Trung Quốc-châu Phi xác định lại mô hình đầu tư “đôi bên cùng có lợi”

0
39
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại hội nghị ngày 5/9 ở Bắc Kinh. (Nguồn: Reuters)

Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc-châu Phi tại Bắc Kinh diễn ra trong bối cảnh châu Phi đang dần thoát khỏi một loạt vụ vỡ nợ và tìm cách xác định mối quan hệ hợp tác trong tương lai với chính quốc gia châu Á đã góp phần gây ra “cơn sốt nợ” của lục địa này và hiện đang phải đối mặt với những khó khăn kinh tế riêng.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại hội nghị ngày 5/9 ở Bắc Kinh. (Nguồn: Reuters)

Trong những năm gần đây, châu Phi với những tài nguyên khoáng sản và dầu mỏ, cùng dân số hơn 1 tỷ người đã trở thành tâm điểm cạnh tranh địa chính trị gay gắt giữa các cường quốc toàn cầu như Trung Quốc, châu Âu và Mỹ.

Theo nhà nghiên cứu Trần Vân Nam làm việc tại Viện phát triển hải ngoại có trụ sở tại Anh, trong bối cảnh Trung Quốc hiện đang là chủ nợ hàng đầu của châu Phi, chuyến thăm của những người đứng đầu nhà nước của châu lục này mang theo kỳ vọng về một sự nhượng bộ lớn (từ Bắc Kinh) trong việc tái cấu trúc nợ.

Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác Trung Quốc-châu Phi (FOCAC) thành lập từ năm 2000 và đảm nhận vai trò quan trọng hơn sau khi Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Chủ tịch Tập Cận Bình được khởi xướng vào năm 2013 với mục tiêu tái tạo Con đường Tơ lụa cổ đại. Trung Quốc đã công bố gói tài chính 60 tỷ USD tại FOCAC 2015 và lặp lại điều này trong năm 2018. Tại Hội nghị thượng đỉnh ở Dakar năm 2021, Bắc Kinh đã chuyển hướng sang thương mại và đầu tư, sự thay đổi chủ yếu là do áp lực tài chính trong nước, ảnh hưởng của dịch COVID-19 và việc giá hàng hóa sụt giảm đã làm tổn hại đến nền kinh tế châu Phi.

“Khóa van” nguồn tiền

Năm ngoái, các nhà cho vay Trung Quốc đã chấp thuận các khoản vay trị giá 4,61 tỷ USD cho châu Phi, mức tăng thường niên đầu tiên trong 7 năm qua, nhưng vẫn thấp hơn đáng kể so với mức đỉnh năm 2016.

Việc “khóa van” nguồn tiền đã dẫn tới việc không thể hoàn thành nhiều tuyến đường sắt và đường bộ, như tuyến đường sắt hiện đại của Kenya tới Uganda hay tuyến cao tốc trị giá 450 triệu USD nối thủ đô Yaounde của Cameroon tới Douala. Điều đó đã gây đau đầu cho các nhà lãnh đạo châu Phi, những người đang cố gắng thúc đẩy tăng trưởng trong bối cảnh nợ phải trả gia tăng, còn nguồn thu của chính phủ “chậm chạp” và tình trạng bất ổn xảy ra ở Kenya và Nigeria.

Ngân hàng Phát triển châu Phi ước tính thâm hụt tài chính cho cơ sở hạ tầng hàng năm của châu lục ở mức 100 tỷ USD. Việc xây dựng khối thương mại khổng lồ – Khu vực mậu dịch tự do lục địa châu Phi – đòi hỏi tăng cường kết nối cơ sở hạ tầng như đường bộ, đường sắt và xây dựng các cây cầu. Perter Kagwanja – chuyên gia quan hệ quốc tế người Kenya – nói: “Hiện nay ở Bắc Kinh, vấn đề là làm thế nào để hoàn thành các dự án đã khởi công?”.

Gánh nặng nợ nần lớn và không gian tài chính bị thu hẹp cũng là những chủ đề quan trọng trong chương trình nghị sự. Trước khi hoàn tất quá trình tái cấu trúc nợ kéo dài vào tháng 7 vừa qua, 20% các khoản nợ nước ngoài của Zambia là nợ Trung Quốc. Trung Quốc cũng đóng vai trò quan trọng ở Ethiopia, quốc gia cũng đang mắc kẹt trong quá trình tái cấu trúc nợ. Ngược lại, vai trò chủ nợ của Bắc Kinh khá hạn chế ở Ghana và Chad, những quốc gia phát triển nhanh hơn nhờ tái cấu trúc nợ theo khuôn khổ của G20.

