Tăng tốc cho nền kinh tế Net Zero

0
33
Các diễn giả tham gia thảo luận tại sự kiện. (Nguồn: Tạp chí Kinh tế Sài Gòn)

Vừa qua, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn đã tổ chức sự kiện Phát triển bền vững 2024 với chủ đề “Tăng tốc cho nền kinh tế Net Zero” thuộc chuỗi Diễn đàn Kinh tế Xanh TP. Hồ Chí Minh.

Sự kiện thu hút hơn 200 khách tham dự gồm đông đảo doanh nghiệp, chuyên gia, nhà quản lý, các định chế tài chính cùng tham gia và bàn luận về những bước đi cụ thể cho con đường chuyển đổi sang nền kinh tế phát thải thấp.

Theo ông Trần Minh Hùng, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế Sài Gòn, bên cạnh biến đổi khí hậu thì suy giảm tài nguyên thiên nhiên, ô nhiễm môi trường, thiệt hại về kinh tế, gia tăng bất bình đẳng và xung đột xã hội… là những hậu quả ngày càng thấy rõ hơn từ việc phát triển thiếu bền vững. Nếu các bên liên quan không nhanh chóng bắt tay đối phó thì hậu quả để lại cho thế hệ sau này sẽ còn nặng nề hơn.

Trên thực tế, Việt Nam đang nỗ lực hành động nhằm đạt được mục tiêu Net Zero vào năm 2050. Việt Nam đã triển khai nhiều biện pháp và chính sách liên quan đến giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy năng lượng tái tạo và bảo vệ môi trường.

Mặt khác, hoạt động tăng trưởng xanh tại Việt Nam cũng đạt được những kết quả tích cực ban đầu sau khi thực hiện trong thời gian qua. Những hành động này, thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc tham gia vào cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và hướng đến mục tiêu Net Zero vào năm 2050.

Theo TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách Hà Nội thông tin, các doanh nghiệp trong khu công nghiệp đang rất cần giải quyết bài toán tiết kiệm năng lượng và được sở hữu “chứng chỉ xanh”, chứng minh cho lộ trình giảm phát thải, bên cạnh thực hành đầy đủ các yếu tố ESG bao gồm cả trách nhiệm xã hội và các hành động bảo vệ môi trường.

“Thế nhưng mức độ thực hành ESG với doanh nghiệp trong nước hiện nay còn khá thấp. Dẫn báo cáo của PwC về mức độ sẵn sàng thực hành ESG tại Việt Nam năm 2022-2023, dù có đến 80% doanh nghiệp đã cam kết hoặc có kế hoạch cam kết ESG trong 2-4 năm tới nhưng số lượng báo cáo ESG được công bố vào năm ngoái cho thấy còn rất hạn chế. Nguyên nhân là lãnh đạo cấp cao của doanh nghiệp chưa tham gia thúc đẩy thực hành các cam kết ESG”, ông Việt chia sẻ.

Báo cáo phát triển bền vững 2023 của KPMG cũng chỉ ra rằng thực hành ESG tại doanh nghiệp ở Việt Nam có thay đổi nhưng vẫn chưa hiệu quả. Cụ thể hơn 90% nguyên liệu đầu vào của các doanh nghiệp vẫn chưa minh chứng được tính bền vững và cũng không được phân loại theo các yêu cầu của ESG. Hay mục tiêu cắt giảm lượng carbon của Việt Nam chỉ đạt 10%, thấp hơn nhiều so với các quốc gia cùng khu vực.

Theo ông Việt, nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là do doanh nghiệp chưa hiểu rõ về khái niệm Net Zero; thiếu hệ thống và công cụ phân tích dữ liệu; không có một bộ các tiêu chuẩn xanh chung; không có lộ trình chuyển đổi xanh thống nhất cho tất cả các loại hàng hóa xuất khẩu… Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp cho rằng, chi phí đầu tư lớn cho việc chuyển đổi xanh là quá lớn, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Bà Nguyễn Thị Toại, Trưởng Văn phòng phía Nam Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, để đạt cam kết đạt mục tiêu Net Zero vào năm 2050, Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp cần nhanh chóng tăng cường chuyển đổi xanh, cũng như giảm lượng carbon khoảng 78%.

Đặc biệt, chính sách xanh ở các quốc gia nhập khẩu liên tục phát triển theo thời gian, chuyển đổi về yêu cầu “chuẩn xanh”. Đồng thời không có một bộ các tiêu chuẩn xanh chung, không có lộ trình chuyển đổi xanh thống nhất cho tất cả loại hàng hóa xuất khẩu hay thị trường thì bài toán vượt qua các rào cản thương mại trên thị trường toàn cầu là vấn đề sống còn đối với cả doanh nghiệp lẫn quốc gia xuất khẩu như Việt Nam.

Còn ông Lim Dyi Chang, Giám đốc Khối Ngân hàng doanh nghiệp, Ngân hàng UOB Việt Nam dẫn chứng Nghiên cứu Triển vọng doanh nghiệp năm 2024 của Ngân hàng này cho thấy, 50% các công ty Việt Nam cho biết việc thiếu các giải pháp tài chính bền vững là rào cản lớn trong hành trình chuyển đổi xanh của họ.

Theo ước tính của World Bank, Việt Nam sẽ cần 368 tỷ USD vào năm 2040 để tài trợ cho cơ sở hạ tầng, công nghệ mới và các chương trình xã hội cho quá trình chuyển đổi của Việt Nam. Trong vòng 10 năm tới, theo ông Darryl James Dong, Đại diện cấp cao Phụ trách Văn phòng TP. Hồ Chí Minh, Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), Việt Nam sẽ cần huy động hàng trăm tỷ USD, trong đó khu vực tư nhân sẽ đóng vai trò dẫn đầu.

“Hiện nay, tín dụng xanh của các ngân hàng nội địa mới chỉ chiếm tỷ trọng 4,5%, trong khi lẽ ra ngân hàng phải là nơi cấp vốn chủ lực. Sự thật đáng buồn là mặc dù nhu cầu nguồn vốn là một bức tường khổng lồ, cánh cửa cho tài chính khí hậu ở Việt Nam chỉ mới hé mở một chút”, ông Darryl chia sẻ.

Do đó, về phía IFC, cuối tháng 6 vừa qua, tổ chức quốc tế này công bố gói tài chính 150 triệu USD cho Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank). Gói tài trợ bao gồm khoản đầu tư vào trái phiếu xanh lam đầu tiên ở Việt Nam và trái phiếu xanh lá đầu tiên do một ngân hàng thương mại tư nhân trong nước phát hành.

Trong gói tài trợ này, IFC đăng ký mua 25 triệu USD trái phiếu xanh lam để giúp SeABank huy động thêm vốn cho các hoạt động kinh tế bền vững gắn với đại dương và nước (như nuôi trồng và khai thác thủy sản, cấp nước sạch…)

IFC cũng đăng ký mua trái phiếu xanh lá trị giá 50 triệu USD nhằm giúp SeABank mở rộng cho vay trong các lĩnh vực như tòa nhà xanh, năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng.

Vân Chi

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here