Quy hoạch không gian biển quốc gia: Cơ hội phát triển kinh tế biển bền vững

0
118
Nghị quyết của Quốc hội về Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tạo lập cơ sở cho phát triển nhanh và bền vững kinh tế biển. (Nguồn: TTXVN)

Quy hoạch không gian biển đã được UNESCO đưa vào thử nghiệm ở Vịnh Hạ Long của Việt Nam từ năm 2009 và được thể chế hoá, đưa vào Luật Quy hoạch năm 2017 với tư cách là một Quy hoạch không gian biển quốc gia (QHKGBQG).

Triển khai thực hiện Luật Quy hoạch 2017, Chính phủ đã tổ chức xây dựng QHKGBQG và được Quốc hội khoá XV thông qua tại Kỳ họp thứ 7. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương liên quan điều chỉnh các định hướng khai thác, sử dụng biển trong Quy hoạch ngành, tỉnh đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050 đã được Chính phủ phê duyệt.

Bảo đảm hài hòa giữa bảo tồn biển, đảo và phát triển kinh tế biển hiệu quả

Quy hoạch không gian biển – QHKGB là một dạng đặc thù của Quy hoạch không gian – QHKG. Đặc biệt, QHKGB ưu tiên giải quyết những căng thẳng/rào cản và mâu thuẫn/xung đột giữa các chính sách ngành, giữa lợi ích của những người hưởng dụng các giá trị trong cùng một không gian biển; định hướng phân bổ các hoạt động của các ngành/lĩnh vực kinh tế biển gắn với không gian biển, với dải đất ven biển/trên đảo.

Vì thế, QHKGB được xem là công cụ kiểm soát hữu hiệu để hướng các hoạt động phát triển trong các vùng biển – ven biển đi đúng “quỹ đạo”, đạt hiệu quả cao và bền vững trong một khung thời gian cụ thể (thời kỳ quy hoạch), phù hợp với luật pháp quốc gia và quốc tế.

QHKGB có 6 đặc trưng cơ bản: (i) xác lập mối quan hệ gắn kết giữa kinh tế, xã hội, môi trường theo không gian và thời gian, (ii) mang tính tổng thể, tích hợp và phối hợp liên ngành, (iii) quản lý quá trình thay đổi thông qua các hành động can thiệp tích cực và có định hướng, (iv) yêu cầu phải có một khung khổ hành chính và pháp lý thích hợp để thực hiện hành động, (v) phân bổ nguồn lực, thường khan hiếm và cạnh tranh, (vi) đòi hỏi thông tin “đầu vào” có tính hệ thống, kết nối các bên liên quan và có khả năng ứng dụng một tập hợp các kiến ​​thức đa ngành.

Trong thực tế, QHKG được áp dụng chủ yếu trên lãnh thổ đất liền, nhất là trong quy hoạch sử dụng đất và đô thị. Trong khi, QHKGB chỉ áp dụng cho không gian biển – là không gian ba chiều, có giá trị sử dụng đa ngành, vùng biển xuyên biên giới gắn với không gian ven biển và quy hoạch sử dụng đất ven biển, trên đảo.

Một QHKGB có chất lượng và có hiệu lực, hiệu quả sẽ mang lại nhiều lợi ích khác nhau (Elhler và Fanny, 2009)1, nhất là các lợi ích sinh thái và môi trường, lợi ích kinh tế – xã hội và văn hóa. Nói cách khác, nhiệm vụ chính yếu của QHKGB là:

(i) giảm thiểu các mâu thuẫn/xung đột lợi ích, các chồng chéo hiện có trong khai thác, sử dụng không gian biển giữa các ngành, các cấp, giữa doanh nghiệp và người dân trong cùng một vùng biển.

(ii) cơ cấu lại không gian biển theo nhu cầu sử dụng không gian biển để phát triển kinh tế biển nhanh, hiệu quả, bền vững; phân bổ các mảng/đơn vị không gian phát triển mới cho các ngành, địa phương và các bên liên quan khác (doanh nghiệp, cộng đồng, địa phương,…) trong vùng biển được quy hoạch.

Đặc biệt, QHKGBQG được xem là nhiệm vụ then chốt trong quá trình thực hiện Chiến lược Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 20452 và hỗ trợ thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững số 14 (SDG-14)3 của Liên hợp quốc mà Việt Nam đã cam kết thực hiện.