Tuần trước, Trung tâm Chính sách Phát triển Toàn cầu thuộc Đại học Boston đánh giá: “Khi việc duy trì các quan hệ chiến lược ở châu Phi là ‘chìa khóa’ cho các mục tiêu dài hạn của Trung Quốc, việc giảm thiểu rủi ro do các thách thức nợ nần ở châu Phi là cần thiết”.
Một phần trong các khoản vay của Bắc Kinh, như ở Angola, được thu xếp trả bằng các nguồn tài nguyên. Tuy nhiên, các quốc gia khác như Uganda từ chối các thỏa thuận đó do lo ngại sẽ làm ảnh hưởng đến những thế hệ tương lai.

Những dữ liệu mới nhất cho thấy Trung Quốc đang áp dụng một chiến lược mới để tránh các nền kinh tế nợ nần chồng chất bằng cách hợp tác với ngân hàng đa phương của châu Phi. Hai trong số 13 khoản vay được Trung Quốc chấp thuận năm ngoái là dành cho Ngân hàng Xuất nhập khẩu châu Phi – một tổ chức phát triển khu vực.

Tại FOCAS 2021, Bắc Kinh đã hứa thúc đẩy nhập khẩu từ châu Phi lên mức 300 tỷ USD vào cuối năm 2024. Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, chỉ hai năm rưỡi (tức tính đến tháng 7 năm nay), con số này đã đạt mức 305,9 tỷ USD, vượt mục tiêu đề ra.

Trong một cuộc họp báo tại Bắc Kinh, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mao Ninh phát biểu: “Trung Quốc luôn coi trọng việc thực hiện các kết quả đạt được tại Diễn đàn hợp tác Trung Quốc-châu Phi”. Nhưng việc đa dạng hóa hàng nhập khẩu là một nhiệm vụ khó khăn. Một phân tích của Reuters cho thấy lượng hàng nhập khẩu chủ yếu tập trung vào lĩnh vực khoáng sản tại các quốc gia như Botswana, Nambia, Zambia, Zimbabwe và Cộng hòa dân chủ Congo.

Cấp hơn 50 tỉ USD cho các đối tác châu Phi trong vòng 3 năm tới

Tại Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc-châu Phi (FOCAC) ngày 5/9, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thông báo sẽ cấp hơn 50 tỉ USD cho các đối tác châu Phi trong vòng 3 năm tới. Các dự án đầu tư vào châu Phi sẽ được Trung Quốc thực hiện theo định hướng mới được Chủ tịch Tập Cận Bình công bố tại Diễn đàn “Vành đai và Con đường” lần thứ 3 hồi năm 2023, bền vững hơn, “xanh” hơn và tập trung vào cộng đồng địa phương.

Các đối tác châu Phi cũng kỳ vọng tiếp tục nhận được những khoản đầu tư mới và đặc biệt là những khoản vay ưu đãi hơn từ Bắc Kinh.

Trên thực tế, ngay năm 2021, Trung Quốc đã nhấn mạnh đến mô hình đầu tư “nhỏ và đẹp”, ít rủi ro về tài chính hơn cho cả Bắc Kinh cũng như các nước châu Phi. Bắc Kinh rút kinh nghiệm từ những đại dự án hạ tầng “chìa khóa trao tay” ở châu Phi thông qua những khoản vay dễ dãi cho các đối tác. Không những bị cáo buộc là “giăng bẫy nợ” cho những nước này, rất nhiều dự án bị chỉ trích là thiếu tính chiến lược, xa rời thực tế, không mang lại những kết quả về kinh tế như kỳ vọng, hoặc không có lợi cho người dân địa phương.

Một ví dụ được nhà nghiên cứu về châu Phi Jana de Kluiver nêu lên trên trang ISS Africa hôm 24/7 là tuyến đường sắt đường sắt khổ tiêu chuẩn ở Kenya có kinh phí quá lớn nhưng người dân không được hưởng lợi, có nghĩa là lợi ích kinh tế thu được không bù được cho khoản hoàn vốn vay. Chưa kể là chính các ngân hàng, các nhà đầu tư Trung Quốc cũng bị rơi vào chiếc bẫy đó. Vì theo nhà sử học Jodie Sun, chuyên gia về châu Phi tại Đại học Phục Đán (Fudan) ở Thượng Hải, được nhật báo Pháp Les Echos trích dẫn, “bất kỳ chủ nợ nào cũng muốn thu lợi từ đầu tư”.

