Diễn đàn quốc tế Mekong (MIF) 2024 sắp diễn ra ở Hà Nội có chủ để “Chuyển đổi năng lượng hướng tới phát triển bền vững ở tiểu vùng sông Mekong”.
Tiếp nối thành công của chuỗi Diễn đàn Mekong (Mekong Forum) được khởi động từ năm 2022, Học viện Ngoại giao Việt Nam (DAV) và Quỹ Konrad-Adenauer-Stiftung Việt Nam (KAS) sẽ đồng chủ trì tổ chức Diễn đàn quốc tế Mekong lần thứ 4 tại thành phố Hà Nội, vào ngày 27/9.
Với sự tham gia của gần 20 diễn giả cùng đông đảo đại diện từ các ban, bộ, ngành, viện nghiên cứu và các địa phương trên cả nước, cùng các đại diện từ các Đại sứ quán và tổ chức quốc tế tại Việt Nam, Diễn đàn quốc tế Mekong 2024 sẽ là dịp để các chuyên gia, học giả Việt Nam và quốc tế chia sẻ thông tin, tri thức, đánh giá thực trạng cũng như thuận lợi và thách thức trong hợp tác tiểu vùng Mekong.
Những ý tưởng, sáng kiến, khuyến nghị và giải pháp trao đổi, thảo luận tại Diễn đàn được kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao hiệu quả hợp tác, tối ưu hóa các nguồn lực vì sự phát triển bền vững ở tiểu vùng Mekong.
Dự kiến, Diễn đàn có sự tham gia của gần 20 diễn giả uy tín trong nước và quốc tế với 3 phiên thảo luận chính: Phiên 1 tập trung vào bối cảnh địa chính trị và an ninh năng lượng trong khu vực; Phiên 2 chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn và phối hợp chính sách về chuyển đổi năng lượng; Phiên 3 nhấn mạnh vai trò của các đối tác và bên liên quan trong quá trình chuyển đổi năng lượng.
Sông Mekong có vai trò quan trọng không chỉ với các nước tiểu vùng mà với toàn cầu. Sông Mekong là nguồn sống của trên 60 triệu người trong lưu vực, cung cấp khoảng 1/4 sản lượng cá nước ngọt và 15% sản lượng lúa gạo toàn cầu.
Tiểu vùng sông Mekong mở rộng, bao gồm sáu nước Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Trung Quốc (gồm 02 tỉnh Vân Nam và Quảng Tây) đang bước vào giai đoạn phát triển mạnh mẽ, với nhu cầu năng lượng tăng cao để đáp ứng tiến trình công nghiệp hóa và đô thị hóa nhanh chóng. Tuy nhiên, trước những áp lực ngày càng lớn từ biến đổi khí hậu, khu vực này đối diện với nhu cầu cấp bách về chuyển đổi năng lượng bền vững.
Quá trình chuyển đổi năng lượng tại tiểu vùng Mekong không chỉ đòi hỏi sự quyết tâm và nỗ lực lâu dài của mỗi nước, mà còn yêu cầu sự hợp tác chặt chẽ giữa các quốc gia trong khu vực để giải quyết các thách thức đặt ra bao gồm: cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững, các vấn đề liên quan đến nguồn lực tài chính, công nghệ… Trong bối cảnh đó, Diễn đàn quốc tế Mekong do Học viện Ngoại giao Việt Nam (DAV) và Quỹ Konrad-Adenauer-Stiftung Việt Nam (KAS) đồng chủ trì với chủ đề: “Chuyển đổi năng lượng hướng tới phát triển bền vững ở tiểu vùng sông Mekong”.
Phát biểu tại Diễn đàn quốc tế Mekong 2023 với chủ đề “Nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ chế hợp tác tiểu vùng sông Mekong, hướng tới phát triển bền vững”, Quyền Giám đốc Học Viện Ngoại giao, TS. Phạm Lan Dung cho rằng, các cơ chế hợp tác tại Tiểu vùng Mekong góp phần hình thành các trục giao thông, hành lang kết nối, liên kết kinh tế; tạo thêm nguồn lực cho phát triển kinh tế xã hội bền vững. Tuy nhiên, một số lĩnh vực hợp tác có tình trạng chồng chéo, kém hiệu quả do thiếu vai trò điều phối và thiếu sự phối hợp giữa các cơ chế.
Các nước nhận thức rõ vấn đề nhưng khó có thể giải quyết một cách căn bản do sự khác biệt về lợi ích giữa các đối tác phát triển, giữa các nước Mekong với các đối tác và giữa các nước Mekong với nhau. Trong bối cảnh đó, việc tăng cường nghiên cứu, trao đổi, tìm kiếm giải pháp nhằm hài hòa lợi ích của các quốc gia, nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ chế hợp tác đặt ra hết sức cấp thiết.
TS. Phạm Lan Dung cho rằng, bên cạnh nỗ lực của kênh ngoại giao chính thức, các ý tưởng, sáng kiến, giải pháp của giới chuyên gia, học giả sẽ góp phần hỗ trợ thực hiện các mục tiêu này. Hợp tác liên cơ chế, hành động tập thể, chia sẻ kiến thức và phối hợp chính sách là chìa khóa để thúc đẩy hợp tác hướng tới tương lai bền vững của tiểu vùng Mekong…
Chu Văn