Thông điệp ngoại giao kinh tế của Thủ tướng Trung Quốc tại Trung Đông

0
68
Các quan chức Saudi Arabia tại Sân bay Quốc tế King Khalid ở Riyadh.

Trang chinausfocus.com mới đây bình luận Trung Quốc tập trung vào hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, công nghệ và ngoại giao, đồng thời thiết lập các mối quan hệ quân sự hạn chế. Cách tiếp cận này cũng phù hợp với nhu cầu của các quốc gia Arập, đặc biệt là Saudi Arabia và UAE, vốn đang trong quá trình chuyển đổi mà Trung Quốc có thể đóng vai trò quan trọng. Dù ít dù nhiều, chuyến công du khu vực của Thủ tướng Lý Cường đã góp phần củng cố xu hướng này.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường gần đây đã có chuyến công du đầu tiên tới Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE).

Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh Trung Đông rộng lớn đối mặt với nhiều biến động đáng kể, từ cuộc chiến tàn khốc của Israel với Palestine kéo dài gần một năm, những lo ngại gia tăng về việc nguy cơ gia tăng thù địch giữa Israel và Iran; cũng như triển vọng Mỹ hoàn tất một hiệp ước phòng thủ “lịch sử” với Saudi Arabia để tăng cường ảnh hưởng tại vương quốc này.

Trước những thách thức địa chính trị này, chuyến thăm của người đứng đầu chính phủ Trung Quốc tập trung vào việc mở rộng thương mại, kinh doanh, đầu tư và ngoại giao. Điều này phản ánh chính sách tổng thể của Trung Quốc là ưu tiên hợp tác kinh tế hơn là những khúc mắc địa chính trị với các quốc gia Arập tại Vịnh Ba Tư. Xu hướng này cũng nổi bật trong chính sách của các quốc gia vùng Vịnh đối với Trung Quốc.

Trong hệ thống phân cấp chính trị của Trung Quốc, ông Lý Cường là nhà lãnh đạo quan trọng thứ hai sau Chủ tịch Tập Cận Bình. Do đó, đây có thể xem chuyến thăm Saudi Arabia cấp cao đầu tiên của lãnh đạo Trung Quốc sau khi Bắc Kinh làm trung gian cho thỏa thuận hồi tháng 3/2023 nhằm khôi phục quan hệ ngoại giao giữa Saudi Arabia và Iran, một bước phát triển quan trọng với tác động sâu rộng trong khu vực.

Tại Saudi Arabia, Thủ tướng Lý Cường đã gặp Thái tử Mohammad bin Salman; đồng chủ trì cuộc họp của ủy ban chung cấp cao Saudi Arabia-Trung Quốc; hội đàm với Tổng thư ký Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh Mohamed Albudaiwi và đồng chủ trì phiên đàm phán vùng Vịnh-Trung Quốc. Ủy ban chung cấp cao Saudi Arabia-Trung Quốc, được 2 bên luân phiên chủ trì, tập trung vào các khía cạnh chính là hợp tác chính trị, thương mại, đầu tư, năng lượng, văn hóa và công nghệ.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của Saudi Arabia trong ngoại giao Trung Quốc, Thủ tướng Lý Cường nói: “Trung Quốc coi việc phát triển quan hệ với Saudi Arabia là ưu tiên hàng đầu trong ngoại giao tổng thể, đặc biệt là ngoại giao tại Trung Đông”. Ông bày tỏ sự ủng hộ đối với mong muốn của Saudi Arabia nhằm đóng vai trò lớn hơn trong các vấn đề khu vực và quốc tế và nhấn mạnh sự cần thiết của phối hợp đa phương và thống nhất giữa các quốc gia châu Á, cùng duy trì công bằng và công lý quốc tế cũng như thúc đẩy quản trị toàn cầu theo hướng công bằng và hợp lý hơn. Saudi Arabia và Trung Quốc đều quyết tâm tăng cường quan hệ đối tác chiến lược toàn diện trên mọi lĩnh vực.

Saudi Arabia và Trung Quốc hiện là những đối tác thương mại lớn nhất trong khu vực. Theo “Arab News”, kim ngạch thương mại hai chiều năm 2023 đạt 97 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Saudi Arabia sang Trung Quốc (chủ yếu là dầu mỏ) đạt 54 tỷ USD và nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 43 tỷ USD. Đến tháng 6 năm nay, thương mại song phương đã đạt 48 tỷ USD. Saudi Arabia là nhà cung cấp dầu thô lớn thứ hai của Trung Quốc. Nguồn cung dầu của nước này cho Trung Quốc giảm nhẹ do hậu quả của chiến tranh Ukraine-Nga và Trung Quốc đã tăng lượng dầu nhập khẩu từ Nga có giá tương đối rẻ hơn. Từ tháng 10 tới, xuất khẩu dầu của Saudi Arabia sang Trung Quốc sẽ tăng 7% tăng từ mức hiện tại là 43 triệu thùng/tháng lên hơn 46 triệu thùng/tháng.

Tính riêng những diễn biến trong quan hệ Saudi Arabia-Trung Quốc vài tuần qua đã đủ báo hiệu một mối quan hệ trên đà phát triển mạnh mẽ. Trong tháng 8, quỹ đầu tư công của Saudi Arabia, một quỹ đầu tư quốc gia với tổng tài sản trị giá khoảng 925 tỷ USD (có văn phòng tại Trung Quốc), đã ký một thỏa thuận khổng lồ trị giá 50 tỷ USD với các tổ chức tài chính hàng đầu của Trung Quốc như Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc, Ngân hàng Trung Quốc, Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc, Tổng Công ty Bảo hiểm Xuất nhập khẩu Trung Quốc, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc và Ngân hàng Công thương Trung Quốc.