Trong khi đó, theo giáo sư Đường Hiểu Dương (Tang Xiaoyang), Đại học Thanh Hoa, Bắc Kinh, nền kinh tế Trung Quốc phát triển chậm lại trong những năm đóng cửa chống dịch COVID-19 và nay vẫn chưa phục hồi, theo sau đó là “những căng thẳng về địa chính trị, những khó khăn kinh tế” trên thế giới. Cho dù năm 2023 được coi là năm Trung Quốc cấp nhiều vốn nhất từ 5 năm qua cho châu Phi (chủ yếu cho các đối tác lớn Angola, Ethiopia, Ai Cập, Nigeria và Kenya) nhưng giới phân tích cho rằng Bắc Kinh nay tỏ ra dè dặt trong việc cấp những khoản vay lớn và chọn lọc hơn trong các dự án.

Trung Quốc sẽ hướng đến những dự án bền vững hơn, đặc biệt dành ưu tiên cho các lĩnh vực năng lượng tái tạo, chăm sóc y tế và công nghệ, để người dân địa phương cũng được hưởng lợi. Mục đích là để hạn chế phá hoại môi trường dẫn đến bất bình xã hội và ảnh hưởng đến hình ảnh của Trung Quốc, như đã từng xảy ra với nhiều dự án lớn, ví dụ tuyến cao tốc Kampala-Entebbe ở Uganda.

Một trong những lĩnh vực “sạch” được Bắc Kinh tập trung khai thác ở châu Phi là ô tô điện, bình điện và pin mặt trời. Trong khi sản xuất vượt quá nhu cầu trong nước, để kích thích ngành công nghiệp, Trung Quốc phải tìm đầu ra mới cho những mặt hàng này, do đang bị Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đánh thuế cao do bị cáo buộc trợ giá. Châu lục vẫn quen sử dụng ô tô đã qua sử dụng, trong đó có xe của nhiều hãng Nhật Bản, là một thị trường rộng lớn đối với Trung Quốc. Theo nhật báo Les Echos, chỉ riêng năm 2023, số lượng ô tô điện Trung Quốc xuất sang châu Phi đã tăng 291%.

Trung Quốc-châu Phi xác định lại mối quan hệ
Dịch COVID-19 cũng khiến quan hệ Trung Quốc-châu Phi tạm dừng. Do đó, Diễn đàn FOCAC 2024 còn là cơ hội để hai bên tái xác định mối quan hệ và mở ra một chương mới. Nhà phân tích Ovigwe Eguegu, thuộc trung tâm Developtmen Reimagined chuyên về hợp tác Trung Quốc-châu Phi, nhận định “ các nước châu Phi đang trong giai đoạn muốn tăng cường hợp tác với Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực” và tiếp tục “tìm cơ hội cho tăng trưởng, phát triển kinh tế và cơ sở hạ tầng”.

Tuy nhiên, thời kỳ Trung Quốc hào phóng đầu tư đã không còn như trước, còn các đối tác châu lục dễ dàng tìm đến nhà cấp vốn châu Á vì ít bị ràng buộc về điều kiện mà các định chế tài chính quốc tế như Ngân hàng Thế giới hay Ngân hàng Phát triển châu Phi đặt ra. Giáo sư Đường Hiểu Dương đánh giá “mô hình cũ giờ không còn thực hiện được nữa”.

Cuối cùng, nhà nghiên cứu Jana de Kluiver cho rằng các nước châu Phi phải rút ra được bài học từ một thập niên hợp tác với Trung Quốc: cần xác định mục tiêu và chiến lược của họ trước khi cam kết với các đối tác nước ngoài. Nếu không châu Phi có nguy cơ trở thành nơi cổ vũ cho những ưu tiên của các cường quốc, đặc biệt là Trung Quốc và Mỹ.

Trong khi đó, theo Stephen Brawer, Chủ tịch Viện Vành đai & Con đường ở Thụy Điển (Institute Belt & Road), khi điều chỉnh chiến lược trong dự án Con đường Tơ lụa mới, để thích nghi với những nhu cầu tại nước đối tác và để sáng kiến tiếp tục tồn tại, Trung Quốc muốn khẳng định vẫn giữ vai trò quan trọng trong mối quan hệ quốc tế.

Chu văn

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here