Thủ tướng Phạm Minh Chính đồng ý về chủ trương cần lấn biển mở rộng không gian phát triển Đà Nẵng

0
51
Thủ tướng Phạm Minh Chính đi khảo sát một số công trình, dự án trọng điểm tại Đà Nẵng, trong đó có khu vực nghiên cứu lấn biển dự kiến xây dựng khu thương mại tự do. (Nguồn: VGP)

Khảo sát khu vực dự kiến lấn biển dự kiến xây dựng khu thương mại tự do tại Đà Nẵng, Thủ tướng Phạm Minh Chính đồng ý về chủ trương cần lấn biển để tạo quỹ đất mới, mở rộng không gian phát triển, song cần nghiên cứu, tính toán kỹ các vấn đề nguyên vật liệu san lấp; diện tích đất sau khi lấn biển cần thực hiện đúng chức năng theo tiêu chí khu thương mại tự do, những vị trí đẹp nhất dành cho sản xuất kinh doanh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đi khảo sát một số công trình, dự án trọng điểm tại Đà Nẵng, trong đó có khu vực nghiên cứu lấn biển dự kiến xây dựng khu thương mại tự do. (Nguồn: VGP)

Ngày 1/9, trong chương trình công tác tại Đà Nẵng, Thủ tướng Phạm Minh Chính đi khảo sát một số công trình, dự án trọng điểm tại Đà Nẵng, trong đó có khu vực nghiên cứu lấn biển gần đường Nguyễn Tất Thành, với chức năng là khu dịch vụ logistics, diện tích khoảng 420 ha. Đây là một trong bốn vị trí thành phố dự kiến xây dựng khu thương mại tự do Đà Nẵng và dự án cảng Liên Chiểu.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đồng ý về chủ trương cần lấn biển để tạo quỹ đất mới, mở rộng không gian phát triển, song cần nghiên cứu, tính toán kỹ các vấn đề nguyên vật liệu san lấp; diện tích đất sau khi lấn biển cần thực hiện đúng chức năng theo tiêu chí khu thương mại tự do, những vị trí đẹp nhất dành cho sản xuất kinh doanh.

Tiếp đó, Thủ tướng thị sát, kiểm tra tình hình đầu tư xây dựng hạ tầng dùng chung khu bến Liên Chiểu và tuyến đường ven biển nối cảng Liên Chiểu. Trước đó, vào tháng 6/2022, Thủ tướng đã khảo sát quy hoạch tổng thể cảng Liên Chiểu và kết nối giao thông liên vùng giữa Đà Nẵng và khu vực.

Cảng biển Liên Chiểu là dự án trọng điểm đang được Đà Nẵng kêu gọi đầu tư. Đây cũng là một trong 3 cảng biển nước sâu của Việt Nam, được quy hoạch là cảng đặc biệt với quy mô tiếp nhận tàu tổng hợp, hàng rời trọng tải đến 100.000 tấn, tàu container có sức chở từ 6.000 đến 8.000 TEU.

Dự án cảng Liên Chiểu được quy hoạch, đầu tư và xây dựng tại phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu với tổng diện tích 450 ha, gồm hai hợp phần. Trong đó, hợp phần A là phần cơ sở hạ tầng dùng chung, kinh phí đầu tư trên 3.400 tỷ đồng bằng nguồn vốn ngân sách trung ương và thành phố, đã khởi công cuối năm 2022. Hợp phần B được kêu gọi đầu tư bằng nguồn vốn tư nhân, tổng vốn đầu tư dự kiến là hơn 48.300 tỷ đồng.

