Thái Bình phấn đấu là tỉnh phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng

0
111
Phấn đấu đến năm 2050, Thái Bình có nền kinh tế phát triển thịnh vượng, xã hội tiến bộ và môi trường sinh thái được bảo đảm. (Nguồn: Dân Việt)

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định 1735/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Phạm vi quy hoạch gồm toàn bộ diện tích tự nhiên của tỉnh Thái Bình, với tổng diện tích tự nhiên trên đất liền là 1.584,61 km2 và không gian biển…

Phấn đấu đến năm 2050, Thái Bình có nền kinh tế phát triển thịnh vượng, xã hội tiến bộ và môi trường sinh thái được bảo đảm. (Nguồn: Dân Việt)

Tại  Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư diễn ra mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Khắc Thận nhấn mạnh, nội dung Quy hoạch bảo đảm chất lượng, có tầm nhìn chiến lược đã cụ thể hóa khát vọng đưa Thái Bình phát triển nhanh, toàn diện và bền vững với mục tiêu đến năm 2030 sẽ trở thành địa phương thuộc nhóm phát triển khá và là một trong những trung tâm phát triển công nghiệp của vùng Đồng bằng sông Hồng.

Phấn đấu đến năm 2050, Thái Bình là tỉnh phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng, có nền kinh tế phát triển thịnh vượng, xã hội tiến bộ và môi trường sinh thái được bảo đảm.

“Tỉnh cam kết đổi mới sáng tạo, quyết liệt hơn nữa trong chỉ đạo, điều hành; lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ; dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung của tỉnh; quyết tâm cải cách thủ tục hành chính, tạo chuyển biến mạnh mẽ về môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh để triển khai thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp Quy hoạch tỉnh đã đề ra”, ông Nguyễn Khắc Thận nói.

Theo quy hoạch, tỉnh Thái Bình gồm 8 đơn vị hành chính: TP. Thái Bình và huyện Đông Hưng, Hưng Hà, Kiến Xương, Thái Thụy, Tiền Hải, Quỳnh Phụ và Vũ Thư.

Theo đó, phương án tổ chức không gian kinh tế – xã hội tỉnh Thái Bình được định hình cấu trúc dựa trên bộ khung: một trung tâm là TP. Thái Bình; một hành lang kinh tế phía Đông (với hai trung tâm gồm đô thị Tiền Hải và đô thị Thái Thụy đóng vai trò đô thị đối trọng với TP. Thái Bình) kết nối trục Đông Bắc – Tây Nam; một hành lang phát triển Tây Bắc kết nối các khu vực phụ cận ngoại biên với tỉnh lân cận: Hưng Yên, Hà Nam hướng về TP. Hà Nội và một hành lang Đông Bắc – Tây Nam kết nối từ các tỉnh phía Bắc Trung bộ về TP. Hải Phòng, tỉnh Quảng Ninh.

Đồng thời, sẽ tổ chức thành 4 khu vực: Không gian kinh tế – xã hội khu vực trung tâm (khu vực TP. Thái Bình và phụ cận) phát triển hoạt động kinh tế đô thị, thương mại, dịch vụ, đầu mối liên kết các dịch vụ với những tỉnh đồng bằng sông Hồng và cả nước.

Liên kết các không gian hoạt động kinh tế – xã hội của tỉnh sẽ có 3 hành lang kinh tế: hành lang kinh tế ven biển phía Đông; hành lang kinh tế Đông Bắc – Tây Nam và hành lang kinh tế Tây Bắc gắn với đường vành đai 5 Vùng Thủ đô.

Ngoài ra, trong phương án tổ chức hoạt động kinh tế – xã hội; phương hướng phát triển ngành kinh tế quan trọng, Thái Bình đã xác định phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, công nghệ tiên tiến; phát huy thế mạnh để đưa Thái Bình trở thành trung tâm phát triển công nghiệp, năng lượng của Vùng đồng bằng sông Hồng.

Do đó, bên cạnh việc đầu tư các khu công  nghiệp, tỉnh dự kiến phát triển 67 cụm công nghiệp với tổng diện tích 4.198 ha phân bố tại các huyện trên địa bàn. Hình thành một số cụm công nghiệp chuyên ngành và cụm công nghiệp sản xuất theo hướng liên kết ngành, liên kết vùng trong và ngoài tỉnh. Bên cạnh đó, hình thành khu nghiên cứu đào tạo tại huyện Quỳnh Phụ (có quy mô khoảng 1.000 ha) theo hướng trở thành một trung tâm đào tạo nghiên cứu khoa học của vùng và cả nước.

Mặt khác, đối với du lịch, tỉnh tập trung thu hút đầu tư phát triển vào Khu du lịch nghỉ dưỡng sân gôn Cồn Vành – Cồn Thủ, thuộc Khu kinh tế Thái Bình (địa bàn huyện Tiền Hải); Khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái biển Cồn Đen, thuộc Khu kinh tế Thái Bình (địa bàn huyện Thái Thụy); Khu du lịch phố biển Đồng Châu xã Đông Minh, xã Đông Hoàng, thuộc Khu kinh tế Thái Bình (địa bàn huyện Tiền Hải); Khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí khu vực rừng ngập mặn các xã Thụy Xuân, Thụy Hải, Thụy Trường…

Đặc biệt, phát triển mạnh hệ thống các khu thương mại tập trung, khu dịch vụ tổng hợp, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng chuyên doanh, cửa hàng tiện lợi… tại khu vực trung tâm đô thị, các khu đô thị mới và các khu dân cư tập trung.

Đến năm 2030, thành lập ít nhất 6 trung tâm dịch vụ logistics tại TP. Thái Bình, các huyện Thái Thụy, Tiền Hải, Hưng Hà, Kiến Xương, Quỳnh Phụ.

Khánh Ly

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here