Đặt lên bàn cân “con tim” và “lý trí” trong chính sách cho vay của IMF

0
66
Trụ sở Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) tại Washington, DC, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Một tổ chức vốn có trách nhiệm cung cấp lợi ích từ một hệ thống tài chính quốc tế vận hành tốt trên thực tế lại đang yêu cầu các quốc gia khó có khả năng thanh toán các hóa đơn của chính họ phải “chi trả” cho phần còn lại của thế giới.

Một nhóm bao gồm 22 quốc gia đang gặp khó khăn về mặt tài chính, trong đó có Pakistan và Ukraine, đã trở thành nguồn thu ròng lớn nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) những năm gần đây, khi số tiền phải trả cho IMF lớn hơn nhiều so với chi phí mà quỹ này phải bỏ ra để hoạt động, dẫn đến mâu thuẫn trong việc hỗ trợ các quốc gia.

Bình luận của tờ project-syndicate cho thấy, mâu thuẫn này là hệ quả của các chính sách phụ phí mà IMF áp dụng, trong đó thu thêm phí với các quốc gia đi vay vượt quá ngưỡng số tiền hoặc quá hạn thanh toán. “Phí phạt” đối với các quốc gia đang bị chiến tranh tàn phá như Ukraine hay Pakistan với mức thu nhập trung bình thấp, nơi lũ lụt ảnh hưởng nghiêm trọng tới 30% phần lãnh thổ 2 năm về trước, dường như là thứ đối lập với “sứ mệnh” của IMF là duy trì sự ổn định trong hệ thống tài chính toàn cầu.

Các khoản phụ phí không đảm bảo khả năng hoàn trả cũng như bảo vệ nguồn tài chính của IMF. Thay vào đó, chúng gia tăng gánh nặng thanh toán nợ vào thời điểm các quốc gia này khó có khả năng chi trả nhất. Tệ hơn, phụ phí ngày càng trở thành vấn nạn nghiêm trọng hơn với các quốc gia mắc nợ những năm gần đây. Năm 2020, chỉ 10 quốc gia phải trả các khoản phí này cho IMF nhưng đến năm 2023, con số đó đã tăng lên 22 quốc gia sau cú sốc từ đại dịch COVID-19, chiến tranh Ukraine và lãi suất tăng. Điều quan trọng là lãi suất cơ bản của IMF đã tăng từ dưới 1% lên gần 5%, nâng tổng lãi suất cho vay đối với những quốc gia phải trả phụ phí lên tới 7,8%. Kết quả là đã khó càng thêm khó, và các quốc gia này ngày càng không thể tìm cách thoát khỏi mớ bòng bong nợ nần.

Những người ủng hộ phụ phí lập luận rằng các khoản phí bổ sung sẽ ngăn chặn tình trạng các con nợ vay quá nhiều từ IMF. Tuy nhiên, quan điểm này dường như đã cố tình phớt lờ rằng các khoản vay cần phải được Ban Giám đốc Điều hành IMF chấp thuận và họ hoàn toàn có thể từ chối những yêu cầu thiếu chính đáng. Phụ phí thậm chí khiến các quốc gia phụ thuộc hơn vào IMF.

IMF luôn là “chủ nợ” được ưu tiên, do đó các quốc gia phải trả nợ cho Quỹ trước các chủ nợ khác. Việc “chồng” thêm phụ phí thậm chí có khiến các nước nợ nần phải dùng đến nguồn ngoại tệ khan hiếm hơn để trả nợ cho IMF, hạn chế khả năng tích lũy dự trữ ngoại hối và tái tiếp cận thị trường vốn quốc tế. Trước tình hình này, nhiều quốc gia không còn lựa chọn nào khác ngoài vòng luẩn quẩn là tiếp tục phụ thuộc vào khoản vay từ IMF để trả các khoản vay trước đó cho chính quỹ này.