Dự án hạ tầng dùng chung của Khu bến Liên Chiểu có tổng mức đầu tư 3.426 tỷ đồng, được Thủ tướng Chính phủ giao UBND thành phố Đà Nẵng làm cơ quan chủ quản. Dự án đã khởi công cuối năm 2022, dự kiến hoàn thành công trình vào tháng 11/2025. Nhà thầu là Liên danh Công ty cổ phần tư vấn và xây dựng Phú Xuân – Tổng Công ty xây dựng Lũng Lô – Tổng Công ty xây dựng Trường Sơn – Công ty cổ phần xây dựng Xuân Quang. Giá trị khối lượng thi công hoàn thành đến nay đạt 67%, giá trị khối lượng hợp đồng tương ứng khoảng 1.770 tỷ đồng; cơ bản đáp ứng tiến độ theo kế hoạch.

Còn tuyến đường ven biển nối cảng Liên Chiểu có tổng mức đầu tư 1.203 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương và ngân sách Thành phố, khởi công tháng 9/2023. Đến nay, giá trị khối lượng thi công hoàn thành đạt 33% giá trị khối lượng hợp đồng.

Về tình hình lựa chọn nhà đầu tư xây dựng bến cảng, thời gian qua có nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp khai thác cảng trong và ngoài nước có kinh nghiệm, năng lực tài chính đã liên hệ với các cơ quan chức năng mong muốn được tham gia đầu tư dự án cảng Liên Chiểu, trong đó có Tập đoàn Adani của Ấn Độ, Tập đoàn Sumitomo của Nhật Bản… “Điều này cho thấy rằng cảng Liên Chiểu có vị trí rất chiến lược về mặt logistics. Do đó phải tạo môi trường đầu tư kinh doanh để sức hấp dẫn của khu vực này tốt hơn”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng lưu ý việc xây dựng cảng Liên Chiểu theo hướng lưỡng dụng với công năng đa ngành, đa lĩnh vực; nghiên cứu, đánh giá kỹ tác động môi trường; quy hoạch tổng thể, lâu dài, chiến lược còn đầu tư có thể phân kỳ; chú trọng triển khai các dự án kết nối giao thông; huy động nguồn lực Trung ương và địa phương, nguồn lực của các nhà đầu tư.

Đề nghị Đà Nẵng, các bộ ngành, doanh nghiệp, nhà đầu tư có liên quan cần quyết tâm cao hơn, phấn đấu hoàn thành hạ tầng dùng chung và đường ven biển kết nối cảng trước 30/8/2025.

Ông Lê Thành Hưng, Giám đốc Ban quản lý các dự án cơ sở hạ tầng ưu tiên TP Đà Nẵng (chủ đầu tư dự án) cho biết, đến nay giá trị khối lượng thi công phần cơ sở hạ tầng dùng chung hoàn thành đạt 67%. Cụ thể hạng mục đê, kè chắn sóng thi công đạt 66%; hạng mục nạo vét luồng tàu và khu nước đạt 67%; đường giao thông và thoát nước đạt 68%.

Cũng trong chương trình công tác tại Đà Nẵng lần này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị quán triệt, triển khai Nghị quyết số 136/2024/QH15 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.

Khu vực nghiên cứu lấn biển gần đường Nguyễn Tất Thành (chức năng là khu dịch vụ logistics, diện tích khoảng 420 ha). Đây cũng là vị trí đang được xem xét để dự kiến xây dựng khu thương mại tự do Đà Nẵng. (Nguồn: VGP)

Nghị quyết này có nhiều điểm mới, nổi bật như thu hút nhà đầu tư chiến lược (Điều 12); về thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng (Điều 13); thu hồi đất để xây dựng các hạng mục, công trình để hình thành Trung tâm logistics (Điều 11).

Tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và UBND thành phố Đà Nẵng nghiên cứu, xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng và Quy chế hoạt động.

Theo Thủ tướng, thí điểm khu thương mại tự do Đà Nẵng là việc mới, khó, nhưng phải làm, khó mấy cũng phải làm, mạnh dạn làm; đây không chỉ là nhiệm vụ riêng của thành phố, mà các bộ, ngành Trung ương cần tập trung nghiên cứu, đồng hành cùng Đà Nẵng.

Chu Văn

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here