Nghị quyết số 139/2024/QH15 của Quốc hội đã xác định QHKGBQG là quy hoạch khung, tổng thể, tích hợp, đa ngành, động và mở, có tính dẫn dắt. Nó đã cụ thể hóa, hiện thực hoá các chủ trương, định hướng của Đảng, pháp luật của Nhà nước về quản lý, khai thác và sử dụng không gian biển hướng tới một quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh và an toàn theo tinh thần Nghị quyết số 36-NQ/TW (2018) và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Bên cạnh đó, QHKGBQG cũng hỗ trợ triển khai quản lý biển, vùng bờ biển theo không gian và thúc đẩy quá trình thống nhất quản lý nhà nước đối với biển, đảo. Lưu ý rằng, QHKGBQG còn góp phần bảo đảm hài hòa giữa bảo tồn biển, đảo và phát triển kinh tế biển hiệu quả, duy trì tăng trưởng xanh lam, thích ứng với biến đổi khí hậu và biến đổi đại dương, hướng tới một nền kinh tế biển xanh, bền vững, bảo đảm vững chắc các quyền và lợi ích của Việt Nam trên Biển Đông phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế và Việt Nam, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982 và Luật biển Việt Nam 2012.

Phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 36-NQ/TW (2018), Nghị quyết số 139/2024/QH15 của Quốc hội yêu cầu QHKGBQG tập trung vào 5 trọng tâm:

(i) Hoàn thiện thể chế, chính sách để giảm thiểu các mâu thuẫn/chồng chéo trong sử dụng biển và để phát triển bền vững kinh tế biển, bao gồm các ngành kinh tế biển mới.

(ii) Xây dựng hạ tầng biển đa dụng, nhấn mạnh đến hạ tầng giao thông, hạ tầng số và hạ tầng tự nhiên của các hệ sinh thái biển.

(iii) Xây dựng các thiết chế và phát huy các giá trị văn hóa biển, đảo đặc trưng Việt Nam để văn hoá biển không chỉ là “động lực tinh thần” mà còn là “động lực phát triển”, góp phần cải thiện sinh kế và đời sống văn hoá của cư dân ven biển, trên đảo.

(iv) Kiểm soát và quản lý hiệu quả các nguồn thải và giải quyết các điểm nóng ô nhiễm môi trường; phục hồi các hệ sinh thái đã bị suy thoái để tăng diện tích bảo tồn, bảo vệ biển.

(v) Đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; tăng cường đào tạo nhân lực biển và nghiên cứu khoa học – công nghệ phục vụ những ngành kinh tế biển mới.

Ngoài ra, Nghị quyết số 139/2024/QH15 của Quốc hội cũng xác định 4 khâu đột phá, bao gồm:

(i) ưu tiên xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng và dịch vụ logistics gắn với phát triển ngành công nghiệp tàu thủy và vận tải biển “đa mục tiêu, lưỡng dụng”, đồng bộ, hiện đại, tạo động lực thu hút nguồn lực, thúc đẩy phát triển bền vững các ngành kinh tế biển, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế, đáp ứng yêu cầu ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu, nước biển dâng và sự cố môi trường biển.

(ii) phát triển du lịch biển, đảo bền vững, có trách nhiệm, sáng tạo gắn với phát triển đô thị đảo xanh, thông minh.

(iii) đẩy mạnh phát triển kinh tế thủy sản theo hướng xanh, tuần hoàn, carbon thấp, chống chịu cao, ưu tiên phát triển nuôi biển và đánh bắt xa bờ, gắn với bảo tồn biển và văn hóa biển.

(iv) phát triển nhanh và bền vững các loại năng lượng sạch, xanh từ biển, ưu tiên phát triển điện gió ngoài khơi, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, quốc phòng, an ninh, nghiên cứu, đánh giá tổng thể về tiềm năng và phát triển ngành dầu khí, khoáng sản rắn, vật liệu xây dựng ở đáy biển.

Dự án điện gió ở Bạc Liêu. (Nguồn: TTXVN)

Cần sự chủ động và tích cực chuyển đổi xanh của các địa phương

Theo quy định của Luật Quy hoạch 2017, QHKGB chỉ được thực hiện ở cấp quốc gia như đã trình bày ở trên, cho nên, dù đã được Quốc hội phê duyệt thì QHKGBQG cũng chỉ có thể cung cấp cho các ngành, địa phương và các bên liên quan một khuôn khổ phát triển (khai thác, sử dụng, bảo tồn) và định hướng quản lý không gian biển quốc gia có tính nguyên tắc.

Vì thế, các ngành và địa phương có biển liên quan cần chủ động tiến hành “Phân vùng chức năng biển” (Marine function zoning) để xác định các phương án chi tiết, thực tế hoá ở quy mô nhỏ hơn đối với các vùng không gian biển, ven biển Quốc hội đã phê duyệt trong vùng biển – ven biển thuộc thẩm quyền quản lý của địa phương, bộ, ngành.

Hơn nữa, chuyển đổi xanh và phát triển kinh tế biển xanh, bền vững không chỉ là xu thế tất yếu toàn cầu mà còn là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta, được khẳng định tại nghị quyết của trung ương Đảng. Đặc biệt, khi kinh tế biển “nâu” đang trở thành “vật cản” trên con đường phát triển bền vững kinh tế biển nước ta trong bối cảnh phức tạp, khó lường ở Biển Đông.

