Ứng dụng công nghệ tiên tiến trong phát triển chuỗi cung ứng

0
34
(minh họa)
(minh họa)
Theo các chuyên gia tham gia hội thảo khoa học quốc tế về Quản lý chuỗi cung ứng (VSSCM 2024) lần thứ 3 do Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) và Trường Đại học Thương mại phối hợp tổ chức vào ngày 21/10 tại Hà Nội, chuỗi cung ứng của Việt Nam hiện đang sở hữu nhiều lợi thế để phát triển mạnh mẽ trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Để khai thác tối đa tiềm năng này, việc thúc đẩy ứng dụng công nghệ vào chuỗi cung ứng là vô cùng cần thiết, nhằm tăng cường hiệu quả và sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
VIỆT NAM  – NHÂN TỐ QUAN TRỌNG TRONG CHUỖI CUNG ỨNG TOÀN CẦU
Trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu đang chuyển dịch mạnh mẽ, Việt Nam nổi lên như một điểm đến chiến lược đầy tiềm năng. Với vị thế địa lý đắc địa, nằm gần các thị trường lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ, Việt Nam đóng vai trò là một điểm nút quan trọng trong mạng lưới vận tải quốc tế. Đặc biệt, khoảng 40% lượng hàng hóa di chuyển từ Ấn Độ Dương sang Thái Bình Dương phải đi qua Biển Đông, càng khẳng định Việt Nam là một trung tâm lý tưởng để kết nối và thúc đẩy thương mại toàn cầu.
“Việt Nam hiện đang cung cấp một môi trường chính trị và kinh tế ổn định, và vị trí địa lý chiến lược của Việt Nam biến quốc gia này thành một trung tâm logistics tự nhiên trong khu vực Đông Nam Á”, GS. Alexandre Dolgui, Ngành Kỹ thuật Công nghiệp và Hệ thống, Thành viên IISE, IMT Atlantique (Pháp), nhấn mạnh. “Nhờ những yếu tố này, vai trò của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu chắc chắn sẽ tiếp tục được củng cố và mở rộng trong tương lai”.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp trong 9 tháng đầu năm 2024 ước tính tăng 8,34% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, ngành công nghiệp chế biến – lĩnh vực cốt lõi trong chuỗi cung ứng, đã ghi nhận mức tăng trưởng 9,76%.
Đồng thời, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong lĩnh vực này đạt 15,63 tỷ USD, tiếp tục giữ vững vị trí dẫn đầu trong số các ngành thu hút FDI tại Việt Nam. Những con số này cho thấy Việt Nam ngày càng khẳng định vị thế là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư quốc tế, đặc biệt trong bối cảnh các doanh nghiệp toàn cầu đang nỗ lực đa dạng hóa chuỗi cung ứng.
Nhận xét về tiềm năng phát triển chuỗi cung ứng tại Việt Nam, GS. Stefan Minner, Ngành Quản lý Chuỗi cung ứng và Logistics, Đại học Kỹ thuật Munich (Đức), đánh giá lợi thế nổi bật nhất của Việt Nam chính là chi phí sản xuất cạnh tranh, đặc biệt nhờ vào lực lượng lao động có tay nghề cao và sự phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực năng lượng. Bên cạnh đó, sự ổn định và minh bạch trong các quy định pháp lý là yếu tố quan trọng mà các nhà đầu tư luôn quan tâm, nhằm đảm bảo chuỗi cung ứng của họ vận hành một cách ổn định và bền vững tại Việt Nam.
“Thêm vào đó, thị trường tiêu dùng đang phát triển của Việt Nam cũng là điểm thu hút các công ty muốn kết hợp sản xuất và tiêu thụ ngay tại thị trường nội địa. Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích đầu tư trực tiếp, tạo điều kiện thuận lợi để các công ty thiết lập hoạt động nhằm đẩy mạnh xuất khẩu, từ đó càng làm tăng sức hấp dẫn của Việt Nam”, GS. Minner nhấn mạnh.
Một điểm hấp dẫn khác trong chuỗi cung ứng của Việt Nam đó chính là xu hướng phát triển chuỗi cung ứng xanh và bền vững. Trong đó, Việt Nam đã có những bước tiến ban đầu trong việc ứng dụng các công nghệ thân thiện với môi trường, sử dụng nguyên vật liệu bền vững và giảm thiểu khí thải. Vì vậy, GS. Minner nhận định rằng nếu Việt Nam tiên phong trong phát triển chuỗi cung ứng xanh, quốc gia này sẽ nắm bắt được lợi thế lớn khi nhu cầu về sản phẩm thân thiện với môi trường ngày càng gia tăng trên toàn cầu.
TÍCH HỢP CÔNG NGHỆ TRONG TRONG CHUỖI CUNG ỨNG – HƯỚNG ĐI TẤT YẾU
Với những lợi thế sẵn có, việc tích hợp công nghệ trong chuỗi cung ứng tại Việt Nam giúp tăng cường hiệu quả, giảm chi phí, cải thiện quản lý hàng tồn kho và độ chính xác, đồng thời thúc đẩy tính minh bạch và tin cậy nhờ công nghệ. Theo các chuyên gia, công nghệ cũng giúp chuỗi cung ứng linh hoạt, phản hồi nhanh trước biến động thị trường, hỗ trợ phát triển bền vững qua tối ưu hóa tài nguyên, và tạo điều kiện kết nối toàn cầu.
Báo cáo về kinh tế số Đông Nam Á dự báo quy mô giá trị gia tăng của kinh tế số Việt Nam năm 2024 sẽ đạt 52 tỷ USD, so với 14 tỷ USD vào năm 2020, tương đương mức tăng gấp 3,71 lần. Với tốc độ tăng trưởng vượt bậc này, việc tận dụng sự phát triển của kinh tế số và công nghệ trong chuỗi cung ứng là vô cùng quan trọng.
Theo các chuyên gia, công nghệ hiện đại đã trở thành động lực chính giúp Việt Nam nâng cao hiệu quả chuỗi cung ứng. Những công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI) và học máy (Machine Learning) đang mở ra nhiều cơ hội lớn trong việc tối ưu hóa hoạt động chuỗi cung ứng. Những công nghệ này không chỉ giúp giảm thiểu chi phí mà còn cải thiện sự liên kết giữa các giai đoạn trong quy trình sản xuất.
“Bên cạnh đó, công nghệ sản xuất bồi đắp (Additive Manufacturing) cũng được kỳ vọng sẽ thay đổi phương pháp sản xuất truyền thống, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong chuỗi cung ứng”, GS. Minner nhận xét.
Không những thế, để duy trì tính cạnh tranh, Việt Nam cần đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ như trí tuệ nhân tạo và học máy. Những công nghệ này không chỉ cải thiện hiệu suất sản xuất mà còn đóng vai trò quan trọng trong quản lý vận tải và logistics – những yếu tố then chốt trong chuỗi cung ứng.
“Lời khuyên của tôi là Việt Nam nên bắt đầu xây dựng năng lực trong những lĩnh vực này, đặc biệt thông qua giáo dục. Trí tuệ nhân tạo và học máy nên được tích hợp vào chương trình giảng dạy tại các trường đại học như những môn học chính yếu để giữ vững lợi thế cạnh tranh của chuỗi cung ứng của Việt Nam trên thị trường toàn cầu”, GS. Dolgui đề xuất thêm.
(Phương Hoa/vneconomy)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here