Đầu tháng 9, Bộ trưởng Công nghiệp và Khoáng sản Saudi Arabia Bandar bin Ibrahim Alkhorayef đã đến Bắc Kinh và Hong Kong để tìm hiểu triển vọng hợp tác trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Trong khi đó, các hoạt động giao lưu văn hóa cũng được thúc đẩy lên tầm cao mới. Bắc Kinh đã cử 175 giáo viên tiếng Trung và Riyadh đã triển khai chương trình giảng dạy tiếng Trung tại các cơ sở giáo dục công lập. Trung Quốc cũng đang xây dựng các nhà máy sản xuất xe điện tại Saudi Arabia, trong khi vương quốc Arập đầu tư đáng kể vào lĩnh vực dầu mỏ và ngành lọc dầu của Trung Quốc trong khuôn khổ chiến lược “hạ nguồn”, chú trọng các hoạt động liên quan đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Tại UAE, Thủ tướng Lý Cường đã gặp với Tổng thống Sheikh Mohamed bin Zayed và Phó Tổng thống kiêm Thủ tướng Sheikh Mohammed bin Rashid Al Maktoum. Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc mở rộng hợp tác trong thương mại, năng lượng tái tạo, công nghệ và văn hóa, đặc biệt tập trung vào các chiến lược phát triển chung.

Thủ tướng Trung Quốc đã có bài phát biểu tại diễn đàn doanh nghiệp UAE-Trung Quốc, có sự tham dự của hơn 200 đại biểu. Diễn đàn do Phòng Thương mại Dubai, Phòng Thương mại Trung Quốc về Xuất nhập khẩu Máy móc và Sản phẩm Điện tử cùng Bộ Kinh tế UAE phối hợp tổ chức. Tại đây, Thủ tướng Lý Khắc Cường nhấn mạnh quan hệ Trung Quốc-UAE đang ở “thời điểm lịch sử”, kêu gọi khu vực doanh nghiệp nắm bắt xu hướng gia tăng và những cơ hội. Ông cho biết Trung Quốc sẵn sàng chia sẻ các cơ hội phát triển với UAE vì lợi ích chung, hoan nghênh nhiều khoản đầu tư hơn từ UAE vào Trung Quốc và khuyến khích các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư và kinh doanh tại UAE.

Chuyến thăm UAE của Thủ tướng Lý Khắc Cường trùng với dịp kỷ niệm 40 năm Trung Quốc-UAE thiết lập quan hệ ngoại giao. Trong 4 thập kỷ qua, hai bên đã ký hơn 130 hiệp định song phương hoặc biên bản ghi nhớ. Trong chuyến thăm UAE của Chủ tịch Tập Cận Bình hồi tháng 7/2018, hai nước đã nâng cấp quan hệ thành đối tác chiến lược toàn diện. UAE, nơi bắt đầu cải cách sớm hơn Saudi Arabia, đã trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các doanh nghiệp và doanh nhân Trung Quốc. Hơn 15.500 công ty Trung Quốc đang hoạt động tại UAE và ước tính 1,2 triệu du khách Trung Quốc đến quốc gia này vào năm ngoái.

Trong nhiều năm, UAE là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Trung Quốc và là đối tác thương mại lớn thứ hai tại Trung Đông, đồng thời là nguồn cung dầu lớn thứ năm của Trung Quốc. Năm 2023, kim ngạch thương mại Trung Quốc-UAE đạt gần 95 tỷ USD, và chỉ mới tính đến nửa đầu năm nay, con số này đã vượt quá 50,1 tỷ USD.

Xu hướng này, cùng với các thỏa thuận tài chính như hoán đổi tiền tệ, nhu cầu giao dịch bằng nội tệ, tiền kỹ thuật số và phối hợp liên ngân hàng, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh và giảm sự phụ thuộc vào đồng USD. Tuy nhiên, một trong những trở ngại đối với việc thúc đẩy thương mại là tiến độ đàm phán chậm chạp về hiệp định thương mại tự do. Tại cả Saudi Arabia và UAE, Thủ tướng Lý Cường đều nhấn mạnh cần phải đẩy nhanh các cuộc đàm phán về FTA giữa Trung Quốc và GCC. Từ năm 2005, Trung Quốc đã theo đuổi FTA với các nước GCC, song Saudi Arabia, quốc gia đặt mục tiêu trở thành trung tâm sản xuất trong khu vực, lo ngại nguy cơ hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc tràn ngập thị trường và ảnh hưởng tiêu cực đến các ngành công nghiệp địa phương.

Cả ba quốc gia đều đang đưa ra các cải cách cơ cấu để thu hút thêm đầu tư. Đáng chú ý, Trung Quốc có kế hoạch nới lỏng hơn nữa khả năng tiếp cận thị trường bằng cách xóa bỏ hạn chế tiếp cận thị trường đối với đầu tư nước ngoài trong ngành sản xuất và dịch vụ chất lượng cho các doanh nghiệp nước ngoài.

Mỹ, đối thủ chính của Trung Quốc trong khu vực, có sự hiện diện quân sự mạnh mẽ ở tất cả các quốc gia vùng Vịnh và đã mở rộng hơn nữa trong những năm gần đây. Tuy nhiên, thực tế cho thấy bất chấp những động thái chiến lược rõ ràng này, Trung Quốc hiếm khi có phản ứng theo góc nhìn địa chiến lược.

Nói cách khác, chính sách đương đại của Trung Quốc đối với các quốc gia vùng Vịnh Arập xuất phát từ những tính toán của riêng họ chứ không phải là phản ứng đối với các chính sách của Mỹ trong khu vực.

Thái Bình

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here