Công nghệ và chất lượng thức ăn chăn nuôi của Việt Nam hoàn toàn đáp ứng yêu cầu của thị trường nhập khẩu

0
65
6 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thức ăn gia súc của Việt Nam sang thị trường Mỹ đạt gần 63,62 triệu USD, tăng 91,8% so với cùng kỳ 2023. (Nguồn: Shutterstock)

Trong 6 tháng đầu năm 2024, Trung Quốc và Mỹ là hai thị trường nhập khẩu nhiều nhất thức ăn gia súc và nguyên liệu của Việt Nam.

6 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thức ăn gia súc của Việt Nam sang thị trường Mỹ đạt gần 63,62 triệu USD, tăng 91,8% so với cùng kỳ 2023. (Nguồn: Shutterstock)

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 6 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu nhóm hàng thức ăn chăn nuôi gia súc và nguyên liệu đạt trên 492,88 triệu USD, giảm 5,6% so với 6 tháng đầu năm 2023. Riêng tháng 6/2024 xuất khẩu đạt 86,6 triệu USD, giảm 6,2% so với tháng 5/2024 và giảm 10% so với tháng 6/2023.

Trung Quốc là thị trường nhập khẩu nhiều nhất thức ăn chăn nuôi gia súc và nguyên liệu của Việt Nam, chiếm 40,7% trong tổng kim ngạch xuất khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu của cả nước.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thức ăn chăn nuôi gia súc và nguyên liệu sang thị trường này đạt trên 200,48 triệu USD, giảm 16,6% so với 6 tháng đầu năm 2023; riêng tháng 6/2024 xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đạt 36,59 triệu USD, giảm 12% so với tháng 5/2024 và giảm 24,4% so với tháng 6/2023.

Tiếp theo là thị trường Mỹ đạt gần 63,62 triệu USD, tăng 91,8%, chiếm 12,9%; Campuchia đạt 55,54 triệu USD, giảm 33,5%, chiếm 11,3%; Malaysia đạt 49,51 triệu USD, giảm 4,1%, chiếm 10%…

Cũng theo Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu thức ăn chăn nuôi gia súc của cả nước trong năm 2023 đạt gần 1,2 tỷ USD, tăng 6% so với năm 2022.

Xuất khẩu thức ăn chăn nuôi gia súc sang thị trường Trung Quốc – thị trường lớn nhất năm 2023 – đạt 577,41 triệu USD, tăng 30,1% so với năm 2022, chiếm 48,3% trong tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước.

Xuất khẩu thức ăn chăn nuôi gia súc sang thị trường Campuchia – thị trường lớn thứ 2 trong năm 2023 – tăng 1,2% so với năm 2022, đạt 166,73 triệu USD. Thị trường Malaysia xếp thứ 3 về kim ngạch, đạt 117,84 triệu USD, tăng 28,2% so với năm 2022.

Xuất khẩu thức ăn chăn nuôi gia súc sang thị trường FTA-RCEP trong năm 2023 tăng 15,1% so với năm 2022, đạt 982,86 triệu USD, chiếm 82% trong tổng kim ngạch. Xuất khẩu sang thị trường CPTTP tăng 9,9%, đạt 144,67 triệu USD, chiếm 12% trong tổng kim ngạch. Xuất khẩu sang thị trường Đông Nam Á tăng nhẹ 2,1% so với năm 2022, đạt 354,47 triệu USD, chiếm 29,6%.

Chia sẻ tại Hội nghị Thúc đẩy phát triển chăn nuôi lợn bền vững, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức sáng 14/8, tại Hà Nội, ông Phạm Kim Đăng – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi nhận định, những kết quả trên cho thấy, công nghệ và chất lượng thức ăn chăn nuôi của Việt Nam hoàn toàn đáp ứng yêu cầu của thị trường nhập khẩu.

Ở chiều ngược lại, cũng theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, 7 tháng đầu năm 2024, Việt Nam chi 2,91 tỷ USD để nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu, tăng nhẹ 2,2% so với cùng kỳ năm trước.

Doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chi 1,22 tỷ USD để nhập khẩu mặt hàng này, tương ứng tăng 5% so với cùng kỳ. Doanh nghiệp nội địa nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu với 1,69 tỷ USD, tăng nhẹ 0,1% so với cùng kỳ năm trước.

Tính đến tháng 7/2024, ngoại trừ tháng 2 và tháng 7 Việt Nam giảm nhập khẩu, các tháng còn lại đều ghi nhận tăng trưởng kim ngạch nhập khẩu cao so với cùng kỳ. Đáng chú ý, tháng 4 tăng tới 34% so với cùng kỳ, lên mức 498 triệu USD.

Lũy kế 7 tháng đầu năm 2024, Argentina là thị trường cung cấp thức ăn gia súc và nguyên liệu lớn nhất cho Việt Nam với 827 triệu USD, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm trước. Đứng sau là Mỹ với 652 triệu USD, tăng 56% so với cùng kỳ năm trước, Brazil với 404 triệu USD, giảm 14% so với cùng kỳ năm trước.

Việt Nam cũng chi 248 triệu USD nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu từ Trung Quốc, tăng 53% so với cùng kỳ năm trước; Ấn Độ với 109 triệu USD, giảm sâu 70% so với cùng kỳ năm trước.

Trong số các thị trường lớn nhất, Việt Nam nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu từ hai thị trường thuộc ASEAN, bao gồm Indoneisa với kim ngạch 81 triệu USD, tăng 12,8% so với cùng kỳ; nhập từ Thái Lan với 122 triệu USD, tăng tới 65% về giá trị so với 7 tháng đầu năm 2023.

Nhu cầu nhập khẩu thức ăn gia súc và nguồn nguyên liệu đầu vào diễn ra trong bối cảnh ngành chăn nuôi của Việt Nam có những bước phát triển nổi bật. Trong 3 năm qua, Việt Nam luôn duy trì đàn lợn đứng thứ 5 thế giới về đầu con, thứ 6 về sản lượng; đàn gia cầm đứng top đầu thế giới (trong đó thủy cầm đứng thứ 2 thế giới); sản lượng sữa tươi nguyên liệu đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN; sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp đứng số một khu vực Đông Nam Á, thứ 12 thế giới.

Các sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam cũng mang về kim ngạch xuất khẩu tốt với 515 triệu USD vào năm 2023, tăng 26,2% so với năm trước. Hiện nay, ngày càng có nhiều sản phẩm chăn nuôi được mở rộng xuất khẩu như mật ong, lợn sữa, tổ yến, trứng vịt muối, sữa và thịt gà chế biến…

Hoàng Nam

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here