Quỹ Tiền tệ Quốc tế thông qua gói cứu trợ “treo” cho Hy Lạp

0
120

Ngày 20/7, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã thông qua một chương trình cứu trợ “trên nguyên tắc” cho Hy Lạp trị giá 1,8 tỷ USD, nghĩa là gói cứu trợ này sẽ không đi kèm các khoản giải ngân ngay lập tức.

Tuyên bố của IMF nêu rõ các khoản cứu trợ chỉ được giải ngân khi IMF nhận được sự bảo đảm “đặc biệt và đáng tin cậy” của các nước Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) về một kế hoạch giảm nợ, cũng như chương trình kinh tế của Hy Lạp phải đi đúng hướng.

Việc thông qua một khoản vay mà không có một khoản giải ngân ngay lập tức được cho là một bước đi thỏa hiệp từ phía IMF nhằm giải quyết những bất đồng giữa các nước thành viên Eurozone với thể chế tài chính này liên quan tới giai đoạn 3 của chương trình cứu trợ Hy Lạp. Tuy nhiên, các quan chức IMF khẳng định quyết định của cơ quan này không đi ngược lại luật pháp, nêu rõ chiến lược này từng được sử dụng trong 19 trường hợp vào giai đoạn những năm 1980 đối với các nước như Argentina, Brazil, Mexico and Nam Tư.

Tháng trước, 19 bộ trưởng tài chính của Eurozone đã đạt được thỏa thuận cho phép khởi động giai đoạn 3 của chương trình cứu trợ Hy Lạp với số tiền lên đến 86 tỉ euro, vốn được ký kết từ năm 2015 nhưng bị đình trệ nhiều tháng qua vì những bất đồng giữa Eurozone và IMF. IMF cho rằng các khoản nợ của Athens là không bền vững và yêu cầu Eurozone tiếp tục giảm nợ cho Hy Lạp. Tuy nhiên, Đức lại đặt ra điều kiện sẽ chỉ giảm nợ nếu IMF tham gia một chương trình cho vay.

Với kết quả này, dù trước mắt Hy Lạp chưa nhận được ngay các biện pháp giúp giảm nhẹ khoản nợ lớn chiếm tới 179% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đề nghị từ nhiều tháng qua, nhưng Eurozone đã hứa hẹn sẽ mang lại cho Athens những biện pháp trợ giúp cụ thể trong tương lai.

Để đạt được thỏa thuận trên, IMF đã chấp nhận hạ thấp các điều kiện khi đưa ra lập trường nguyên tắc mở đường cho thể chế tài chính quốc tế này tham gia chương trình hỗ trợ cho Hy Lạp, nhưng cho biết họ kiên quyết không giải ngân một khi Eurozone chưa đạt được quyết định giảm nợ cho Hy Lạp. Bên cạnh đó, IMF đồng ý lùi thời hạn các cuộc thương lượng về nợ của Hy Lạp.

Nhiều năm qua, Chính phủ Hy Lạp đã phải thực hiện một loạt biện pháp cải cách khắc khổ nhằm đáp ứng yêu cầu của các chủ nợ./.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here