Các yếu tố bên ngoài như lãi suất tăng, cú sốc giá hàng hóa, tiền tệ bị định giá quá cao và ảnh hưởng của các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt thường khiến các quốc gia phải vay khoản tiền lớn từ IMF. Tương tự, khả năng tiếp cận thị trường tín dụng quốc tế và trả nợ cho IMF “sớm hơn” phụ thuộc phần lớn vào các điều kiện tài chính toàn cầu, cũng là một yếu tố bên ngoài. Trong bối cảnh quốc tế bất lợi, việc gia tăng gánh nặng cho các quốc gia đang gánh chịu khủng hoảng nợ sẽ càng phản tác dụng với mục tiêu khôi phục quỹ đạo tăng trưởng ổn định.

Những người bảo vệ lập luận về các khoản phụ phí vẫn cho rằng đây là điều cần thiết để xây dựng bộ đệm tài chính cho IMF. Tuy nhiên, việc bỏ qua thực tế là việc dồn gánh nặng cho các quốc gia đang gặp khó đi ngược với sứ mệnh bảo vệ sự ổn định tài chính của quỹ.

Năm nay, IMF dự kiến đạt mục tiêu trung hạn về số dư dự phòng (nhu cầu đã bị phóng đại quá mức, do hiếm gặp tình trạng vỡ nợ của người đi vay). Khi đạt được mục tiêu đó, phụ phí sẽ lấy tiền từ các nước thu nhập trung bình mắc nợ lớn để vận hành IMF – vô hình trung giảm bớt gánh nặng cho các quốc gia giàu có. Việc yêu cầu các quốc gia này tài trợ dòng hàng hóa công cộng toàn cầu là không phù hợp trong bối cảnh các quốc gia nên tăng cường đầu tư nhằm đáp ứng Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) năm 2030 của Liên hợp quốc, và các khoản đóng góp do quốc gia tự quyết định theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.

Đợt đánh giá chính sách phụ phí mới gần đây là cơ hội để IMF sửa chữa một hệ thống đã lỗi thời và nhiều lỗ hổng. Ban quản trị IMF cần lắng nghe những lời kêu gọi cải cách và khuyến nghị, chẳng hạn như nhận định của Thủ tướng Barbados Mia Amor Mottley, nhóm 24 nước đang phát triển (G24) và một số nhà lập pháp Mỹ.

Cách đơn giản và hiệu quả nhất là loại bỏ hoàn toàn chính sách này. Nếu mọi chuyện là bất khả thi về mặt chính trị, họ có thể cân nhắc một số cải cách như việc giới hạn tổng phí lãi suất (lãi suất cơ bản cộng phụ phí). Bằng cách này, áp lực và gánh nặng cho các quốc gia mắc nợ sẽ được giảm bớt, điều rất đáng và rất nên làm trong bối cảnh các điều kiện tiền tệ thắt chặt hiện nay và từ đó, phụ phí cũng có thể giảm khi lãi suất cơ bản của quỹ tăng.

Các điều chỉnh kỹ thuật khác có thể hỗ trợ giảm gánh nặng của phụ phí. Lấy ví dụ, IMF có thể tăng ngưỡng áp dụng phụ phí và điều chỉnh chúng theo các giới hạn “quyền truy cập đặc biệt” hiện tại, mà theo đó, khi vượt quá giới hạn này, tình hình của một quốc gia được coi là đủ đặc biệt để cho phép vay ngoài khuôn khổ tiêu chuẩn của IMF.

Ngay cả khi phụ phí từng là một chính sách có ý nghĩa, thời thế thay đổi và đòi hỏi nhiều điều chỉnh thức thời. IMF sở hữu nguồn tài chính vững mạnh, song các quốc gia như Pakistan và Ukraine thì không. Việc buộc các nước khó khăn này phải trả khoản phụ phí nặng nề chỉ càng gia tăng gánh nặng. Đây không phải cách bảo vệ nền kinh tế thế giới hay đảm bảo nguồn tiền vận hành một tổ chức vốn chịu trách nhiệm về ổn định tài chính trên toàn cầu.

Thái Bình

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here