Chuyển đổi xanh đòi hỏi phải giải quyết đồng bộ nhiều nội dung cụ thể trong kinh tế biển bằng những giải pháp khác nhau, nhằm: bảo toàn nguồn vốn tự nhiên biển, bảo đảm an ninh môi trường biển, thay đổi hành vi ứng xử của con người đối với biển đảo, quản lí tổng hợp và thống nhất quản lý nhà nước về biển đảo, quy hoạch và quản lý không gian biển, mở rộng diện tích biển được bảo tồn hiệu quả (sau đây gọi là vùng xanh) gắn với phát huy các giá trị văn hoá biển đặc trưng Việt Nam,…

Cùng với thách thức từ biến đổi khí hậu (Climate change), biến đổi đại dương (Ocean change), Việt Nam phải lấy tài nguyên và môi trường làm nền tảng, làm “chất xúc tác” để thúc đẩy phát triển kinh tế biển xanh, bền vững. Vì thế, bảo tồn tài nguyên, bảo vệ môi trường và chủ quyền biển đảo phải được xem là ba mặt của một vấn đề, không thể tách rời. Những cơ hội và thách thức trong chuyển đổi xanh nói trên đều được đề cập, ở mức độ khác nhau, trong QHKGBQG vừa được Quốc hội thông qua.

Có thể nói, việc mở rộng “vùng xanh” để bảo tồn hiệu quả biển, đảo nước ta đã trở thành “con đường” không chỉ để bảo đảm cân bằng với phát triển kinh tế biển, mà còn là cách “đối trọng” hoà bình với chiến thuật “vùng xám”4 trên Biển Đông.

Đây cũng là giải pháp ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, biến đổi đại dương, góp phần bảo đảm an ninh sinh thái ở vùng biển nước ta theo tinh thần Nghị quyết số 36-NQ/TW (2018) và Nghị quyết số 139/2024/QH15 của Quốc hội.

Theo đó, vùng xanh hàm ý là những khu vực biển đảo dành cho mục đích bảo tồn (marine conservation) ở các cấp độ với các kiểu, loại khác nhau nhằm phấn đấu đạt mục tiêu khoảng 3 – 6% diện tích vùng biển quốc gia được bảo tồn hiệu quả vào năm 2030 và 2045. Cũng cần nhấn mạnh rằng, mở rộng vùng xanh không chỉ là một yêu cầu để “chuyển trạng thái” từ bảo tồn biển truyền thống sang bảo tồn biển liên kết, chia sẻ, mà còn là cách Việt Nam thực hiện các cam kểt quốc tế, khu vực liên quan đến biển, đảo và bảo tồn biển.

Đến nay, Việt Nam đã ký tham gia nhiều cam kết quốc tế đa phương trong lĩnh vực biển đảo, kinh tế biển và bảo tồn biển, được ghi nhận là thành viên có trách nhiệm và thượng tôn pháp luật quốc tế. Những quan điểm, chủ trương, nhiệm vụ và giải pháp về phát triển bền vững kinh tế biển trong QHKGBQG cũng chính là quá trình hiện thực hoá quan điểm sắc bén về phát triển nhanh và bền vững trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng5.

PGS.TS. NGUYỄN CHU HỒI
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Thủy sản Việt Nam (VINAFIS), Đại biểu Quốc hội khóa XV


1 Ehler, Charles, and Fanny Douvere, 2009. Marine Spatial Planning: a step-by-step approach toward ecosystem-based management. Intergovernmental Oceanographic Commission and Man and the Biosphere Programme. IOC Manual and Guides No. 53, ICAM Dossier No. 6. Paris: UNESCO (English).

2 Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Hội nghị lần thứ Tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

3 Trong số 17 Mục tiêu phát triển bền vững (SDG), Mục tiêu số 14 (SDG-14) về Bảo tồn và sử dụng bền vững tài nguyên biển và đại dương.

4 Khoảng từ năm 2006 trở lại đây, trong khu vực Biển Đông tồn tại khái niệm “vùng xám” (Grey zone) – ám chỉ cách tiếp cận chuyển trạng thái từ khu vực biển đảo không tranh chấp thành tranh chấp, gây “mập mờ” không dễ dàng phán xét đúng hay sai. Đây là một chiến thuật thúc đẩy hành động gây căng thẳng nhưng dưới mức xung đột để các nước khác không có cớ hoặc không thể tạo cớ can thiệp bằng sức mạnh chính quy. Để chống lại ảnh hưởng của chiến thuật này một cách lâu dài, các học giả cho rằng, Việt Nam phải trở thành quốc gia không chỉ mạnh về biển, mà còn giàu từ phát triển kinh tế biển xanh, bền vững.

5 Xem bài viết của Tổng Bí thư về “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here