Hà Nội tiếp tục khẳng định là điểm đến của nhà đầu tư nước ngoài

0
83
7 tháng năm 2024, Hà Nội thu hút 1,3 tỷ USD vốn FDI, tăng 65% so với cùng kỳ năm 2023. (Ảnh: Hiếu Công)

Với vị trí chiến lược và nhiều lợi thế đặc thù, Hà Nội đang có tiềm năng và cơ hội lớn để phát triển, thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghệ, trong đó có ngành công nghiệp bán dẫn.

7 tháng năm 2024, Hà Nội thu hút 1,3 tỷ USD vốn FDI, tăng 65% so với cùng kỳ năm 2023. (Ảnh: Hiếu Công)

Những tháng đầu năm 2024, sản xuất công nghiệp trên địa bàn Hà Nội tiếp tục phục hồi tích cực. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 7 ước tăng 2,3% so với tháng trước và tăng 6,2% so với cùng kỳ năm 2023.

Tính chung 7 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,4%; sản xuất và phân phối điện tăng 12,8%; cung cấp nước và xử lý rác, nước thải tăng 8,8%; công nghiệp khai khoáng giảm 3,3%.

Trong 7 tháng năm 2024, hầu hết ngành chế biến, chế tạo đạt mức tăng khá so với cùng kỳ năm ngoái như: Sản xuất máy móc, thiết bị tăng 14,9%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 13,8%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 11%; công nghiệp chế biến, chế tạo khác tăng 9,1%; sản xuất thiết bị điện tăng 8,7%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 7,8%.

Lĩnh vực xuất, nhập khẩu phục hồi mạnh mẽ 7 tháng đạt 33,5 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 10,4 tỷ USD, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Khu vực kinh tế trong nước đạt 6,1 tỷ USD, tăng 15,8%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 4,3 tỷ USD, tăng 4,3%.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 475,3 nghìn tỷ đồng, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 301,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 63,5% tổng mức và tăng 10,1% (đá quý, kim loại quý tăng 38%; lương thực, thực phẩm tăng 12,3%; hàng may mặc tăng 9,6%; gỗ và vật liệu xây dựng tăng 8,4%; ô tô con tăng 7,6%; xăng dầu tăng 7%; phương tiện đi lại trừ ô tô con tăng 6,2%; đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình tăng 6%; hàng hóa khác tăng 13,4%).

Doanh thu khách sạn, nhà hàng đạt 62,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 13% và tăng 10,5% (dịch vụ lưu trú tăng 32,5%; dịch vụ ăn uống tăng 8,3%). Doanh thu du lịch lữ hành đạt 15,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 3,3% và tăng 46,8%. Doanh thu dịch vụ khác đạt 95,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 20,2% và tăng 6,5%.

Cũng trong 7 tháng, du lịch tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh kinh tế của Hà Nội. Khách du lịch đến Hà Nội tăng 33,2% so với cùng kỳ năm trước, 7 tháng ước đạt 3.494 nghìn lượt người. Trong đó, khách quốc tế ước đạt 2.433 nghìn lượt người, tăng 43,4% so với cùng kỳ năm trước. Khách du lịch nội địa ước đạt 1.061 nghìn lượt người, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm trước.

Hà Nội tiếp tục khẳng định là điểm đến của nhà đầu tư nước ngoài khi 7 tháng thu hút 1,3 tỷ USD vốn FDI, tăng 65% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, đăng ký cấp mới 143 dự án với số vốn đạt 1,1 tỷ USD; 102 lượt tăng vốn đầu tư với 138 triệu USD; 118 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần đạt 77 triệu USD.

Theo Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội, trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, ngành công nghiệp bán dẫn đã trở thành trụ cột quan trọng trong nền kinh tế kỹ thuật số.

Thời gian qua, Việt Nam đã và đang thu hút nhiều tập đoàn lớn trong ngành bán dẫn của Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, các quốc gia châu Âu… đến tìm hiểu và đầu tư. Đặc biệt, Hà Nội với vị trí chiến lược và nhiều lợi thế đặc thù, đang có tiềm năng và cơ hội lớn để phát triển, thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghệ, trong đó có ngành công nghiệp bán dẫn.

Những tháng cuối năm, dự báo tình hình thế giới tiếp tục biến động phức tạp, khó lường; nền kinh tế trong nước tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực nhưng còn nhiều khó khăn. Do vậy, để thực hiện cao nhất các mục tiêu đề ra, ông Lê Trung Hiếu Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho biết, thành phố tiếp tục các giải pháp tập trung kiểm soát lạm phát, bảo đảm ổn định và duy trì phát triển kinh tế, tích cực tổ chức tháo gỡ khó khăn cho sản xuất-kinh doanh, thực hiện hiệu quả các chính sách ưu đãi (giảm, giãn thuế, phí, lãi suất cho doanh nghiệp) thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, kinh tế Số, các mô hình kinh doanh mới (kinh tế đêm), kinh tế tuần hoàn và các ngành lĩnh vực mới nổi.

Ngoài ra, lãnh đạo thành phố yêu cầu đẩy mạnh cải cách hành chính, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Quyết liệt đẩy nhanh vốn đầu tư công, kế hoạch trung hạn 2021-2025, đặc biệt là quan tâm thúc đẩy các công trình dự án trọng điểm.

Khánh Ly

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here