Điều kiện đầu tư thuận lợi là một trong những yếu tố quan trọng kích thích sự gia tăng số lượng doanh nghiệp và các dự án đầu tư vào Thái Nguyên.
Trong tháng 8/2024, toàn tỉnh Thái Nguyên cấp mới đăng ký kinh doanh cho 134 doanh nghiệp với số vốn đăng ký 740 tỷ đồng; cấp điều chỉnh thay đổi cho 302 doanh nghiệp, cấp phép thành lập 71 đơn vị trực thuộc.
Tính chung 8 tháng năm 2024, toàn tỉnh cấp mới đăng ký kinh doanh cho 742 doanh nghiệp với số vốn đăng ký 6.345 tỷ đồng, cấp điều chỉnh thay đổi cho 1.436 doanh nghiệp, cấp thành lập 466 đơn vị trực thuộc, có 98 doanh nghiệp giải thể và 333 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động.
Như vậy, tính đến thời điểm hết tháng 8/2024, toàn tỉnh Thái Nguyên có 10.463 doanh nghiệp, với tổng vốn đăng ký trên 150.647 tỷ đồng.
Thời gian qua, Thái Nguyên đẩy mạnh thu hút đầu tư trong nước các dự án ngoài ngân sách. Tính chung 8 tháng năm 2024, toàn tỉnh cấp quyết định chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư cho 10 dự án với tổng số vốn trên 1.258 tỷ đồng; cấp quyết định chấp thuận nhà đầu tư cho 19 dự án với tổng số vốn trên 13.453 tỷ đồng; cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 9 dự án với số vốn trên 4.988 tỷ đồng; điều chỉnh tăng vốn cho 3 dự án với số vốn trên 1.004 tỷ đồng. Lũy kế đến nay, tổng số dự án ngoài ngân sách sử dụng vốn đầu tư trong nước còn hiệu lực là 908 dự án với số vốn đăng ký 196.243 tỷ đồng.
Về thu hút đầu tư FDI, trong tháng 8/2024, toàn tỉnh có 4 dự án FDI cấp mới với tổng số vốn đăng ký đạt 7,67 triệu USD, 1 dự án tăng vốn với tổng số vốn 0,8 triệu USD.
Tính chung 8 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh có 18 dự án FDI cấp mới với tổng số vốn đăng ký đạt 499,7 triệu USD, 14 lượt dự án tăng vốn với số vốn đăng ký đạt 64,65 triệu USD. Với thành tích này, Thái Nguyên cũng lot top 10 tỉnh thành thu hút FDI nhiều nhất trong 8 tháng đầu năm 2024.
Lũy kế đến nay, trên địa bàn tỉnh có 215 dự án FDI còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký đạt 10,79 tỷ USD.
Các chuyên gia cho rằng, so với một số tỉnh trong vùng Thủ đô, Thái Nguyên còn nhiều dư địa để thu hút đầu tư với quỹ đất công nghiệp được quy hoạch rất lớn. Cụ thể, Thái Nguyên đang sở hữu 6 khu công nghiệp (KCN) tập trung, trong đó có 5 khu đã duy trì hoạt động ổn định.
Trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt, tỉnh có 11 KCN và 1 khu công nghệ thông tin tập trung với tổng diện tích lên tới 4.245ha, rất thuận lợi để thu hút đầu tư và mở rộng dự án. Các nhà đầu tư đánh giá rất cao những cam kết của tỉnh về chính sách ưu đãi đầu tư, trong đó có chính sách về mặt bằng, đất đai, thuế, thủ tục hành chính…
Nhà đầu tư trong và ngoài nước đang rất quan tâm đến KCN Sông Công II – giai đoạn 2 vì đây là một trong những dự án có sức hút lớn. Thứ nhất, KCN này có quy mô lớn, thuận lợi về giao thông, có tính liên kết cao với các KCN còn lại của tỉnh và các tỉnh, thành trong khu vực.
Thứ hai, Dự án này được tỉnh Thái Nguyên đặc biệt quan tâm, chỉ đạo đầu tư gấp rút. Hiện tại, công tác giải phóng mặt bằng ở đây đang tiến triển tích cực, chính quyền địa phương đã thông qua phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng đối với 407 hộ, tổng diện tích trên 88ha. Tỉnh đã có chủ trương đầu tư 3 dự án tái định cư và 1 nghĩa trang nhân dân để kịp thời phục vụ dự án.
Ngoài ra, với 4 KCN đã được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chung, quy hoạch phân khu thì có 3 KCN là: Phú Bình, Yên Bình 3 và Thượng Đình đã có doanh nghiệp đề xuất chủ trương đầu tư hạ tầng.
Không chỉ các KCN, nhà đầu tư cũng rất chú ý đến các cụm công nghiệp (CCN) trên cơ sở phù hợp với điều kiện đăng ký đầu tư của từng doanh nghiệp. Thời gian qua, tỉnh rất quan tâm quy hoạch, thu hút đầu tư hạ tầng CCN. 7 tháng qua, tỉnh đã phê duyệt thêm 6 dự án CCN với tổng mức đầu tư gần 4.200 tỷ đổng, với diện tích gần 359ha, nâng tổng số dự án CCN có chủ đầu tư hạ tầng lên 27/41 CCN được quy hoạch.
Điều kiện đầu tư thuận lợi là một trong những yếu tố quan trọng kích thích sự gia tăng số lượng doanh nghiệp và các dự án đầu tư vào Thái Nguyên.
Hải An