Trong 7 tháng đầu năm, Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản là 3 thị trường xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam, trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc tăng mạnh 39%.
Theo Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam lũy kế từ đầu năm 2024 đến ngày 15/8 đạt 9,5 tỷ USD, tăng 24% so với cùng kỳ năm trước, trong đó sản phẩm gỗ đạt 6,5 tỷ USD, chiếm 68% tỷ trọng và tăng 23% so với cùng kỳ năm trước.
Với kết quả lũy kế đến ngày 15/8, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đã hoàn thành 67% kế hoạch năm mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề ra. Năm 2024, Bộ này đặt mục tiêu đạt 14,2 tỷ USD xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ, tăng 6% so với năm 2023.
Nhìn chung, các thị trường xuất khẩu lớn nhất đều ghi nhận tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam là Mỹ tăng 25,9% về kim ngạch so với cùng kỳ, đạt 4,88 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm 2024.
Trung Quốc là thị trường lớn thứ hai với 1,2 tỷ USD, tăng tới 39% so với cùng kỳ năm trước; tiếp đến là Nhật Bản với 961 triệu USD, tăng nhẹ 1,4% so với cùng kỳ năm trước. Gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu sang Hàn Quốc lại giảm 2,1% so với cùng kỳ năm trước, còn 452 triệu USD.
Bên cạnh đó, Việt Nam còn xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang Canada với kim ngạch 133 triệu USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước; sang Anh đạt 124 triệu USD, tăng 17,8% so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài nhóm thị trường xuất khẩu đạt trên 100 triệu USD, Việt Nam còn xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang Malaysia thu về 90,7 triệu USD, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là thị trường duy nhất thuộc khối ASEAN lọt Top 10 thị trường xuất khẩu mặt hàng của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2024.
Việt Nam còn xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ sang Australia với kim ngạch 86 triệu USD, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm trước; sang Ấn Độ với 84,4 triệu USD, tăng tới 65,8% so với cùng kỳ năm trước; sang Pháp với 63,7 triệu USD, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm trước.
Trong 40 thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ chính của Việt Nam, Lào là thị trường có mức tăng trưởng cao nhất với mức tăng 150% so với cùng kỳ năm trước về kim ngạch. Ngược lại, Thổ Nhĩ Kỳ có mức giảm sâu nhất với mức giảm 75,8% so với cùng kỳ năm trước.
Theo báo cáo “Việt Nam xuất nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ hết 6 tháng đầu năm 2024” do nhóm nghiên cứu của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST), Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định (FPA Bình Định) cùng một số đơn vị khác thực hiện và vừa công bố, các doanh nghiệp FDI vẫn thể hiện sự vượt trội so với các doanh nghiệp nội về kim ngạch xuất khẩu. Trong 6 tháng đầu năm, cả nước có 669 doanh nghiệp FDI tham gia xuất khẩu, chiếm khoảng 20% tổng số doanh nghiệp tham gia khâu này và đạt kim ngạch 3,48 tỷ USD, tương đương 47,3% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả ngành trong cùng giai đoạn, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm 2023.
Nhóm nghiên cứu cho biết, nhóm các mặt hàng xuất khẩu chủ đạo của khối doanh nghiệp FDI là đồ gỗ, ghế ngồi và gỗ dán, với kim ngạch 3,02 tỷ USD, chiếm gần 87% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của khối này trong cùng giai đoạn. Số doanh nghiệp FDI tham gia xuất khẩu các mặt hàng như viên nén, dăm gỗ rất ít. “Điều này cho thấy doanh nghiệp FDI chủ yếu tham gia khâu xuất khẩu các mặt hàng có giá trị gia tăng cao”, nhóm nghiên cứu nhận xét.
Cũng giống như đầu ra của khối doanh nghiệp nội địa, Mỹ là thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của khối doanh nghiệp FDI; trong 6 tháng đầu năm 2024, có 67% doanh nghiệp trong tổng số doanh nghiệp FDI xuất khẩu vào thị trường Mỹ, với kim ngạch đạt gần 78% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả khối FDI.
Tỷ trọng này cao hơn nhiều so với tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu vào thị trường này chung của cả ngành (54,1%). Điều này có nghĩa, tỷ trọng xuất khẩu vào Mỹ của các doanh nghiệp nội địa thấp hơn nhiều so với tỷ trọng chung. Các thị trường đầu ra quan trọng khác của khối doanh nghiệp FDI bao gồm Nhật, Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU) và Hàn Quốc, tuy nhiên, tầm quan trọng của các thị trường này so với thị trường Mỹ nhỏ hơn rất nhiều.
Triển vọng ngành gỗ nhìn chung là tích cực. Tuy nhiên, đà tăng trưởng của ngành gỗ vẫn còn nhiều trở ngại, thách thức, bởi tác động của sự cạnh tranh địa chính trị giữa các nước lớn diễn biến phức tạp, khó lường; các thị trường xuất khẩu ban hành nhiều quy định, chính sách mới; tình trạng gian lận thương mại, giả xuất xứ sản phẩm hàng hóa có chiều hướng gia tăng; cạnh tranh thương mại diễn ra phức tạp; giá cước vận tải biển tăng cao…
An Hải