Việt Nam đứng vị trí thứ 43 trong bảng xếp hạng chỉ số hiệu quả logistics (LPI), thuộc top 5 dẫn đầu Đông Nam Á và top 10 thị trường logistics mới nổi thế giới.
Trong 7 tháng đầu năm 2024, ngành logistics đã góp phần đưa tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam tăng 17,1% so với cùng kỳ 2023, đạt 439,88 tỷ USD. Đây là thông tin được đưa ra tại Triển lãm Quốc tế Logistics Việt Nam 2024 (VILOG 2024) mới đây.
Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới (World Bank), GDP châu Á – Thái Bình Dương năm nay sẽ tăng trưởng 4,5%, cao hơn trung bình thế giới là 3,1%. Là trung tâm sản xuất, tiêu dùng và đổi mới sáng tạo năng động toàn cầu, kinh tế châu Á phục hồi phản ánh rõ nét qua dòng chảy thương mại hàng hóa, nổi trội có Việt Nam.
Chi tiết, trong đà phục hồi chung của khu vực, Việt Nam ghi nhận thành tích tăng trưởng ấn tượng 6,42% trong nửa đầu năm. Đặc biệt, vai trò là điểm đến sản xuất yêu thích của các tập đoàn đa quốc gia trong việc chuyển dịch chuỗi cung ứng ngày càng rõ nét.
Theo ông Phạm Tấn Công – Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, khảo sát của Bộ Công Thương cho thấy 90,5% doanh nghiệp dịch vụ logistics tham gia khảo sát đang ở giai đoạn số hóa, gồm cấp độ 1 (tin học hóa) và cấp độ 2 (kết nối).
Chỉ có 5% doanh nghiệp dịch vụ logistics đã tiến lên cấp độ 3 (trực quan hóa), 2,2% ở cấp độ 4 (minh bạch hóa). Đặc biệt, chỉ có 1,9% doanh nghiệp đã tiến đến cấp độ 5 là có khả năng dự báo và chỉ 0,4% doanh nghiệp đạt đến cấp độ cao nhất là có khả năng thích ứng.
Theo ông Công, chuyển đổi số đang không còn là xu hướng mà đã trở thành yêu cầu tất yếu của ngành logistics trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Sự phát triển của thị trường logistics tạo ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp dịch vụ logistics, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức, đòi hỏi các doanh nghiệp phải nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua ứng dụng công nghệ số.
Ông Nguyễn Đức Hiển – Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương cũng chỉ ra những điểm yếu của ngành logistics Việt Nam: Vận tải hàng hóa trong nước chủ yếu bằng đường bộ, chi phí cao; năng lực và chất lượng dịch vụ, tính chuyên nghiệp còn hạn chế. Sự liên kết giữa các doanh nghiệp logistics với các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu còn yếu; chưa hình thành được mạng lưới các doanh nghiệp logistics có quy mô lớn, có năng lực dẫn dắt, tiên phong tiến ra thị trường quốc tế.
Vân Chi