Cải thiện cơ cấu sản phẩm, tiến sâu hơn vào chuỗi giá trị của Hoa Kỳ

0
91
Đến hết tháng 7 năm 2024, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 9 của Hoa Kỳ. (Nguồn: Vneconomy)

Hoa Kỳ luôn là thị trường xuất khẩu quan trọng số một của Việt Nam và là thị trường có tiêu chuẩn cao, áp dụng ngày càng nhiều các biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam.

Đến hết tháng 7 năm 2024, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 9 của Hoa Kỳ. (Nguồn: Vneconomy)

Ông Nguyễn Hồng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ (Bộ Công Thương) đã phát biểu tại tọa đàm “Phát triển hệ thống các nhà cung ứng tham gia sâu vào chuỗi giá trị của Hoa Kỳ” diễn ra gần đây.

Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu sang Hoa Kỳ sụt giảm mạnh do tác động từ suy giảm kinh tế, lạm phát, người dân thắt chặt chi tiêu, lãi suất cao… 6 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Hoa Kỳ đã cơ bản phục hồi và dần lấy lại đà tăng trưởng ổn định.

Dẫn số liệu Ủy ban thương mại quốc tế, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (USITC), ông Nguyễn Hồng Dương cho biết, tính đến hết tháng 7 năm 2024, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 9 của Hoa Kỳ với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt khoảng 81,2 tỷ USD, tăng 18,7% so với năm 2023 và chiếm tỷ trọng 2,7% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Hoa Kỳ.

Xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt 73,9 tỷ USD (chiếm 3,98% tổng nhập khẩu của Hoa Kỳ, tăng 17,7%); nhập khẩu từ Hoa Kỳ đạt 7,3 tỷ USD, tăng 29,98% so với cùng kỳ năm 2023. Việt Nam xuất siêu sang Hoa Kỳ 66,6 tỷ USD và xếp thứ 3 trong số các nước có thặng dư thương mại lớn nhất với Hoa Kỳ, sau Trung Quốc và Mexico.

Ông Nguyễn Hồng Dương nhận định: “Đây là mức tăng trưởng khả quan khi hầu hết các nước cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam như Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia, đều có mức tăng trưởng thấp hơn nhiều”.

PGS.TS Huỳnh Thị Diệu Linh tại Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng cho rằng, bên cạnh một số điểm mạnh, doanh nghiệp Việt Nam nói chung, doanh nghiệp Đà Nẵng, miền Trung nói riêng còn những điểm yếu, như quy mô sản xuất còn nhỏ nên chưa đủ năng lực cung cấp; chất lượng sản phẩm chưa đồng đều.

Bà Linh nói: “Có tình trạng khi cung cấp hàng mẫu lần 1, lần 2, lần 3 thì nhà cung cấp làm tốt, nhưng những lần sau thì lại không đồng đều, không duy trì được suốt chu trình dài của hợp đồng”.

Ngoài ra, PGS.TS Huỳnh Thị Diệu Linh nhận thấy, cơ sở hạ tầng của Việt Nam còn hạn chế, ảnh hưởng đến chi phí logistics; thực thi đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ… cũng ảnh hưởng đến việc phát triển các nhà cung ứng tham gia sâu vào chuỗi giá trị Hoa Kỳ.

Để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa cũng như tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá trị của Hoa Kỳ, thời gian tới, các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp cần tiếp tục phát triển sản phẩm xuất khẩu theo hướng chuyên môn hoá, hiện đại hóa; cải thiện cơ cấu sản phẩm, tập trung phát triển các sản phẩm có giá trị gia tăng cao; áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn quản lý chất lượng tiên tiến để nâng cao sức cạnh tranh của ngành.

Đồng thời, thúc đẩy đầu tư sản xuất nguyên, phụ liệu, công nghiệp hỗ trợ, đẩy mạnh quá trình nội địa hóa để gia tăng hàm lượng giá trị của Việt Nam.

Bên cạnh đó, cần tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến, các hội chợ, triển lãm phù hợp; tăng cường giới thiệu sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam trên các phương tiện thông tin truyền thông lớn của Hoa Kỳ cũng như liên kết với doanh nghiệp Việt Nam ở nước sở tại nhằm hỗ trợ, mở rộng tiếp cận kênh phân phối sản phẩm để từ đó tạo tính lan toả, kết nối giữa các bang, vùng và địa phương.

Về phía doanh nghiệp, họ mong muốn sẽ có thêm các chương trình cung cấp thông tin cập nhật về thị trường Hoa Kỳ, các khuyến nghị, khuyến cáo liên quan đến các mặt hàng, lĩnh vực bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, điều tra chống bán phá giá…. để kịp thời có phương án kinh doanh thích ứng.

Gia Thành

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here