2025, giảm so với mức dự báo 4,8% trong năm 2024.

Các chuyên gia quốc tế vẫn hoài nghi về nền kinh tế Trung Quốc, cho rằng: (i) Các biện pháp kích thích kinh tế thời gian gần đây được đưa ra nhằm giảm rủi ro hơn tạo ra một sự thay đổi mang tính bước ngoặt đối với nền kinh tế Trung Quốc. Bên cạnh đó, vẫn chưa chắc chắn liệu các nhà chức trách Trung Quốc có sẵn sàng triển khai các biện pháp hỗ trợ tài chính lớn hơn để xoay chuyển nền kinh tế hay không; (ii) Thúc đẩy tiêu dùng, giải quyết nợ công là những biện pháp cần thiết để kích thích tăng trưởng kinh tế.

Các chuyên gia Trung Quốc đánh giá: (i) Các chỉ số kinh tế yếu hơn kỳ vọng đã cho thấy những thách thức dai dẳng do nội nhu của Trung Quốc tăng trưởng chậm, tuy nhiên Trung Quốc vẫn có khả năng đạt được mục tiêu tăng trưởng khoảng 5% trong năm 2024; (ii) Đánh giá tích cực về các biện pháp kích thích kinh tế mà Chính phủ Trung Quốc đưa ra trong tháng 10/2024, cho rằng các biện pháp này đã thúc đẩy đáng kể niềm tin của các nhà đầu tư và người tiêu dùng; (iii) Kêu gọi tăng cường hỗ trợ chính sách để duy trì tăng trưởng, theo đó trọng tâm chính là mở rộng đầu tư hiệu quả, thúc đẩy tiêu dùng và ổn định lĩnh vực bất động sản.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh, Trung Quốc)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here